DNews

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao "bảo kiếm" đón nhân tài về nước

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp Việt chi hàng nghìn USD để chiêu mộ du học sinh Việt về nước làm việc. Khi thị trường càng phát triển, Việt Nam càng dễ thu hút thế hệ kỳ lân "đi để trở về" này.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao "bảo kiếm" đón nhân tài về nước

                                       LỜI TÒA SOẠN

Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người đi du học nước ngoài mỗi năm, số lượng cao gấp 2,5 lần giai đoạn trước 2013. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh. Đây luôn được xác định là nguồn nhân lực chất lượng, tiềm năng với đất nước.

Tuy nhiên, định kiến "tốt nghiệp đại học danh tiếng tại Mỹ vẫn về Việt Nam làm việc", "không ở nổi mới phải về", "du học như vậy là khoản đầu tư thất bại"... hiện là rào cản lớn với việc về nước cống hiến. Trên thực tế, ngày càng có nhiều du học sinh chọn trở về vì nhìn thấy những cơ hội, triển vọng tốt, khả năng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Dân trí thực hiện loạt bài viết "Thế hệ kỳ lân "đi để trở về" phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến này và bài toán thu hút, tận dụng, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực được kỳ vọng "về để làm chủ" này.

Không ngại trả lương "khủng"

 Trong các phòng ban phụ trách về thiết kế, bán hàng và quảng cáo của Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), có đến 30% nhân sự thuộc nhóm du học sinh Việt về nước.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT công ty - cho biết đối với nhóm nhân sự đặc biệt này, công ty sẵn sàng trả lương 800-1.200 USD/tháng (tương đương 19,8-29,7 triệu đồng) cho người mới vào làm; 1.800-2.500 USD/tháng (khoảng 44,6-61,9 triệu đồng) cho nhân sự có thâm niên 2-3 năm.

Thu nhập này chưa bao gồm các khoản thưởng hoa hồng, năng suất và các chế độ đãi ngộ khác.

"Chúng tôi không ngại về chi phí. Vì hiệu quả mà nhóm nhân sự này mang lại cao gấp 33% so với những người khác. Họ có sự chủ động, nhanh nhẹn và linh hoạt, những yếu tố mà rất ít nhân sự khác có được, đặc biệt là khi làm việc trong cách công đoạn khảo sát thị trường, thiết kế, bán hàng, quảng cáo", ông Việt thẳng thắn chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 1

Hướng đến chỉ giữ chân nhân sự chất lượng cao, công ty không ngại chi "khủng" để đón du học sinh Việt ở nước ngoài về làm việc.

Bên cạnh đó, VitaJean còn vạch ra nhiều chính sách để giữ chân nhóm nhân sự chất lượng cao này. Trong đó, công ty sẽ cho họ sự công nhận và định hướng rõ ràng, đúng đắn, bằng cách đánh giá KPI (năng suất) 3 tháng/lần. Trong đó, mức thưởng dành cho nhóm nhân sự này cũng có sự chênh lệch so với các nhân sự khác.

"Chúng tôi trả lương, đãi ngộ không thua gì ở nước ngoài để các bạn nhìn thấy tiềm năng đang dần rộng mở ở Việt Nam. Khi về nước, các bạn vừa được ở gần, chăm sóc gia đình, vừa có được khoản dư. Bởi ở nước ngoài, mức sống rất cao, các bạn lại phải đóng thuế thu nhập cá nhân không hề thấp", ông Việt phân tích.

Năm 2008, VitaJean đã bắt đầu kế hoạch chiêu mộ nhân sự là du học sinh Việt Nam về nước.

Khi có sự xuất hiện của AI, công ty dần cắt giảm nhân sự từ 1.300 xuống còn 380 người, tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công, mặt bằng, điện, nước và tốc độ khấu hao cũng nhanh hơn. Dù số lao động giữ lại chỉ còn 32%, sản lượng lại tăng gấp 3-4 lần so với trước.

Từ đó, vị Chủ tịch càng khao khát tuyển dụng và giữ lại nhân sự chất lượng cao để "làm chủ" công nghệ, bắt kịp được sự phát triển của sự toàn cầu hóa của thế giới.

Doanh nghiệp cần sự đổi mới, linh hoạt

Thời gian đầu, ông Việt thừa nhận việc thuyết phục du học sinh về nước "đầu quân" cho doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, thời gian để nhóm nhân sự này "hội nhập" được với môi trường, văn hóa làm việc ở nước nhà lại càng mất nhiều thời gian.

"Nhóm nhân sự này có khuyết điểm là hội nhập chậm, làm quen với văn hóa làm việc chưa được nhanh. Ở nước ngoài, họ đã quen với kiểu làm việc tự do, chỉ quan trọng kết quả chứ không muốn bị quản lý về quá trình. Vì thế, ở các công đoạn như kỹ thuật, nội bộ, nhân sự, sản xuất thì rất yếu, thậm chí khi lập phương án đôi lúc có nhiều người cũng không làm được", vị Chủ tịch nhận xét.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 2

Để tuyển dụng và quản lý được nhóm nhân sự này, ông Việt cho hay phải rất khá nhiều thời gian để đào tạo, tập làm quen.

Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn đào tạo, giúp họ thích nghi, doanh nghiệp có thể giữ chân được nhóm nhân sự chất lượng cao này và đạt được hiệu quả vượt bậc.

"Để giải quyết vấn đề về thích nghi, trong nhiều dự án, chúng tôi sẽ xếp cho các bạn có thâm niên 2 năm trở lên thành một nhóm chỉ toàn du học sinh. Từ đó, công việc được vận hành rất hiệu quả, nhiều người còn có thể gắn bó với VitaJean 15-20 năm, người mới nhất cũng đã làm việc gần 7 năm. Một trong số đó cũng đã lên chức quản lý, trưởng phòng, giám đốc", ông Việt chia sẻ.

Từng là một du học sinh ở Mỹ, anh Lê Duy Toàn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) - cũng từng không muốn về Việt Nam mà chỉ muốn ở lại Mỹ phát triển sự nghiệp.

Thế nhưng, với khao khát để ẩm thực Việt có được sự công nhận của thế giới, Toàn đã bỏ cơ hội định cư ở Mỹ để về nước khởi nghiệp. Lúc ấy, anh cũng ra sức thuyết phục những người em đang du học tại Úc và Anh trở về Việt Nam để cùng làm việc. Tất nhiên, mọi thứ diễn ra không hề dễ dàng vì sự khác biệt về môi trường và văn hóa.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 3
Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 4

"Thời điểm ấy, nhiều lĩnh vực khác còn gặp khó khăn trong việc chiêu mộ du học sinh về nước nên lĩnh vực sản xuất thực phẩm chắc chắn cũng không dễ dàng gì. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để cho các bạn một định hướng và vạch ra sự thăng tiến thật rõ ràng. Khi ấy, các bạn mới thật sự đồng ý", anh Toàn nói.

Theo vị Giám đốc, ngày nay, để tiếp cận nhóm nhân sự chất lượng cao này, doanh nghiệp Việt cần phải đổi mới. Với tâm lý từng là du học sinh, anh Toàn cho hay mức lương là điều quan trọng nhất để một du học sinh "đập tan" sự phân vân giữa về nước hoặc ở lại. Ngoài ra, môi trường làm việc cũng là yếu tố quan trọng.

Thực tế, ở nước ngoài, những nhân sự này vốn đã quen với kiểu làm việc tự do, thoải mái, chỉ chú trọng kết quả và sẽ chủ động tự gỡ rối cho chính bản thân trong suốt quá trình làm việc. Còn ở Việt Nam, họ phải chịu sự quản lí của nhiều cấp bậc như trưởng nhóm, phòng, ban,…

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 5
Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 6

"Doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc theo cách mới, nếu giữ như cũ thì rất khó để chiêu mộ du học sinh nước ngoài về nước. Vì nhóm nhân sự này đã mất nhiều thời gian để làm quen, thích ứng với môi trường, văn hóa làm việc ở nước ngoài.

Bây giờ về nước làm việc, công ty bắt các bạn phải thích ứng với môi trường ở Việt Nam thì các bạn sẽ bị sốc văn hóa khiến công việc thêm rườm rà, phức tạp", vị Giám đốc cho hay.

Trong trường hợp những nhân sự không phải là du học sinh, đã làm lâu năm ở công ty và đạt thành tích nhất định, không chấp nhận thay đổi theo kiểu ở nước ngoài, công ty có thể tách biệt hoàn toàn hai nhóm nhân sự này để mỗi nhóm có thể tự vận hành công việc thật hiệu quả.

Toàn cầu hóa thị trường, "đón" nhân tài càng dễ dàng

Dự đoán trong tương lai, ông Phạm Văn Việt cho hay thị trường trong nước ngày càng có nhiều điểm sáng, đủ sức hút để kéo du học sinh từ nước ngoài về.

Trong bối cảnh các công ty cùng ngành đang khao khát đơn hàng, ông Việt cảm thấy may mắn khi nhà máy của mình vẫn duy trì được khoảng 90% công suất hoạt động. Các thị trường xuất khẩu vẫn ổn định đơn hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,…

"Thị trường ngày càng mở rộng và chỉ mới bắt đầu nên nhóm nhân sự này rất hào hứng. Bởi đây chính là cơ hội để các bạn phát triển bản thân", vị Chủ tịch nhận định.

Cùng suy nghĩ ấy, Giám đốc Lê Duy Toàn cho rằng thị trường toàn cầu hóa sẽ giúp doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận và chiêu mộ du học sinh về làm việc cho mình.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 7

Trong tương lai, ông Việt dự đoán các doanh nghiệp sẽ càng dễ dàng tiếp cận nhóm nhân sự chất lượng cao này.

"Các bạn dần nhìn thấy những tiềm năng ở nước nhà. Các nước phương Tây đang phát triển quá nhanh so với chúng ta. Cơ hội để sáng tạo ở các nước này dành cho các bạn là quá ít. Vì thế, Việt Nam sẽ có nhiều "đất" hơn cho các bạn "luyện võ", góp phần đóng góp nhiều hơn cho xã hội", anh Toàn nói.

Ngày nay, Việt Nam là quốc gia gửi nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập để trở thành các nhà khoa học, kỹ sư... so với các nước láng giềng.

Hơn 20 năm qua, các chương trình du học đã mang lại kết quả bất ngờ. Những thế hệ du học sinh đầu tiên đã tốt nghiệp và đi làm ở nước ngoài, trong một khoảng thời gian, đã mang kinh nghiệm trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp.

Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 8
Doanh nghiệp Việt chi mạnh, trao bảo kiếm đón nhân tài về nước - 9

 Năm 2023, một khảo sát của tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy có 71% người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có dự định về nước trong 5 năm tới. Con số này tăng 1% so với năm 2021.

Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với 3 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cùng được thực hiện khảo sát như Indonesia (60%), Philippines (62%) và Singapore (58%).

Ảnh: VitaJean, Duy Anh Foods