Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Nằm trong xu hướng toàn cầu tập trung vào tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang tìm kiếm các phương pháp mới để giảm phát thải carbon, cụ thể là tiềm năng sản xuất hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh từ năng lượng tái tạo.

Ngày 1/12, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TPHCM do USAID tài trợ, đã tổ chức hội thảo "Hydrogen - Ứng dụng, công nghệ và phát triển".

Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam - 1
Bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM - phát biểu tại hội thảo (Ảnh: USAID).

Được coi là công nghệ dẫn đầu cho nỗ lực khử cacbon trên toàn cầu, hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất từ năng lượng gió và mặt trời. Với xu hướng giá năng lượng toàn cầu đang tăng lên, cần thiết phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam là quốc gia tiềm năng về hydrogen.

Hydrogen sạch có thể được trộn với các nhiên liệu truyền thống như khí đốt để giảm lượng khí thải, với các ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như thép, hóa chất, phân bón và vận tải. Hydrogen cũng có thể được sử dụng cho mục đích lưu trữ năng lượng, cung cấp năng lượng dự phòng sạch nếu cần.

Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam - 2
Các diễn giả thảo luận về các chính sách, cơ hội và tiềm năng phát triển của hydrogen tại phiên thảo luận (Ảnh: USAID).

Đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn để dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hydrogen sạch, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết Hoa Kỳ luôn đi hàng đầu trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang ngành năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường. Hoa Kỳ hợp tác cùng Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, đem lại một môi trường trong lành hơn cho người dân, đồng thời phát triển nền kinh tế xanh.

Qua đó, Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 36 triệu USD thông qua Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam do USAID triển khai. USAID cũng có nhiều dự án khác và đang cam kết tài trợ hơn 90 triệu đôla để giảm phát thải, duy trì đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam.

Việt Nam mạnh về công suất phát điện sạch, đem đến cả cơ hội và thách thức cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0". Với phương châm đổi mới ở mọi nơi, mở lối cho sự tiến bộ, hợp tác và hỗ trợ quốc tế sẽ rất quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư, giảm thiểu rủi ro tài chính khi đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch trên toàn cầu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Việt Cường, Phó viện trưởng Viện năng lượng, cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng năng lượng. Tuy nhiên đến nay, ưu đãi đầu tư chưa thật sự đột biến, hệ thống tiêu chuẩn chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, khi nói đến năng lượng hydro xanh hay năng lượng sạch, ông Cường cho rằng Việt Nam cần xây dựng, công bố ban hành tiêu chuẩn phù hợp với chuẩn quốc tế bởi Việt Nam phát triển nhanh so với các nước Đông Nam Á trong khi năng lượng dành cho sản xuất vẫn chưa đủ, chưa tự chủ được công nghệ trong lĩnh vực này.

Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam - 3
Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: USAID).

Một thách thức với Việt Nam là hệ thống cơ sở hạ tầng, còn hạn chế trong thống lưu trữ, hệ thống lưới điện đấu nối cơ sản xuất hydro như hệ thống kho, cảng, hệ thống phân phối (cung cấp cho các cơ sở công nghiệp, phương tiện giao thông).

Trước xu hướng toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, vai trò của công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh ngày càng lớn. Khi giá năng lượng đang ngày càng tăng cao, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh càng trở nên cấp thiết. Đây là một phần trong hoạt động của dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID triển khai, từ đó cung cấp nền tảng quan trọng để Việt Nam tìm hiểu về hydrogen như một phương thức nhằm đạt được các cam kết COP26 là đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam phối hợp với TP Đà Nẵng, TPHCM cùng các đối tác khu vực tư nhân, mục tiêu cải thiện môi trường chính sách ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khai thác các giải pháp năng lượng sạch, huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo.