DNews

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài

Nguyễn Vy Thế Anh

(Dân trí) - Trong số các biện pháp để truy quét SIM rác, việc ngừng phát hành SIM tại các đại lý được cho là mạnh tay nhất. Với một bộ phận người kinh doanh đại lý SIM thẻ, việc này đã được báo trước để chuẩn bị.

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài

Nỗ lực truy quét SIM rác 

Tại buổi họp báo thường kỳ được tổ chức mới đây, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp bị xử lý sau đợt truy quét diện rộng. Trong đó, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống và 7,15 triệu thuê bao phải chuẩn hóa lại thông tin.

Từ tháng 5, thanh tra Bộ cũng tiến hành kiểm tra những chủ sở hữu trên 10 SIM, nhằm đảm bảo thuê bao hoạt động đúng tên đăng ký (SIM chính chủ). Sau quá trình kiểm tra, có 3,6 triệu SIM trong tổng số 8,6 triệu phải đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi.

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài - 1

Chủ đại lý SIM thừa nhận, SIM không chính chủ tràn lan trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết thời gian tới, Cục tiếp tục phối hợp với thanh tra Bộ nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra các hành vi vi phạm và có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới với nhà cung cấp vi phạm.

Mục tiêu là xác định thuê bao di động phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Việc này để hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 10/9, tất cả các nhà mạng trên toàn quốc ngừng phát hành SIM di động tại đại lý. Đánh giá chung, động thái này phản ánh nỗ lực của Bộ TT&TT và các nhà mạng nhằm hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (SIM rác) tràn lan trên thị trường.

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài - 2

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) báo cáo kết quả sau đợt "truy quét" nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao di động (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo thống kê từ nhà mạng, trong số 1,5 triệu SIM mới tung ra thị trường gần đây, tới 80% SIM phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều SIM không chính chủ nhất.

Một số ngành nghề bị chuyển đổi là tất yếu

Trao đổi xung quanh việc quy định mới tác động đến một bộ phận người kinh doanh đại lý SIM, thẻ, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết, việc một số ngành nghề sẽ bị chuyển đổi hoặc biến mất trong tương lai là điều tất yếu của sự phát triển trong xã hội. Trong đó, không loại trừ lĩnh vực kinh doanh SIM ở các đại lý.

Theo ông Điền, ngày nay, cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tự động hóa là nguyên nhân của sự dịch chuyển với rất nhiều ngành nghề. Chuyển đổi số ghi nhận sự xuất hiện của số hóa ở các lĩnh vực, khiến cho các nghề truyền thống như in ấn theo phương cách cũ dần bị thay thế.

Còn chuyển đổi xanh là việc xã hội hướng đến những hoạt động có lợi cho môi trường. Từ đó, những ngành nghề gây ô nhiễm hoặc không còn thích hợp sẽ bị đào thải hoặc phải chuyển sang phương thức hoạt động hiện đại, hiệu quả và văn minh hơn.

Ngoài ra, tự động hóa cũng khiến một số nghề thủ công bị thay thế bởi máy móc, công nghệ.

"Ví dụ như nghề chụp ảnh phim. Trước đây người ta có nhu cầu thuê thợ chụp ảnh rồi trả tiền thêm cho dịch vụ in ảnh. Nhưng giờ đây ai cũng có máy ảnh kỹ thuật số, ai cũng dùng điện thoại có camera chụp hình chất lượng cao, nghề chụp ảnh phim bị lu mờ, buộc người làm nghề phải thay đổi", vị chuyên gia dẫn chứng.

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài - 3
Mỗi cuộc cách mạng công nghệ sẽ có thêm nhiều ngành nghề mới ra đời, đồng thời cũng sẽ có không ít nghề biến mất hoặc bị thay đổi phương thức hoạt động. Đó chính là cốt lõi giữa cái mới và cái cũ.
TS Huỳnh Thanh Điền Chuyên gia kinh tế

Vị tiến sĩ nhấn mạnh, sự thay đổi và dịch chuyển này không làm hại đến con người. Bởi những người làm việc trong ngành nghề bị thay thế cũng đã chủ động chuyển sang nghề khác hoặc học cách thay đổi phương thức làm nghề để thích ứng.

Đó là nguyên lý chung, các hộ kinh doanh cần biết xoay chuyển, tham gia vào thị trường lao động ở phần nào mà xã hội cần, thích hợp với đời sống thực tế.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, sự tác động của công nghệ có thể khiến nhiều nghề truyền thống phải thay đổi để tồn tại, nếu không sẽ bị loại bỏ.

Ông cho rằng: "Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, có những ngành nghề dần biến mất nhưng đồng thời, nhiều công việc mới sẽ ra đời. Những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa... sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất".

Danh sách các ngành nghề có thể biến mất trong tương lai gần do tác động của công nghệ được nhiều tổ chức trên thế giới thống kê, dự báo. Danh sách này có sự sai khác tùy theo đơn vị thống kê, tùy vào quốc gia do trình độ phát triển và ứng dụng công nghệ khác nhau.

Tại Việt Nam, đã có một số ngành nghề truyền thống đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Đó là các nghề như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nông, thư ký, đánh máy, nhập dữ liệu...

Những nghề trên có thể chưa biến mất hoàn toàn nhưng đang trên đà suy giảm và sẽ không còn trong tương lai gần. Đồng thời, sự kết hợp, lồng ghép nhau giữa các nghề cũng sẽ hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp công nghệ số.

Dẹp SIM rác phát sinh từ đại lý vì lợi ích lâu dài - 4

Trước những nỗ lực ngăn chặn SIM rác, các đại lý bán SIM buộc phải ngưng kinh doanh mặt hàng này (Ảnh: Nguyễn Vy).

Với 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dự báo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn nhận định, 2022-2030 sẽ là giai đoạn mà xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ luôn ở mức cao so với các ngành khác.

Ông Tuấn khái quát: "Không có khái niệm cụ thể cho cụm từ "xu hướng nghề nghiệp". Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản rằng xu hướng nghề nghiệp là khả năng mở rộng, phát triển một nghề nghiệp nào đó ở hiện tại và trong tương lai được phần lớn mọi người tin tưởng lựa chọn và theo đuổi".

Theo Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của thị trường lao động và nghề nghiệp là rất quan trọng. Các chỉ số này không chỉ để cơ quan chức năng quản lý thị trường việc làm tốt hơn mà còn là căn cứ để người dân lựa chọn nghề nghiệp.

Những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo nhu cầu nhân lực cho các nghề mới này.