Điện gió Khe Sanh đang đàm phán cơ cấu một phần cổ phần cùng nhà đầu tư nước ngoài

Minh Anh

(Dân trí) - Dự án điện gió Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) đang đàm phán và có kế hoạch cơ cấu cổ phần cùng nhà đầu tư ngoại để hợp tác quản lý vận hành nhằm tối ưu hiệu quả và tuổi thọ dự án.

Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về việc đang đàm phán và có kế hoạch cơ cấu một phần cổ phần cho nhà đầu tư Hồng Kông.

Đại diện công ty cho biết: Việc cơ cấu cổ phần này là để hợp tác quản lý vận hành nhằm tối ưu hiệu quả và tuổi thọ dự án.

Điện gió Khe Sanh đang đàm phán cơ cấu một phần cổ phần cùng nhà đầu tư nước ngoài - 1

Dự án điện gió là loại hình năng lượng với công nghệ cao và rất mới tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/09/2023, Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh gửi UBND tỉnh và các Sở ngành về việc xin xác nhận "Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh là Chủ sở hữu Dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1, đảm bảo điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài dự kiến theo pháp luật hiện hành".

Theo nhà đầu tư này, dự án điện gió là loại hình năng lượng với công nghệ cao và rất mới tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chưa có các công ty vận hành có kinh nghiệm cũng như chưa có các thiết bị và công cụ để sửa chữa, bảo trì, thay thế hoặc xử lý khi có sự cố. Trong khi đó, các tuabin điện gió đều nằm trên trụ tháp cao hơn 135m (tương đương tòa nhà cao 40 tầng) nên việc vận hành, bảo trì, sửa chữa rất cần các thiết bị đặc biệt cùng các nhân sự cao cấp có kinh nghiệm đặc thù.

Bên cạnh đó, khí hậu Quảng Trị rất khắc nghiệt, hàng năm có những trận giông bão lớn tới cấp 10, cấp 12. Ngoài ra, khí hậu Việt Nam nói chung có độ ẩm cao khiến cho các thiết bị điện, bảng bo mạch, vật liệu của tuabin như cánh, hub, các vật liệu khác... rất dễ bị lão hóa, trục trặc; cần phải bảo trì, thay thế và sửa chữa liên tục sau 2 năm vận hành.

Thực tế trong 2 năm vừa qua đã xảy ra 5 sự cố tuabin điện gió lớn trên cả nước, mỗi tuabin hàng trăm tỷ đồng nên khi xảy ra sự cố thì tổn thất là rất lớn, có thể dẫn đến phá sản cả dự án.

Theo tìm hiểu, tại một số nước phát triển có các dự án điện gió đã triển khai từ sớm những năm 2000, sau khi dự án phát điện, chủ đầu tư thường có xu hướng hợp tác với các Tập đoàn tài chính chuyên đầu tư tài chính và có kinh nghiệm, có nhân sự vận hành các tuabin điện gió lớn, các dự án quy mô lớn nhiều tuabin trên khắp thế giới. Nhờ quy mô lớn, họ vừa đầu tư trang thiết bị, phương tiện, công cụ đặc thù, vừa sở hữu đội ngũ kỹ sư và người lao động giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp để vận hành, bảo trì, sửa chữa nhằm tối ưu hiệu quả cho các dự án.

Chính vì vậy, Công ty Điện gió Khe Sanh khẳng định rằng mục tiêu cơ cấu cổ phần là để tận dụng tài chính giá rẻ (lãi suất vay vốn chỉ 2-3% năm), tận dụng kinh nghiệm vận hành, thế mạnh của các đối tác nước ngoài, từ đó tối ưu trong việc vận hành, sửa chữa, bảo trì, nhằm nâng cao sản lượng điện và đặc biệt kéo dài tuổi thọ cho tuabin. Việc này đồng nghĩa sẽ giúp tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Công ty CP Điện gió Khe Sanh cho biết: Các đối tác nước ngoài khi được lựa chọn để hợp tác sẽ chỉ là chủ sở hữu gián tiếp thông qua một pháp nhân được thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Các nhà đầu tư chỉ tham gia giám sát hoạt động chủ yếu từ xa thông qua hệ thống phần mềm online, và chỉ cử chuyên gia trong thời gian ngắn đến định kỳ hoặc bảo trì hoặc khi sự cố xảy ra liên quan đến vận hành nhà máy.

Đa số các nhà đầu tư cơ cấu cổ phần các dự án năng lượng tái tạo thường là nhà đầu tư có cổ đông là các tổ chức tài chính lớn, đa quốc tịch và hay lựa chọn địa điểm đặt văn phòng tại Hồng Kông hoặc Singapore. Họ sở hữu hàng vài chục nhà máy điện gió, điện mặt trời ở khắp châu Á cũng như trên thế giới.

"Các hoạt động vận hành thường kỳ bao gồm các hoạt động mặt đất như bảo đảm giao thông, vận hành đường dây, trạm biến áp, bảo đảm an toàn móng tuabin, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện các nghĩa vụ như thuế và các nghĩa vụ khác với địa phương và các tổ chức… vẫn do phía Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh chịu trách nhiệm", công ty này cho biết.

Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết thêm: Việc hợp tác với đối tác nước ngoài (chuyển nhượng bớt cổ phần) tại dự án điện gió Khe Sanh vừa nhằm tối ưu hiệu quả dự án, vừa giúp công ty cổ phần điện gió Khe Sanh có nguồn tài chính để phát triển các dự án năng lượng tái tạo khác với kế hoạch làm chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo lên tới 500 MW đến năm 2030, thực hiện hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, công ty điện gió Khe Sanh vẫn đang trong quá trình đàm phán với 3 đối tác đến từ Hồng Kông, Singapore, Bồ Đào Nha và vẫn đang ở giai đoạn vừa xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, vừa tiếp tục đàm phán, chưa chính thức chốt hợp đồng. Khi được các cấp có thẩm quyền chấp thuận và việc đàm phán có kết quả, công ty sẽ thông tin chính thức sau.