Công nhân nghẹn ngào rời nhà máy, bỏ thưởng Tết vì lý do đặc biệt

Hoa Lê Sơn Nguyễn

(Dân trí) - 11 năm qua, thời gian ở công ty của chị Hòa nhiều hơn ở nhà, đồng nghiệp như người thân trong gia đình. Song nữ công nhân 35 tuổi này vẫn đặt bút viết đơn nghỉ việc...

Trăn trở nhiều tháng qua

Nhà máy trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) là nơi mưu sinh của chị Nguyễn Thị Hòa (quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từ lúc còn là cô gái đôi mươi đến khi lập gia đình, sinh con…

Hơn một thập kỷ gắn bó với công ty duy nhất về lĩnh vực điện tử, chị coi nơi đây là gia đình thứ hai. Các đồng nghiệp cũng chính là người thân, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn chất chứa trong lòng người xa quê.

Với chị, con đường từ phòng trọ chật hẹp, cũ rích ở thôn Bầu (xã Kim Chung) đến nhà máy quá đỗi quen thuộc. Từng thao tác làm việc hay các ngóc ngách ở xưởng có nhắm mắt chị cũng mường tượng ra.

Từng nghĩ cả đời sẽ gắn bó với một công ty, vậy mà 2 tháng trước đây, chị Hòa đã đặt bút viết đơn xin nghỉ việc.

Công nhân nghẹn ngào rời nhà máy, bỏ thưởng Tết vì lý do đặc biệt - 1

Chị Nguyễn Thị Hòa (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Làm đủ năm, đủ tháng rồi mình về với hai con ở quê. Tôi coi như đã hết duyên với công ty này", chị Hòa nói nhưng không giấu được nỗi niềm trào lên khóe mắt.

Để chốt lá đơn đó, nhiều tháng qua chị không thôi trăn trở, suy nghĩ để lựa chọn. Có những đêm chị thao thức không thể chợp mắt, lo rời bỏ công ty, liệu về quê có kiếm được việc như ý muốn, có tìm được môi trường làm việc tốt giống ở công ty cũ...

Ngay cả khi chỉ còn một tháng nữa sẽ có thưởng Tết - khoản tiền nhiều công nhân trông chờ nhất trong năm, chị cũng không màng tới. Với công nhân lâu năm như chị, Tết năm trước cũng nhận được tiền thưởng 8,5 triệu đồng.

Công nhân nghẹn ngào rời nhà máy, bỏ thưởng Tết vì lý do đặc biệt - 2

Chị Hòa dọn dẹp đồ đạc, trả phòng về quê (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Số tiền này với những người lao động "ráo mồ hôi là hết tiền" quả là to lớn, nhưng cũng không thể bằng khao khát muốn về ở gần hai con, để được chứng kiến bọn trẻ lớn khôn, được trực tiếp nuôi dạy con học hành.

Chị Hòa kể: "Hôm cuối cùng làm việc, tôi cũng mua ít bánh kẹo, rủ các chị em thân thiết ra căng tin ăn uống, trò chuyện. Dù gắn bó lâu năm, bịn rịn lắm nhưng ai cũng mừng cho tôi khi quyết định về với các con".

Sau khi về quê, chị dự định sẽ kiếm việc ở Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nơi cách nhà chỉ 25km. Chồng chị đang làm việc ở chi nhánh Hà Nội cũng sẽ xin chuyển về chi nhánh Vĩnh Phúc.

Ngày 30/12, chị xuống Hà Nội dọn dẹp đồ đạc trong căn phòng trọ rộng chừng 10m2, nơi đã gắn bó 10 năm. Căn phòng nhỏ mà đồ đạc của đôi vợ chồng lỉnh kỉnh không thiếu thứ gì. 

Chị nhớ những ngày "chân ướt, chân ráo" xuống Hà Nội tìm phòng trọ chỉ với vài bộ quần áo. Ở lâu năm, dần dần đồ đạc mua sắm cũng chật kín cả căn phòng.

Gần con ngày nào hay ngày đó!

Chị Hòa tiếc môi trường làm việc vì suốt 10 năm doanh nghiệp luôn có chế độ tốt cho công nhân, lao động. Nhiều nhà máy trong khu công nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, chị vẫn được đi làm đều đặn.

Do có con nhỏ, nên mấy năm nay, chị chỉ làm hành chính với mức lương 6,8 triệu đồng/tháng. Những năm làm công nhân chắt bóp chi tiêu, tích lũy được bao nhiêu tiền vợ chồng chị đã đổ dồn vào việc đi chạy chữa hiếm muộn.

"May thay, sau 4 năm nỗ lực, chúng tôi cũng có một cặp song sinh. Chúng tôi may mắn vẫn có duyên với con, chứ nhiều gia đình khác cũng bỏ thời gian, tiền bạc đến 10 năm chưa có", chị Hòa chia sẻ.

Sau thai kỳ khỏe mạnh, hai bé chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình vào năm 2019. Nghỉ thai sản 7 tháng, chị phải trở lại nhà máy.

Bấy giờ, mỗi ngày, nữ công nhân buộc phải di chuyển bằng xe ô tô đưa đón của công ty từ Vĩnh Phúc đến Hà Nội hơn 50km, trong đó, có đến 17km phải di chuyển bằng xe máy đến điểm đón.

Công nhân nghẹn ngào rời nhà máy, bỏ thưởng Tết vì lý do đặc biệt - 3

Chị Hòa chọn về quê làm việc để ở gần hai con (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Hành trình đó quả thật gian nan, song người mẹ vẫn vượt qua tất cả để mỗi tối được ôm ấp hai con. Ngày nào cũng 5h30 tất tưởi rời khỏi nhà, 16h lại mướt mải lên xe về Vĩnh Phúc.

Vất vả như vậy, chị chưa từng nghĩ chuyện nghỉ việc, bởi gia đình còn nhiều khó khăn, biết bao khoản chi tiêu đè nặng lên vai đôi vợ chồng công nhân.

Khi dịch Covid-19 ập đến, nhà máy vận hành chế độ làm việc đặc thù. Lúc đó hai con mới hơn 1 tuổi, chị Hòa buộc phải cai sữa, gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Bầu ngực mẹ căng đầy mà phải cai sữa cho con, lòng người mẹ xót xa nhưng không còn cách nào khác. Đến giờ hai con đã hơn 3 tuổi, kinh tế ổn định hơn, vợ chồng chị quyết tâm "về gần con ngày nào hay ngày đó".

Được nhìn các con lớn khôn mỗi ngày, đồng hành với những chặng đường tiếp theo của cặp song sinh là khao khát lớn nhất của vợ chồng chị bây giờ. Gác lại một công việc gắn bó đủ lâu để nhớ nhung, chị Hòa mong hành trình mới năm 2024 sẽ suôn sẻ, tìm được công việc ổn định, cùng chồng nuôi dạy các con.