Doanh nghiệp kinh hoàng, ngân hàng khiếp sợ

DN cứ kêu lãi suất quá cao, ngân hàng lại bảo không hạ được, tạo nên một dàn hợp xướng lạc điệu...

Bài 1: Cả làng cùng khốn khó

Nỗi khốn của doanh nghiệp

Không phải bây giờ DN mới khó vì không vay được tiền, mà khó vì vốn đã vay rồi nhưng đang chết dí ở hàng tồn kho, nguyên vật liệu hay hàng hoá bán chịu đâu đó. Con số ước chừng có tới 70% vốn kinh doanh của DN phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng (NH). Trong bối cảnh suy thoái này, người muốn vay thì ít, mà kẻ sợ vay thì nhiều, bởi có vay thêm vốn thì cũng chẳng bán được hàng, sống đâu chưa thấy, có khi lại còn “đi” nhanh hơn.

Doanh nghiệp kinh hoàng, ngân hàng khiếp sợ  - 1
Vốn ngân hàng sẵn sàng phục vụ khách hàng (Ảnh MH)

DN vay với lãi suất 20%/năm, thì phải làm ra lãi hai mấy phần trăm là một bằng chứng luôn được nêu ra. Nhưng nói thế e là đánh tráo khái niệm kinh tế, là lấy lợi nhuận trả lãi vay, trong khi tiền lãi vay luôn là cấu thành nên chi phí của DN. Như thế khác nào cho rằng, cứ tăng giá xăng 20%, thì tắc - xi phải có lãi 21% trở lên mới lăn bánh. Kể cả 100% vốn kinh doanh của DN đi vay NH, thì cũng không phải là phép cộng đơn giản như vậy.

Các DNNVV luôn than không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Điều đó cũng không hề có gì là bất thường. DN càng lớn thì càng vay nhiều và càng nhỏ thì càng ít vay. Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì cũng vay mượn vào loại nhiều nhất quả đất. Phần lớn DN của chúng ta thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó rất nhiều DN làm ăn nhỏ, không cần vay và không dám vay, kể cả những lúc vay dễ và lãi thấp. Khi thuận đã không ham, thời khó càng chẳng muốn.

Ngay cả những DN mạnh khoẻ hàng đầu, được vay với mức lãi suất ưu đãi nhất cũng sợ vay mượn. Do đó, vay được ngân hàng và vay với lãi suất thấp, cũng chỉ hà hơi, tiếp sức được phần nào cho đầu vào của sản xuất, kinh doanh. Trong khi, vấn đề mấu chốt là ở chỗ, không mở được cánh cửa tiêu thụ hàng hoá đầu ra của DN.

Cái khó của ngân hàng

Nhiều lắm những ý kiến oán thán NH, ăn dầy, lãi lớn, sống khoẻ một mình, thiếu thiện chí, kém hỗ trợ, ít quan tâm, không chia sẻ, chẳng thông cảm với nỗi khó khăn của DN. Nghiêng hẳn về phía DN, kêu than cho nỗi thống khổ của một bên, không có gì sai cả, nhưng lại mới chỉ là thấy một nửa vấn đề.

Chẳng NH nào không muốn cho vay, không bị phanh thì ào ạt tăng trưởng tín dụng. Mới đây thôi, NH nào cũng muốn vượt lên trên chỉ tiêu tăng trưởng 0-8-15 và 17% do NHNN khống chế. Xưa nay, NH vẫn luôn săn đón, tranh giành những DN tốt, những phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả cao. Giống như DN, NH cũng mong muốn bán thật đắt hàng, nhưng mà “thực” bất tòng tâm.

Trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay, DN kêu khó bán hàng một, thì NH còn khó gấp mười. DN bán được hàng là điều mừng, nhưng nếu bán chịu thì lại vui ít buồn nhiều, thậm chí không dám bán chịu một khi không chắc thu được tiền về. NH bán chịu 100%, khi thị trường thuận lợi còn khó thu hồi vốn, đang thời kinh tế ngắc ngoải, thì yên tâm còn được mấy phần trăm? DN muốn bán hàng, thì phải lấy được lòng tin của người mua, còn NH thì ngược lại, chỉ người nào lấy được lòng tin của bên bán tiền, thì mới được mua hàng, tức là vay được tiền. DN bán xong hàng thì hồ hởi yên tâm, vì đã đổi được hàng để lấy tiền, còn NH cho vay rồi, mới bắt đầu đứng ngồi không yên, vì đã đổi tiền thật để lấy về mấy tờ giấy cam kết.

Chẳng NH nào muốn huy động lãi suất cao, để rồi buộc phải cho vay với lãi suất cao hơn. Bán đắt thì ắt ế hàng mới chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện đáng ngại của NH là, lãi suất càng cao thì người vay càng khó trả nợ và càng khó thu hồi vốn.

Nhưng lãi suất thế nào là cao với đắt và bao nhiêu là thấp với rẻ? Trước hết, cứ việc cộng thêm vài ba phần trăm vào tỷ lệ lạm phát (cả thực tế và kỳ vọng), thì ra lãi suất huy động, thành lãi suất cho vay. Vậy nên tất nhiên là lãi suất phải nổi theo lạm phát. Nếu ví lãi suất huy động như nước, lãi suất cho vay tựa thuyền, thì nước lên, thuyền lên, nhưng thuyền không thể tách rời hẳn khỏi mặt nước, ngoại trừ với lãi suất tín dụng đen. Khi nào thây ma lạm phát cao còn nằm đó và bóng ma lạm phát cao vẫn còn rình rập, thì cái giá của lãi suất hiển nhiên vẫn cứ lừng lững.

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB cho biết, hiện nhiều NH thừa vốn với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Các NH không cho DN, cá nhân vay được thì dẫn tới việc họ phải cho vay lẫn nhau. Thời gian qua lãi suất cho vay trên thị trường liên NH hạ, chứng tỏ nguồn cung rất dồi dào, các NH đang thừa vốn. Tuy nhiên các NH hạ lãi suất cho vay chứ không thể hạ tiêu chuẩn được. Bởi NH cũng là DN. Họ phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, trước xã hội. Nếu NH cho vay không thu hồi được thì ai sẽ chia lỗ cho NH.

Để giúp các DNNVV tiếp cận được vốn NH phải đòi hỏi cả 3 phía. Nhà nước phải có một số chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, giúp DN tìm kiếm thị trường để giải quyết hàng tồn kho, vận hành tốt hơn quỹ bảo lãnh DNNVV. Về phía DN cố gắng đưa ra phương án kinh doanh, lập báo cáo tài chính tốt để chứng minh với NH. Còn về phía NH cần phải linh hoạt, nhạy cảm hơn khi đánh giá về DNNVV - Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.

 
Theo Luật sư Trương Thanh Phúc
Thời báo Ngân hàng