Phát động cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tiết kiệm điện, sáng 9/4, Tổng công ty điện lực TPHCM đã phối hợp với báo Thanh niên phát động cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể".

Phát động cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể - 1

Lễ phát động cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể", sáng 9/4 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại buổi lễ, ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho hay đây là lần thứ 2 công ty tổ chức cuộc thi viết về chủ đề tiết kiệm điện.

Trước đó, năm 2023, cuộc thi tổ chức vào cao điểm nắng nóng đã lan tỏa được thói quen tiết kiệm điện trên khắp cả nước nói chung, TPHCM nói riêng.

Phát động cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể - 2

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Theo dự báo, trong tháng 4, nửa đầu tháng 5, sản lượng điện ghi nhận rất cao. Từ đầu năm tính đến ngày 5/4, chúng tôi ghi nhận sản lượng điện là 9,7 triệu kWh. Vì thế, năm 2024, chúng tôi quyết định tổ chức lần thứ 2 để tiếp tục góp phần thay đổi nhận thức, hành vi người dân trong việc tiết kiệm điện", ông Bảo nói.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, trong 3 tháng đầu năm 2024, thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tăng cao.

"Cuộc thi sẽ góp phần tìm kiếm các câu chuyện hay, sáng kiến mới cùng phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, nhìn nhận lại các giải pháp tiết kiệm điện có gì chuyển biến đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp… để mọi người cùng tham khảo, học hỏi và lan tỏa thêm tinh thần tiết kiệm điện cho xã hội", ông Võ Quang Lâm nói.

Phát động cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể - 3

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo ban tổ chức, cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên đến 100 triệu đồng, cùng phần quà kèm theo, gồm các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích, truyền cảm hứng. Cuộc thi diễn ra từ ngày 9/4 đến 10/7.

Đối tượng tham gia là tất cả công dân Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đang là khách hàng của ngành điện lực.

Số lượng bài viết không giới hạn. Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt không quá 800 chữ, đính kèm hình ảnh liên quan đến nội dung mà bài viết đề cập, hoặc hình ảnh minh họa của chính tác giả.

Tác phẩm dự thi (bao gồm bài viết và hình ảnh minh họa) phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các website, blog, các trang mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi,...

Các tác phẩm trong cuộc thi thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, là một hoạt động nhằm tạo ra ý thức và thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng của người tham gia, từ đó giúp giảm thiểu sử dụng điện năng và bảo vệ môi trường.

Phát động cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen - những chuyện hay tôi kể - 4

Ông Bùi Trung Kiên, Phó giám đốc EVNHCMC, trò chuyện cùng khách hàng tiêu biểu và 2 đại sứ chương trình, Hoa hậu Môi trường thế giới 2023 (Miss Eco International) Nguyễn Thanh Hà và ca sĩ Huỳnh Thật (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cuộc thi cũng khuyến khích người tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp. Qua đó, cuộc thi có thể tạo ra môi trường hỗ trợ và tạo động lực cho nhau để duy trì thói quen tiết kiệm điện.

Các tác phẩm còn góp phần hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, điều chỉnh nhiệt độ hợp lý và sử dụng môi trường tự nhiên... để có thể giảm tiêu thụ điện một cách đáng kể, không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mà còn mang lại lợi ích bền vững cho môi trường và giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng.