Trò chuyện cùng “Người đàn bà thờ cá”

(Dân trí) - Ở vùng sông nước Cửu Long có một nữ doanh nhân dành hết thời gian phát triển, bảo tồn và làm tăng chuỗi giá trị xuất khẩu cho con cá tra đặc sản. Đó là nữ doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco).

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, PV Dân trí đã có buổi trò chuyện với bà Diệu Hiền xung quanh việc phát triển bền vững cá tra đặc sản.
 
Trò chuyện cùng “Người đàn bà thờ cá” - 1

 

Bà có thể cho biết về ý nghĩa của tên gọi “Người đàn bà thờ cá”?

 

Hơn 5 năm tham gia kinh doanh ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra cũng gặp không ít gian nan! Nhưng với quyết tâm và lối đi riêng của mình, Bianfishco đã trở thành một trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Và công ty xây dựng cơ ngơi như ngày hôm nay cũng nhờ con cá tra mang đến. Hàng tháng tôi thấy vui nhất là được phát lương cho 5.000 công nhân và tôi càng vui hơn khi giúp cho hàng trăm hộ nông dân nuôi cá bị trắng tay sau những vụ mùa thất bát có cơ hội trả nợ và trở thành tỷ phú, …tất cả cũng nhờ con cá tra! Chính vì những điều đó, tôi đã quyết định lập miếu thờ ông cá bà cá để tri ân loài cá này.

 

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Vì vậy tôi quyết định thành lập Viện nghiên cứu thủy sản Bình an. Sự ra đời của Viện chủ yếu là tập trung nghiên cứu về loài cá quý này cũng như nghiên cứu các bệnh về cá, thức ăn, môi trường, … giúp doanh nghiệp, người nông dân an tâm khi cá bị bệnh vì đã có nơi “khám và chữa bệnh” cho cá. Ngoài nhiệm vụ đó thì Viện cũng tập trung nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, từ đó làm tăng giá trị cho con cá tra Việt Nam. Tôi nghĩ đây mới là việc làm ý nghĩa cho con cá tra của Việt Nam.

 

Bà có thể nói rõ hơn về kế hoạch làm tăng giá trị xuất khẩu cho con cá tra?

 

Trong những lần Đại hội có những cổ đông nói vui với tôi: Làm ăn với Diệu Hiền không có lời! Vậy mà họ cứ mua cổ phần và còn giới thiệu bàn bè trong và ngoài nước đến làm ăn với công ty chúng tôi! (cười). Họ làm vậy là bởi vì trong kinh doanh tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, nói được là phải làm được.

 

Chính vì điều đó họ biết rõ trong 5 năm qua doanh số doanh số công ty liên tục tăng từ 100 tỷ đồng năm 2007 (năm đầu mới sản xuất) lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009; năm 2010 doanh thu tăng lên 1.163 tỷ đồng. Kế hoạch 2011 doanh thu đạt 100 triệu USD. Toàn bộ lợi nhuận này các cổ đông quyết định cùng với Hội đồng quản trị đầu tư tiếp vào các hạng mục mới mang tính bền vững, như:  Xây dựng viện nghiên cứu; Đầu tư kho lạnh 10.000 tấn; Nhà máy chế biến phụ phẩm; Xây dựng nhà máy giá trị gia tăng; Nhà máy sản xuất nước uống Collagen. Tất cả các dự án trên đã đi vào hoạt động và đang mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 

Trong chuỗi các mặt hàng giá trị gia tăng này, tôi xin nhấn mạnh đến sản phẩm nước uống Collagen, vì đây là một sản phẩm được phát triển bởi Viện nghiên cứu thủy sản Bình An (Viện có sự góp sức của 20 giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, thủy sản, …) và toàn bộ dây chuyền sản xuất cũng như nguyên liệu làm nên loại nước uống cao cấp này được nhập từ Pháp. Công dụng chính của sản phẩm này là tăng cường sức khỏe và rất tốt cho làn da chị em phụ nữ. Cũng vì ưu điểm này mà thời gian qua công ty không đủ hàng để cung cho các đại lí. Do đó, chúng tôi đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng hệ thống bán lẻ rộng khắp thị trường trong nước và các thị trường tìm năng như: EU và Hoa Kỳ.
 
Trò chuyện cùng “Người đàn bà thờ cá” - 2

 

Có phải đây là “kế sách” để doanh nghiệp tiếp tục “nuôi” được công nhân và “cứu” người nuôi cá khi giá xuất khẩu cá tra phi lê không có lợi cho các doanh nghiệp?

 

Khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, tất cả các nước lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng. Cụ thể ở Việt Nam chúng ta, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trong đó có nhiều doanh nghiệp thủy sản khốn khó. Riêng Bianfishco vẫn an bình trước cơn bão tài chính cũng như những thách thức mới về bài toán xuất khẩu cho con cá tra của Việt Nam như hiện nay.

 

Sở dĩ chúng tôi làm được việc này là vì đã có bước chuẩn bị từ trước, một mặt mở rộng diện tích vùng nuôi từ 50 ha lên 80 ha rồi lên 100 ha vào năm rồi. Ngoài ra chúng tôi còn lựa chọn các hộ nuôi cá biết trọng chữ tín (cam kết nuôi cá đúng kỹ thuật theo sự hướng dẫn của kỹ sư công ty), đảm bảo nguồn cá sạch, công ty sẵn sàng kí hợp động mua cá của nông dân từ 3 – 5 năm với giá cao. Đó cũng là lí do vì sao trong thời gian qua những lúc giá cá rớt thê thảm mà doanh nghiệp vẫn mua cao hơn các doanh nghiệp khác từ 500 – 800 đồng/kg.Trong lúc họ khó khăn mình chia sẻ với họ như vậy thì những lúc thị trường khan hiếm nguyên liệu, họ cũng không bỏ mình.
 
Trò chuyện cùng “Người đàn bà thờ cá” - 3

 

Thành công trong kinh doanh nhưng dường như bà không quên làm từ thiện và rất quan tâm đến công tác khuyến học của địa phương?

 

Theo tôi nghĩ làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm, phải lặng lẽ giúp người và chỉ mình biết việc mình làm thì việc đó mới ý nghĩa. Do đó những việc tôi làm mang ý nghĩa thuần túy là từ thiện thì cho phép tôi không nhắc đến. Còn những việc bấy lâu nay tôi làm mà báo chí đưa tin, như: đấu giá tranh ảnh, xây câu đường, tặng quà Tết cho người nghèo, xây nhà cho công nhân, … thì tôi xem đây là những hoạt động xã hội mà doanh nghiệp cần phải làm. Vì theo tôi nghĩ khi Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp  “ăn nên làm ra” thì ngoài việc doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước thì các doanh nghiệp cũng nên đóng góp cho xã hội, chia sẽ với địa phương mình.

 

Nhân tiện đây tôi cũng xin cám ơn báo Dân trí đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí trong việc xây dựng cầu Dân trí tại Cần Thơ  và trao tập cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa trong dịp đầu năm học mới. Trong thời gian tới, doanh nghiệp chúng tôi rất vui nếu được đồng hành với báo Dân trí thực hiện các hoạt động xã hội ý nghĩa khác.

 

Riêng công tác Khuyến học khuyến tài tôi rất tâm đắc với việc này, tuy nhiên trong 4 năm qua tôi chưa trực tiếp thực hiện mà chỉ hỗ trợ kinh phí cho Hội khuyến học Cần Thơ. Từ năm nay, công ty sẽ có chương trình cấp phát học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo, các tân thủ khoa và các em sinh viên xuất sắc thuộc khoa Thủy sản, Khoa khoa học trường ĐH Cần Thơ. Ngoài ra các em sinh viên thuộc 2 khoa này khi có đề tài hay thì đến Viện nghiên cứu đăng ký, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí để các em thực hiện đề tài. Và đề tài của sinh viên nào có ý nghĩa thiết thực, áp dụng vào quy trình nuôi trồng, sản xuất thì doanh nghiệp sẽ khen thưởng.

 

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, là một nữ doanh nhân thành đạt bà chia sẻ điều gì trong ngày này?

 

Trong dịp này tôi cũng xin chân thành cám ơn Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam đã trao cho tôi giải thưởng bông hồng vàng trong 4 năm liền. Niềm vinh dự này không chỉ của riêng tôi mà còn là niềm vinh dự của tất cả các nữ doanh nhân trong cả nước, bởi chính họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn và cả những định kiến khắt khe của xã hội để phấn đấu vươn lên trở thành một doanh nhân đất Việt cùng với các lực lượng khác của xã hội để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

 

Ngày doanh nhân Việt Nam chúng tôi được tôn vinh nhưng cũng là dịp chúng tôi nhìn lại mình. Các doanh nhân, mỗi người đều có những con đường khác nhau để đi đến thành công nhưng đối với tôi một doanh nhân muốn thành công thì trước hết phải nghĩ đến cho nhiều hơn là nhận.

 

Xin cám ơn bà!

 

 Qua 5 năm kinh doanh, với những đóng góp tích cực doanh nhân Diệu Hiền được Đảng và nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và 8 chữ vang: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang; Giải thưởng “Bông hồng vàng” 2008,2009,2010.  Và sản phẩm của Bianfishco vinh dự được Hội đồng thương hiệu Quốc gia trao giải thưởng “Thương hiệu Quốc gia - 2010”.

 

Hải Hành