DBiz

Ông Lê Viết Hải: Không quan tâm ai đứng về phe mình, mình phải kiểm soát ai

Khổng Chiêm
Ông Lê Viết Hải: Không quan tâm ai đứng về phe mình, mình phải kiểm soát ai

 Chiều nay (27/6), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, khẳng định đã đem hết nỗ lực và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp công ty vượt qua mọi khó khăn trong mấy năm qua. "Những quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù lắm khi phải hy sinh quyền lợi riêng mình", ông Hải nói.

Cổ đông đặt câu hỏi đề nghị ông Hải nêu rõ sự hy sinh này. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nêu một số ví dụ như ông có miếng đất hơn 7.000m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 đã cho các công ty con mượn làm nhà kho, văn phòng từ năm 1993 đến nay. Đó là tài sản cá nhân, chưa đưa vào góp vốn cho công ty và suốt 30 năm, công ty không phải trả chi phí cho ông Hải.

Năm 2019, ông Hải có tạm ứng của công ty một khoản tiền khoảng 120 tỷ đồng. Năm 2020, ông có thông báo cho HĐQT về việc bán lại miếng đất này cho công ty để cấn trừ nợ cá nhân với số tiền 120 tỷ đồng.

Theo ông Hải, giao dịch đất nền ở khu vực này cũng 60 triệu đồng/m2, tính ra giá trị khu đất khoảng 400 tỷ đồng. Chưa kể, suốt 30 năm qua, nếu tính tiền cho thuê và chi phí cơ hội khác thì giá trị thu về từ miếng đất phải gấp nhiều lần so với 120 tỷ đồng.

Ví dụ khác là đầu năm 2022, cổ phiếu HBC đạt đỉnh 22.000 đồng/cổ phiếu. Tập đoàn Hòa Bình đã thỏa thuận được với đối tác Nhật Bản để giao dịch giá 32.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó theo quy định, Hòa Bình có 4 ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia. Phía đối tác đề nghị thay vì phát hành cổ phiếu mới thì lấy cổ phiếu của chủ tịch HĐQT để giao dịch nhưng ông Hải đã từ chối lời đề nghị đó, mặc dù giá cổ phiếu HBC trên sàn lúc đó chỉ còn 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch Hòa Bình còn kể thêm phía đối tác đề nghị để đảm bảo giao dịch này phải có 5 triệu cổ phiếu của ông Hải phong tỏa tại Công ty Chứng khoán SSI. Ông phải tạm ứng 100 tỷ đồng để đạt 5 triệu cổ phiếu đó.

Ví dụ cuối cùng được ông Hải đưa ra là cổ phiếu của ông đã thế chấp ở ngân hàng để tập đoàn phát hành trái phiếu, giải quyết vấn đề dòng tiền của công ty lúc khó khăn, khi dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán.

Ông Nguyễn Tường Bảo, Thành viên HĐQT độc lập, nói bất ngờ khi được biết ông Lê Viết Hải đã hy sinh quyền lợi cá nhân cho sự phát triển của tập đoàn.

"Không quan tâm ai đứng về phe mình"

Nói trước cổ đông, ông Lê Viết Hải nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nhiệm vụ đưa công ty phát triển như kỳ vọng. Ông cũng nhận trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc đáng tiếc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông.

Ông Hải có nhắc đến một số sự việc đáng tiếc đã làm ảnh hưởng uy tín của ban lãnh đạo và thương hiệu Tập đoàn Hòa Bình vốn lâu nay được xem là công ty điển hình về văn hóa doanh nghiệp giàu tính nhân văn, đặc trưng và đậm chất hòa bình. Vụ việc này là cuộc chiến thượng tầng giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải trong chiếc ghế Chủ tịch HĐQT hồi cuối năm 2022, đầu 2023.

Nói với cổ đông, ông Hải khẳng định không quan tâm ai đứng về phe mình, không quan tâm phải kiểm soát bao nhiêu người. Mọi quyết định của HĐQT vì lợi ích công ty, vì cổ đông, không phải vì lợi ích cá nhân hay riêng mình. "Nên khi có xung đột đã có hiện tượng kéo bè kéo cánh, đây là kinh nghiệm trong kiểm soát rủi ro nên thay đổi công ty cần thay đổi Điều lệ để phù hợp với thực tế", vị chủ tịch cho biết.

Ông Lê Viết Hiếu, Phó tổng giám đốc, gọi những xung đột vừa qua như "vợ chồng trong nhà đôi khi cũng cãi nhau, xung đột đó trong tổ chức nào cũng gặp phải, quan trọng là những người có mặt còn lại ở đây mong muốn và quyết tâm đưa Hòa Bình phát triển như thế nào trong tương lai. Đó là quan điểm ban điều hành muốn gửi tới cổ đông".

Sau cuộc chiến thượng tầng này, HĐQT có sự thay đổi về nhân sự. Nhóm đối lập với ông Lê Viết Hải là 4 thành viên gồm ông Nguyễn Công Phú, Albert Antoine, David Martin Ruiz và Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng đều đã có đơn từ nhiệm. Cuộc họp đã bầu ra các thành viên HĐQT thay thế là ông Lê Văn Nam (Tổng giám đốc), bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa. Trong đó, bà Hòa là Thành viên HĐQT độc lập.

Ông Lê Viết Hải: Không quan tâm ai đứng về phe mình, mình phải kiểm soát ai - 1

HĐQT mới của Xây dựng Hòa Bình (Ảnh: HBC).

Bất ngờ với sự xuất hiện của Chủ tịch Coteccons trong phiên họp cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải cho biết 2 năm vừa qua (2022-2023) là thời kỳ khó khăn nhất trong suốt hơn 35 năm hình thành và phát triển của tập đoàn. Ngành xây dựng gặp nhiều biến cố gây bất lợi lớn cho các nhà thầu, thị trường cạnh tranh khốc liệt, có doanh nghiệp chấp nhận bỏ giá thấp hơn giá vốn để công ty có công việc làm.

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc, phân tích tình hình năm nay sẽ có nhiều khó khăn, như thanh khoản các dự án bất động sản giảm sút; chủ đầu tư thiếu hụt nguồn tín dụng để triển khai dự án; chi phí xây dựng tăng do giá nhân công, nguyên vật liệu tăng cao; các dự án mới bị chậm triển khai hoặc tạm dừng. 

Tập đoàn định hướng sẽ tăng nguồn thu từ hạ tầng - tăng vốn đầu tư cho Công ty Hòa Bình 479 để thúc đẩy phát triển thi công các dự án hạ tầng; tăng cường kết nối với nguồn vốn nước ngoài để cùng triển khai dự án; tối ưu hóa biến phí….  

Trong đó, ông Nam đề cập tới việc Hòa Bình sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án hạ tầng, đầu tư công. Vừa qua, công ty con là Công ty Hòa Bình 579 đã trúng thầu nhiều dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Thanh Hóa, cầu An Hạ… Sắp tới, công ty có thể làm dự án trong khu công nghiệp và đấu thầu sân bay Long Thành giá trị thầu 35.000 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị các hợp đồng trúng thầu của Hòa Bình 100% đều đến từ mảng xây dựng dân dụng.

Liên quan tới sân bay Long Thành, thị trường vừa qua có thông tin liên danh Hoa Lư gồm 8 nhà thầu trong nước đã cùng hợp tác, tạo giá trị cạnh tranh để đấu thầu thực hiện dự án này. Liên danh này do Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đứng đầu cùng một số thành viên khác như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Xây dựng Delta, Xây dựng Central, Xây dựng An Phong…

Ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình - có giới thiệu về liên danh này với sự xuất hiện của một số đại diện tại cuộc họp hôm nay như ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons, ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Xây dựng An Phong. Ông Hiếu nói với sự quyết tâm và năng lực của các nhà thầu thì tự tin liên danh có thể trúng thầu.

Ông Lê Viết Hải: Không quan tâm ai đứng về phe mình, mình phải kiểm soát ai - 2

Cú bắt tay tại phiên họp giữa Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình và Chủ tịch Coteccons. Điều thú vị là 2 doanh nghiệp này vốn được coi là "đối thủ" của nhau lâu nay (Ảnh: HB).

Tờ trình của HĐQT tại phiên họp đại hội có sự thay đổi về mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2023 so với nội dung trước đó đã công bố.

Kế hoạch mới gồm doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 25% so với mục tiêu ban đầu. So với kết quả thực hiện năm trước, doanh thu giảm 12% còn lợi nhuận được cải thiện so với số lỗ tạm tính 2.575 tỷ đồng (chưa được kiểm toán).

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc, nói trong trường hợp xấu nhất, doanh thu năm nay khoảng 9.500 tỷ đồng, công ty vẫn có lợi nhuận.

Ông Lê Viết Hiếu chia sẻ thêm, chiến lược kinh doanh giai đoạn 2024-2026, tập đoàn đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm về 1, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026.