DMagazine

Quảng cáo "bẩn" trên mạng xã hội: Trung Quốc, Nhật Bản xử lý ra sao?

(Dân trí) - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều quảng cáo độc hại. Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đã thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn?

Vấn nạn quảng cáo "bẩn": Các nước mạnh tay xử lý

Chi phí cho quảng cáo trực tuyến ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh người dùng chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số, mua sắm đa kênh.

Với lợi thế từ lượt người xem, kích chuột, tương tác... quảng cáo online khiến nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, việc những con số chỉ nhằm đạt yêu cầu được giao theo đúng thỏa thuận hợp đồng... đã khiến nhiều doanh nghiệp hay các công ty trung gian quảng cáo trên mọi kênh bất chấp nội dung xấu độc hay vi phạm pháp luật.

Thực tế đã xuất hiện tình trạng quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam trên mạng xã hội bị gắn với nội dung phản cảm, sai sự thật, vi phạm… Gần đây, 2 công ty truyền thông bị phạt vì gắn quảng cáo của nhiều nhãn hàng vào các trang mạng xã hội vi phạm. Điều này không những không tạo ra hiệu quả mà còn làm xấu đi hình ảnh thương hiệu nhãn hàng. 

Nhận thức được vai trò và ảnh hưởng to lớn của quảng cáo, nhiều nước đã có những đạo luật, quy định cụ thể để quản lý thông tin trên các nền tảng này.

Trung Quốc siết chặt quy định

Cơ quan quản lý thị trường quảng cáo của Trung Quốc đã đề xuất các quy định mới để tăng cường giám sát đối với quảng cáo trực tuyến nhằm tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh hơn cho người dùng.

Các nội dung và quảng cáo trên không gian mạng của nước này phải tuân thủ các bộ luật, quy định và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước như Cục Quản lý phát thanh và truyền hình, Cục Quản lý không gian mạng. 

Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các quy định, biện pháp làm sạch các nội dung quảng cáo nhằm bảo vệ người dùng, đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên. Các doanh nghiệp khi quảng các trên không gian mạng sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt nhằm tạo ra môi trường mạng văn minh và quảng bá được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc. Chính phủ nước này đã siết chặt kiểm soát và kiểm duyệt những nội dung phản cảm như khiêu dâm, cờ bạc, tin giả.

Quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Trung Quốc, Nhật Bản xử lý ra sao? - 1

Douyin, phiên bản TikTok tại Trung Quốc (Ảnh: China Social Media).

Năm 2021, Tiktok bị phạt hàng chục nghìn nhân dân tệ ngay tại quê nhà vì quảng cáo những nội dung khiêu dâm và thô tục. Mạng xã hội nước này hiện đang xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo có nội dung độc hại, hướng dẫn người dùng vào các nền tảng khác để thực hiện các hành vi phạm pháp thông qua số liên lạc WeChat.

Theo Chính phủ nước này, việc quảng cáo các nội dung độc hại trên mạng sẽ có tác động rất lớn do sở hữu một lượng người dùng "khủng". Chính vì vậy, trong năm 2022, Trung Quốc liên tục đưa ra các luật và quy định quản lý doanh nghiệp công nghệ cứng rắn hơn. Hàng trăm ứng dụng bị Trung Quốc "cấm cửa" vì có những nội dung quảng cáo khó chịu, khiêu dâm, bạo lực và bất hợp pháp. Chỉ riêng trong quý III/2022, gần 9.000 website phi pháp bị đóng cửa và các nền tảng lớn như Weibo, Douban, Sohu cũng bị phạt vì không hoàn thành nghĩa vụ quản lý thông tin và quảng cáo.

Nhật Bản tăng cường quản lý các "ông lớn"

Tại Nhật Bản, quảng cáo trực tuyến cũng được quản lý rất chặt để đảm bảo công bằng và minh bạch cho thị trường khổng lồ này. Nước này đã áp dụng luật mới để quản lý Google, YouTube, Facebook hay Yahoo - những "ông lớn" đang đóng vai trò chi phối và gần như độc quyền trên thị trường. 

Tiếp sau lĩnh vực bán hàng online, xứ sở hoa anh đào tiếp tục áp đặt các tiêu chí mới để quản lý chặt chẽ hơn đối với quảng cáo trực tuyến. Nước này đã yêu cầu các công ty báo cáo về điều kiện của dịch vụ quảng cáo mà họ cung cấp cho khách hàng.

Quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Trung Quốc, Nhật Bản xử lý ra sao? - 2

Nhật Bản quản lý chặt chẽ các ông lớn trong ngành quảng cáo (Ảnh: Shutterstock).

Những nội dung mà các doanh nghiệp phải báo cáo bao gồm những tiêu chí quyết định thứ tự hiển thị quảng cáo trên các trang web, cách doanh nghiệp thu thập dữ liệu của người xem, những điều kiện hợp đồng với đơn vị quảng cáo. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp tại nước này cũng phải có bộ phận tiếp nhận các khiếu nại, thắc mắc của người dùng đối với dịch vụ quảng cáo mà họ cung cấp.

Theo Ủy ban Thương mại Nhật Bản, Google, Meta hay Yahoo đang chi phối lĩnh vực quảng cáo trên không gian mạng, trong đó chỉ riêng Google đã chiếm gần 80% thị phần lĩnh vực này. Do đó, Chính phủ Nhật Bản cho rằng sự độc quyền của các tập đoàn công nghệ ngày càng lớn nên họ sẽ phải tăng cường các quy định để kiểm soát quảng cáo và các thu nhập bất hợp pháp đến từ quảng cáo.

Singapore: Đề xuất phạt doanh nghiệp 10% lợi nhuận nếu vi phạm

Mới đây, Quốc hội Singapore cũng vừa thông qua Đạo luật tăng cường an toàn trực tuyến nhằm quản lý và ngăn chặn tác động tiêu cực từ không gian mạng đối với người dân. Theo đạo luật mới này, cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ ngay lập tức những nội dung và quảng cáo xấu độc.

Ông Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, cho rằng đạo luật mới này có thể xử lý được những vấn đề còn tồn tại ở những đạo luật trước. Ông khẳng định rằng nó sẽ có khả năng đối phó với những nội dung và quảng cáo độc hại mà người dùng Singapore có thể truy cập.

Quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Trung Quốc, Nhật Bản xử lý ra sao? - 3

Các công ty truyền thông sẽ phải chịu mức phạt lên tới 715.000 USD (khoảng 16,8 tỷ đồng) nếu không tuân thủ (Ảnh: CNBC).

Luật mới này cũng trao quyền cho Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm có thể yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hay YouTube... gỡ bỏ những nội dung và quảng cáo xấu độc như khủng bố, bạo lực, xâm hại…

Các công ty truyền thông sẽ phải chịu mức phạt lên tới 715.000 USD (khoảng 16,8 tỷ đồng) nếu không tuân thủ. Ngoài tiền phạt, Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm có thể yêu cầu các nhà cung cấp chặn quyền truy cập của những người dùng vi phạm. Đạo luật này cũng xác định rõ đâu là những nội dung vi phạm và có nhiều biện pháp mạnh hơn để bảo vệ những người dùng. 

Đạo luật mới này đặc biệt quan tâm tới thanh thiếu niên và trẻ em dưới 18 tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương bởi các tác động từ thông tin độc hại trên mạng xã hội. Chính phủ nước này đã cung cấp các biện pháp và công cụ để các bậc cha mẹ quản lý và báo cáo nội dung có hại và các quảng cáo không phù hợp.

Trước đó, các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Instagram, YouTube… cũng từng là đối tượng chính của nhiều quy định tại Singapore nhằm chống vấn nạn tin độc hại, sai sự thật. Năm 2019, Facebook đã phải đưa ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn với các quảng cáo chính trị nhằm ngăn chặn tin giả trước thềm tổng tuyển cử Singapore năm 2020. Mọi quảng cáo liên quan tới bầu cử và chính trị ở Singapore đăng tải trên Facebook hoặc Instagram đều sẽ phải xác minh danh tính, địa điểm và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Đạo luật trước khi được thông qua đã thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp. Ông Desmond Choo, nghị sĩ quốc hội cho rằng đạo luật không nên chỉ dừng ở mức phạt trên đối với các công ty truyền thông mà ông còn đề xuất có thể nâng mức phạt lên đến 10% lợi nhuận doanh nghiệp. Ông cũng cho rằng ngoài mức tiền phạt, các công ty truyền thông không tuân thủ còn phải chịu tổn hại khác và giảm uy tín của nhãn hàng đối với người dùng.

Dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ nước này sẽ còn tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống luật pháp quản trị không gian mạng để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh của các mạng xã hội.

Người dùng tin tưởng quảng cáo ở đâu?

Theo khảo sát của YouGov, công ty phân tích và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, phần lớn người dân tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tin rằng quảng cáo xấu độc là một vấn đề nghiêm trọng. 75% số người được hỏi cho rằng tivi được cho là nguồn tin tức đáng tin cậy nhất và 68% người dùng tin vào các kênh báo chí chính thống. Trong khi đó, mạng xã hội là nguồn tin ít được tin cậy nhất với vỏn vẹn 60%.

Đáng chú ý, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng họ sẽ có cái nhìn tiêu cực hơn về một nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên những trang có nội dung thông tin xấu độc. Không chỉ vậy, 54% số người được hỏi cho rằng họ sẽ không mua hàng từ những thương hiệu quảng cáo trên các nền tảng không chính thống.

Quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Trung Quốc, Nhật Bản xử lý ra sao? - 4

Khảo sát của YouGov (Ảnh: YouGov)

Qua đó ta cũng có thể thấy việc chọn nền tảng và nội dung quảng cáo có thể ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng như thế nào. Nếu người tiêu dùng phát hiện ra rằng một thương hiệu đã quảng cáo nội dung giả mạo hoặc xấu độc, 54% họ sẽ không mua hàng từ thương hiệu này nữa và sẽ chọn một thương hiệu khác trong tương lai. Hơn thế nữa, 29% người dùng cho biết họ sẽ chia sẻ lại thông tin này trên mạng xã hội và 26% sẽ ngay lập tức xóa ứng dụng của thương hiệu ra khỏi điện thoại.

Đáng chú ý, truyền hình và báo chí là hai trong số ba nền tảng hàng đầu mà người tiêu dùng coi là rất quan trọng trong việc cung cấp những thông tin chính thống và 57% người dùng sẵn sàng sẽ chi trả để có thể tiếp cận được các nguồn tin này.

Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)