VPBank năm thứ 2 liên tiếp chia cổ tức 10% tiền mặt, đặt mục tiêu lãi 23.165 tỷ đồng

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Sau một năm chuẩn bị nền tảng vốn và tinh chỉnh trong các hoạt động kinh doanh, vận hành, VPBank khẳng định đã có tự tin bứt phá trong năm 2024. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục hiện thực hóa cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông.

Tăng trưởng ở tất cả các phân khúc

Trong dự thảo tờ trình Đại hội đồng cổ đông của VPBank vừa mới được gửi tới các cổ đông để xin ý kiến, ngân hàng này đưa mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.

Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.

VPBank năm thứ 2 liên tiếp chia cổ tức 10% tiền mặt, đặt mục tiêu lãi 23.165 tỷ đồng - 1
VPBank đặt mục tiêu lãi 23.165 tỷ đồng trong năm 2024.

Để đạt được kế hoạch trên, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước.

VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý II hoặc quý III/2024, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.

Động lực để VPBank tăng trưởng bứt phá

Trong dự thảo tờ trình gửi các cổ đông, VPBank giải thích: "Các chỉ tiêu kế hoạch trên đây dựa trên các giả định/phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và năng lực thực tế của ngân hàng".

Theo lãnh đạo VPBank, ngân hàng hiểu rõ những lợi thế đang có để đạt ra các mục tiêu kinh doanh có phần tham vọng. Ngân hàng này hiện sở hữu nền tảng vốn lớn, đối tác chiến lược là một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản SMBC, biên lãi ròng (NIM) cải thiện, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước và sự phục hồi dần rõ nét của cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài.

VPBank năm thứ 2 liên tiếp chia cổ tức 10% tiền mặt, đặt mục tiêu lãi 23.165 tỷ đồng - 2

Nền tảng vốn lớn, đối tác hàng đầu thế giới và sự phục hồi của công ty tài chính mang tới ưu thế cho VPBank.

Trước đó, báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2023 của VPBank đạt 2.708 tỷ đồng, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm 2022, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý cuối cùng của năm 2023. Chi phí vốn (COF) giảm từ 6,4% xuống 5,6%, đã hỗ trợ cải thiện NIM của ngân hàng lên 6,2% từ mức 5,6% của 2 quý liền trước và được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống.

Công ty chứng khoán MBS mới đây đã đưa ra dự báo mảng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng của VPBank sẽ tăng trưởng trở lại từ nửa sau của năm 2024, giúp lợi suất tài sản của ngân hàng gia tăng.

"Chúng tôi dự báo NIM cả năm 2024 của VPBank sẽ đạt 6,4%, tăng 87 điểm cơ bản so với năm 2023 với kỳ vọng lợi suất của tài sản sẽ đi ngang và chi phí vốn sẽ giảm 110 điểm cơ bản so với cùng kỳ", báo cáo tháng 3 của MBS viết.

Trong khi đó, sự kiện bán vốn của ngân hàng cho SMBC trong năm vừa qua đã mang tới cho VPBank nhiều hơn một nền tảng vốn chủ sở hữu gần 140.000 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023). Quy mô vốn chủ sở hữu đứng thứ 2 hệ thống đã góp phần củng cố tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng lên 17% - cao nhất trong hệ thống.

Mối quan hệ chiến lược với SMBC, theo nhận định của Vietcap, mang lại các cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay chi phí hợp lý từ hệ sinh thái SMBC toàn cầu, đồng thời đem tới nguồn khách hàng FDI phong phú của chính tập đoàn cho VPBank trong những năm tới đây.

Trong năm 2023, VPBank đã đưa vào hoạt động mảng kinh doanh FDI nhằm tận dụng làn sóng đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Thành tựu nổi bật của phân khúc mới chính là việc thu hút được hơn 250 khách hàng doanh nghiệp FDI chỉ sau 1 năm thành lập với bộ sản phẩm Tài trợ chuỗi cung ứng dẫn vốn tới nhà cung cấp và nhà phân phối của các doanh nghiệp FDI.

Hoạt động tái cơ cấu tại cánh tay tài chính tiêu dùng trong năm 2023 đã bước đầu cho quả ngọt khi thu nhập hoạt động trong quý IV/2023 của FE CREDIT tăng nhẹ 0,6% so với quý III, cải thiện đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% của quý liền trước. Chi phí hoạt động trong quý IV năm ngoái cũng ghi nhận giảm 10,2% so với quý trước đó và giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong buổi trao đổi cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 với nhà đầu tư hồi đầu tháng 2, lãnh đạo VPBank đã đưa ra các thông điệp khá rõ ràng về lộ trình phát triển của FE CREDIT, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, tăng cường quản trị, đẩy mạnh tự động hóa…