Chính sách lương, thưởng vẫn đang bị lợi dụng

Báo cáo kiểm toán năm 2013 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra một lần nữa khiến nhiều người "chạnh lòng" vì thu nhập của lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty cao bất hợp lý, không tương xứng với kết quả sản xuất kinh doanh.

Ngành điện luôn kêu làm ăn thua lỗ, nhưng lương của lãnh đạo thì không thấp. Ảnh: Phạm Hùng

Ngành điện luôn kêu làm ăn thua lỗ, nhưng lương của lãnh đạo thì không thấp. Ảnh: Phạm Hùng

Cho dù phần lớn số tiền này được KTNN yêu cầu thu hồi lại, nhưng điều này bộc lộ việc quản lý tiền lương, tài chính tại khu vực DN này "có vấn đề".
Lương khủng do buông lỏng quản lý
Theo công bố của KTNN, lương lãnh đạo một số DNNN không đúng quy định tại Thông tư 27/2010 của Bộ LĐTB&XH. Điển hình, tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, lương bình quân của cán bộ quản lý là 111 triệu đồng/người/tháng, trong đó, Chủ tịch HĐTV là 217 triệu đồng/tháng, Giám đốc lên tới 262 triệu đồng/tháng.
Nếu tính một năm, riêng chi phí lương cho các vị này đã lên tới con số khó tưởng, từ 2,6 - 3,15 tỷ đồng/người...
Trao đổi về tình trạng lương lãnh đạo "khủng" tại các tập đoàn, tổng công ty, ông Nguyễn Hồng Long - Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 (KTNN) cho biết, đối với các công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước,đơn giá tiền lương có sự đồng thuận của Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản của DN. Còn đối với các công ty cổ phần, đơn giá tiền lương do HĐTV quyết định.
Ông nhấn mạnh việc trả lương, thưởng này cần phải diễn ra công khai, minh bạch và gắn với tình hình chung hiện tại.
Năm ngoái, mức lương 58 triệu đồng/tháng của Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được công bố đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, nghi ngại. Trước đó, lương thưởng của lãnh đạo Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (trong khi EVN đang thua lỗ lớn, liên tiếp yêu cầu tăng giá bán điện) cũng khiến người lao động phải xuýt xoa.
Theo quy định, hàng năm, các DN công ích phải xây dựng phương án, định mức lương trình các cơ quan liên quan. Lãnh đạo DN công ích này còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế nhưng dù có nhiều cơ quan thẩm định, kiểm soát, tình trạng lương "khủng" vẫn diễn ra trong thời gian dài. TS Lê Đăng Doanh nhận định, có thực tế trên là do giám sát chưa chặt chẽ.
Mức lương của ban giám đốc DN công ích mà vượt 40 - 50 lần so với mức lương người lao động là quá phản cảm. Ở đây có thể nhìn thấy sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan quản lý.
Muốn quản lý chặt cũng khó?
Theo Nghị định 51/2013/NĐ - CP của Chính phủ, lãnh đạo DN Nhà nước được nhận lương tối đa 36 triệu đồng/tháng (tương đương 432 triệu đồng/năm). Trong trường hợp DN làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa (thêm 18 triệu đồng/tháng, không quá mức 54 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, đại diện Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTB & XH) thừa nhận, thời gian qua, vấn đề bức xúc nhất là có sự nhập nhèm, làm sai quy định.
Đáng lẽ, quỹ lương cho các vị trí quản lý và quỹ lương cho người lao động phải tách riêng thì một số DN đã gộp chung lại, sau đó mới phân phối. Và trong cơ chế lãnh đạo này, các DN đã lấy quỹ lương của người lao động trả cho người quản lý. Do đó, báo cáo với Bộ LĐ - TB & XH, mức lương trên sổ sách của các sếp này vẫn "chuẩn" như quy định, trung bình cũng chỉ trên dưới 50 triệu đồng/tháng.
Cũng không ít người cho rằng, nếu thu nhập không chuyển được vào quỹ lương tháng thì họ tìm cách chuyển sang quỹ khác để chia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, đó cũng là câu chuyện… "tế nhị". Đúng lý ra, các DN được Nhà nước giao cơ chế tự chịu trách nhiệm, song lỗ - lãi ra sao thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vì Nhà nước nắm vốn điều phối. Mô hình quản lý DNNN như hiện nay là không ổn, gây nhiều bức xúc.
Đặc biệt, trong cơ chế quản lý vốn Nhà nước phải có đầu mối chịu trách nhiệm, vì đây là ngân sách, tiền thuế của Nhân dân. Do đó, phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm người chi sai lương cũng như tự nhận hình thức kỷ luật và biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo Nguyên Anh/Báo Kinh tế Đô thị

Cải cách tiền lương là một trong những mấu chốt của cải cách kinh tế. Việt Nam cần có chính sách giảm chi lương cho cán bộ khu vực công. Ở Việt Nam, hiện mức chi là 9,25% GDP cho lương ở khu vực công, cao hơn rất nhiều so với mức 7% GDP của các nước đang phát triển.
Ông John Nelmes - Trưởng đoàn tham khảo điều 4 của Điều lệ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)