EVN đòi tăng giá điện ngay trong tháng 9

Góp ý về tổng kết thực hiện quy hoạch điện VI và giải pháp thực hiện quy hoạch điện VII, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị bộ Công thương cho phép được điều chỉnh giá bán điện trong tháng 9/2011.

Ngày 8/9, ông Dương Quang Thành, phó tổng giám đốc EVN cho biết đơn vị này đang tính toán sự biến động của các thông số đầu vào cấu thành nên giá điện, do vậy, chưa thể nói mức tăng là là bao nhiêu, dưới 5% hay trên 5%.
 
EVN đòi tăng giá điện ngay trong tháng 9 - 1
Giá điện sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9?

 

“Chúng tôi đang tính toán và tất nhiên còn phải chờ bộ Công thương rà soát, thẩm định các thông số này”, ông Thành nói. Thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thì từ chối bình luận về thông tin này.

 

Trong văn bản gửi bộ Công thương, EVN cho rằng, trước mắt việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù lỗ năm 2010.

 

Theo báo cáo của EVN, 8 tháng đầu năm nay tập đoàn đã lỗ trên 2.000 tỉ đồng, năm 2010 lỗ trên 8.000 tỉ đồng, vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hàng năm, dẫn đến công tác thu xếp vốn đối ứng đang gặp nhiều khó khăn.

 

Hơn một năm nay, EVN chưa thu xếp được vốn đối ứng cho nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Cùng với đó là các dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông. Đây là thách thức rất lớn cho việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam từ 2013 - 2015.

 

Cùng với đề nghị tăng giá điện, EVN đề nghị bộ Công thương chủ trì, cùng bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giải quyết các khó khăn về vốn, bảo lãnh vốn.

 

Bởi theo ông Thành, tổng nhu cầu vốn mà EVN cần theo quy hoạch điện VI là 832.000 tỉ đồng, song EVN chỉ thu xếp được trên 230.000 tỉ đồng (thiếu 599.000 tỉ đồng).

 

“Hay theo quy hoạch, giai đoạn 2011-2015 EVN sẽ khởi công 14 dự án với công suất hơn 12.000MW, nhu cầu vốn cho 14 dự án này khoảng 520.000 tỉ đồng, nhưng đến nay chúng tôi mới cân đối được 247.000 tỉ đồng, còn thiếu 270.000 tỉ đồng”, ông Thành nói.

 

Ông Trịnh Việt Thắng, phó tổng giám đốc Điện lực Dầu khí (đơn vị có tổng công suất điện dự kiến đến năm 2015 chiếm 20-25% tổng sản lượng điện quốc gia với 9.000 MW) cũng kiến nghị việc tăng giá điện càng sớm càng tốt.

 

Ông Thắng nói: “Giá điện hiện nay không hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà cả với doanh nghiệp trong nước. Ngay với PV Power, dù cũng phải tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia song là doanh nghiệp nên hiệu quả cũng phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên hiệu quả giờ chưa cao”.

Ông Thắng cho rằng việc tăng giá điện sẽ làm cho các mục tiêu trong quy hoạch điện VII dễ dàng được thực hiện hơn.

 

Đại diện của tổng công ty điện thuộc tập đoàn Than khoáng sản thì kiến nghị cần sớm vận hành thị trường điện cạnh tranh và thực hiện giá bán điện theo thông tư số 31 của bộ Công thương, tạo sự minh bạch, công bằng cho chủ đầu tư dự án nguồn điện khi đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

 

Đánh giá về nguyên nhân khiến các dự án nguồn điện chậm tiến độ, khiến sơ đồ điện VI chỉ đạt khoảng 2/3 về nguồn so với yêu cầu, vụ trưởng vụ Năng lượng (bộ Công thương) Phạm Mạnh Thắng cũng liệt lý do thiếu vốn lên hàng đầu.

 

Ông Thắng liệt kê: có 40 dự án nguồn, 10 dự án lưới luôn khó về vốn đồng thời cảnh báo: “Quy hoạch điện VII tới đây cũng khó mà đạt được vì EVN vẫn khó khăn về tài chính”. “Tuy nhiên trong việc thiếu vốn cũng có lý do đầu tư dàn trải, thứ tự ưu tiên các dự án có vấn đề làm tiến độ dự án bị chậm”, ông Thắng lưu ý.

 

Chưa hết, theo ông Thắng, việc tiến độ nguồn bị chậm, song vẫn đạt tỷ lệ cao hơn so với tiến độ về… lưới điện. Vị này cho hay, xây dựng trạm 500kv chỉ đạt 59% khối lượng, đường dây 500kv chỉ thực hiện được 41% về tổng vốn đầu tư; tỷ lệ này với trạm 220kv và đường dây truyền tải 220kv còn thấp hơn nữa. “Rõ ràng để đảm bảo cung cấp điện là có vấn đề, đó là chưa kể chất lượng hệ thống có đạt yêu cầu không thì còn chưa… phân tích”, ông Thắng lo ngại.

 

Theo Chí Hiếu
SGTT