DNews

Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm?

Nhật Quang

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng lãi suất giảm kỷ lục phản ánh các ngân hàng vẫn đang "thừa tiền", khó cho vay. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa có nhiều đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn.

Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm?

Mới đây, lần đầu tiên cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng về dưới 3%/năm. 

Ngân hàng "thừa tiền" - doanh nghiệp không mặn mà vay vốn

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ThS. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT - cho biết, lãi suất huy động giảm sâu phản ánh tình trạng câu chuyện tăng trưởng tín dụng đang trong vùng thấp. "Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn. Các doanh nghiệp vay để làm gì khi nhu cầu tiêu dùng trong nước xuống thấp, sản xuất nhưng không có nhiều đơn hàng đầu ra?", ông Huấn nêu. 

Cũng theo ông, trước nhiều diễn biến phức tạp từ thị trường trong hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt đầu "thấm đòn" từ quý II năm nay. Khách hàng của công ty ông gồm nhiều đơn vị là chủ doanh nghiệp bao bì, hóa chất, dịch vụ, xuất khẩu… ghi nhận doanh số giảm trên 70%.

Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm? - 1

Chuyên gia nói ngân hàng vẫn chưa thể cho vay vốn một cách hiệu quả (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Lãi suất giảm sâu còn nằm ở việc thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Dòng vốn của người dân cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang "kẹt" trong bất động sản. Với những tín hiệu của thị trường bất động sản hiện tại, người dân chưa có nhu cầu vay tiền để mua, hay đầu tư. Ông Huấn cho rằng phải đến quý II/2024, thị trường này mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết, lãi suất giảm sâu phản ánh việc các ngân hàng đang dư vốn, khó cho vay. Các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều đơn hàng.

Nguyên nhân khác khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất là tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn. Người dân, doanh nghiệp vẫn đang gửi lượng tiền lớn trong ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng đang chịu chi phí huy động cao, vẫn phải trả lãi tiền gửi trong khi không cho vay được. Điều này buộc các nhà băng phải giảm lãi suất để giảm chi phí đầu vào hạn chế người dân, doanh nghiệp gửi tiền.

Nhìn ở góc độ khác, ông Huân cho rằng tình trạng "thừa tiền" của các ngân hàng sẽ không thể kéo dài, một phần do từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu về vốn sẽ gia tăng nên vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất để hút tiền gửi từ người dân. 

Sẽ ra sao nếu lãi suất tiếp tục giảm?

Theo ông Ngô Thành Huấn, với mức lãi suất thấp như hiện nay thì dù có giảm thêm 0,2-0,5 điểm % thì cũng không phải vấn đề quá lớn. Việc duy trì nền lãi suất quá thấp cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như câu chuyện đầu tư vào nước ngoài. Lãi suất thấp có thể hút dòng tiền về các kênh đầu tư có nhiều rủi ro hơn.

Dưới góc độ là đơn vị quản lý, tư vấn đầu tư, ông cho rằng, nhiều nhà đầu tư đã không còn đủ kiên nhẫn, họ đã quyết định mua bất động sản và sẵn sàng chờ 5 năm, chứ không gửi tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất dưới 6%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặt bằng lãi suất chung, lãi suất các kỳ hạn 1-3 tháng mặc dù về mức dưới 3%/năm nhưng ở các kỳ hạn 12 tháng hoặc dài hơn vẫn ở mức trên 5%/năm, vẫn nằm ở mức thực dương. Lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Nói khác đi, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.

Vị chuyên gia này cho rằng chính sách lãi suất thực dương sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản… Nếu xét về lạm phát thì lãi suất ngân hàng không còn nhiều hấp dẫn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết lãi suất huy động cần giữ ở mức 5%/năm để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương, tạo sức hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng.

Việc giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa sẽ khiến chính sách tiền tệ bị "vô hiệu hóa". Hay nói cách khác, khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách duy nhất là ngưng nói lỏng chính sách tiền tệ.

Nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản và "bong bóng tài chính" lại tiếp tục hình thành, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế.

Tương lai nào cho lãi suất?

Ông Huấn nói dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng tăng trưởng tín dụng mới là vấn đề đáng lưu tâm. "Làm sao để doanh nghiệp vay trở lại, lãi suất cho vay ra sao để đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Huấn nhận định. Mặc dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức rất thấp nhưng lãi suất cho vay lại không giảm quá nhiều như kỳ vọng, ngoại trừ một số khoản vay mới từ những tháng trở lại đây.

Vì sao lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục 2,7%/năm? - 2

Lãi suất sẽ có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ từ nay đến đầu năm 2024 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trong khi đó, với các khoản vay cũ, một số ngân hàng thương mại vẫn đang áp dụng lãi suất 10-12%/năm. Ngay cả với các khoản vay ngắn hạn 6 tháng, các doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 8%/năm, trong khi lãi huy động chỉ 3-5%/năm.

Các ngân hàng vẫn đang lấy lý do huy động lãi cao từ đầu năm nên chưa thể hạ lãi suất. Người dân và doanh nghiệp chưa thể tiếp cận lãi vay rẻ, thì tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng nhanh, ông Huấn nhận định.

Chuyên gia này dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ giờ đến những tháng đầu năm 2024. Đến quý II năm sau, lãi suất có thể sẽ tăng nhẹ trở lại.

Dự báo về lãi suất từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng có thể tiếp tục giảm thêm nếu tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Theo ông, lãi suất sẽ còn kéo dài đà giảm nhẹ sang đến đầu năm 2024. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xuất hiện làn sóng giảm nhằm giảm thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về 2,2%/năm

So với đầu năm, lãi suất gửi tiền các kỳ hạn của các ngân hàng Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã giảm 3-3,5 điểm %.

Lãi suất khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Vietcombank vừa tiếp tục giảm từ 2,4%/năm xuống còn 2,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 2,5%/năm.

Tại Agribank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm về mức 2,7%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,3%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,2%/năm, 12-18 tháng còn 5%/năm.

BIDV niêm yết kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng  còn 3,1%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 5%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất chỉ còn 2,6%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng và 3%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng. Đối với kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất còn 4%/năm, 12-18 tháng còn 5%/năm.