DMagazine

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam?

(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra là làm sao để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ bỏ ra 41.000-51.000 USD để mua một chiếc xe được sản xuất bởi một thương hiệu đến từ Việt Nam mà họ chưa từng nghe nói đến.

Tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam

Theo Bloomberg, Việt Nam đang dần trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Người Việt Nam rất giàu khát vọng. Hàng triệu người Việt đi xe máy đang khát khao được lái xe hơi. Và Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã thực sự khai thác được điều đó. Thậm chí, người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng còn khao khát trở thành Elon Musk của Việt Nam.

"Tôi sẽ thay thế chiếc xe yêu quý của tôi - Lexus 570 - bằng chiếc xe VinFast", ông Vượng nói.

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam? - 1

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng với tham vọng vươn ra thế giới (Ảnh: IT).

Ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam. Với tham vọng vươn ra thế giới, ông không chỉ muốn bán xe hơi ở Việt Nam mà còn muốn bán cho thị trường Mỹ và các khách hàng khác trên thế giới. Và với công ty VinFast, ông Vượng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện tại Bắc Carolina (Mỹ) với vốn đầu tư ban đầu 2 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh kế hoạch này, nhưng Bloomberg nhận định, để đạt được thành công tại thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới không phải là điều dễ dàng.

Cơ hội

"Tôi nghĩ rằng đó là một cuộc chiến rất khó khăn để VinFast xây dựng thương hiệu tại Mỹ. Đối với người tiêu dùng, muốn thử một cái gì đó mới mẻ, để mua xe VinFast mà chưa thực sự được thử nghiệm thì đó là một rào cản rất lớn để họ vượt qua", ông Steven Man, chuyên gia phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, nói.

Còn theo ông Lê Hồng Hiệp - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore) - ông Vượng không chỉ muốn thúc đẩy kinh doanh mà còn muốn đóng góp vào hình ảnh Việt Nam như một cường quốc đang lên. Ở Đông Nam Á, không có công ty sản xuất ô tô nào đủ khả năng làm điều đó.

Theo ông Hiệp, Việt Nam sau đổi mới đã cho phép đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực tư nhân đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong 30 năm qua và hiện đóng góp 40% GDP, 30% doanh thu thuế của Việt Nam. Và điều quan trọng hơn lĩnh vực này đang tạo ra 60% công ăn việc làm cho người lao động tại Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế.

"Nhưng vấn đề chính là hầu hết doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam thực sự cần có các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh hàng đầu để đưa nền kinh tế phát triển và Vingroup là một trong những doanh nghiệp như thế", ông Hiệp nói.

Vingroup hiện là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường gần 11 tỷ USD. Năm 2021, tổng giá trị tài sản của Vingroup chiếm khoảng 5% GDP Việt Nam.

Điều gì khiến Vingroup thành công như vậy? Các lĩnh vực kinh doanh và thương hiệu của Vingroup đã chạm đến mọi khía cạnh của đời sống người dân Việt Nam từ bệnh viện, trường học, đại học, nhà ở cho đến trung tâm thương mại…

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam? - 2

Vingroup hiện là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường gần 11 tỷ USD (Ảnh: Vingroup/Forbes).

Theo Bloomberg, Vingroup sở hữu hơn chục doanh nghiệp. Bản thân ông Vượng cũng là một doanh nhân yêu nước, ông muốn Vingroup thực sự thành công để ghi dấu ấn trên đấu trường thế giới.

Ông Vượng từng theo học Đại học Mỏ địa chất ở Hà Nội, sau đó được học bổng sang Nga du học. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1992, ông chuyển tới Kharkiv (thành phố lớn thứ 2 của Ukraine) và thành lập công ty sản xuất mì ăn liền và thực phẩm khô. Công ty đó đã thành công lớn. Sản phẩm của công ty không chỉ phân phối trong biên giới Ukraine mà còn vươn tới cả các quốc gia Đông Âu khác. Sau đó ông bán công ty cho Nestle. Mặc dù ông không tiết lộ về giá trị thương vụ này, song theo Bloomberg ước tính, thương vụ có giá trị khoảng hơn 150 triệu USD.

Đời sống của người dân Việt Nam đang ngày một cải thiện sau khi Chính phủ cải cách kinh tế và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994. Khu vực tư nhân cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Và sau khi tích lũy được khối tài sản ban đầu, ông Vượng trở về Việt Nam vào đầu những năm 2000 và bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Và rồi ông nhìn thấy những cơ hội to lớn ở đất nước và bắt đầu xây dựng nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước, góp phần làm biến đổi đường chân trời của những thành phố này, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Tại Nha Trang, ông đã xây dựng một resort 5 sao hạng sang mà hầu hết người Việt Nam chưa từng thấy trước đó. Năm 2012 công ty bất động sản và du lịch của ông hợp nhất trở thành Tập đoàn Vingroup, đưa ông trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2017, Vingroup thành lập Công ty sản xuất ô tô VinFast, tiến tới mục tiêu vươn ra thế giới, trở thành công ty công nghệ vào năm 2028. Đến nay, cơ bản Vingroup đã xây dựng được một nhà máy hiện đại với các dây chuyền tự động.

Cách tiếp cận đúng đắn

Theo Bloomberg, cách tiếp cận của VinFast là đúng đắn. Nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã thuê một công ty Italy để thiết kế ô tô, được cấp giấy phép sử dụng động cơ của BMW. Và chỉ trong vòng 24 tháng, VinFast đã xuất xưởng chiếc xe đầu tiên.

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam? - 3

Chỉ trong vòng 24 tháng sau khi xây dựng, VinFast đã xuất xưởng chiếc xe đầu tiên (Ảnh: Vingroup).

"Chính phủ Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2030 và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Một trong những vấn đề của Việt Nam là chưa có khả năng để phát triển một số ngành sản xuất chính, làm động lực cho nền kinh tế. Trước đây, Nhà nước muốn dựa vào các doanh nghiệp Nhà nước nhưng không đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, họ muốn có các công ty lớn, đặc biệt là các công ty tư nhân, để có thể tiếp quản vai trò này. Họ tin rằng ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn nền kinh tế", ông Hiệp nói.

Trong khi thị trường ô tô Việt Nam vẫn chịu thống trị của những doanh nghiệp nước ngoài như Toyota, VinFast đã góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trở thành thương hiệu ô tô nội địa duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong 3 năm qua, VinFast đã bán được 82.000 ô tô chạy xăng, một thị phần kha khá cho một nhà sản xuất ô tô mới nổi trong một thị trường tương đối nhỏ.

Năm 2022 công ty tuyên bố kế hoạch lớn tiếp theo là bắt đầu ngừng sản xuất ô tô chạy xăng vào cuối tháng 8 này và tập trung vào sản xuất ô tô điện.

Theo Bloomberg, người ta có thể không nhìn thấy chiếc xe điện nào chạy trên đường phố hiện nay nhưng VinFast có khả năng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn ở Bắc Carolina (Mỹ). Tờ này cho rằng một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam mới chỉ vài năm tuổi nhưng lại có tham vọng muốn vươn ra thế giới.

"Việc chuyển đổi sang xe điện là xu hướng của tương lai và lĩnh vực xe điện vẫn chưa có nhiều người chơi thành danh. Vì vậy, nếu làm nhanh và làm tốt, họ có thể trở thành một trong những người dẫn đầu thị trường", ông Hiệp nói

Theo ông Hiệp, vươn ra toàn cầu, đặc biệt đến Mỹ là một bước đi hợp lý. Thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng cho mảng kinh doanh xe điện. Trong khi đó, Mỹ là thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển và Vingroup cũng muốn tận dụng một số khuyến khích về tài chính từ chính phủ Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng câu hỏi chính lúc này là họ có thành công với nỗ lực đó hay không?", ông Hiệp đặt câu hỏi.

VinFast cho biết họ sẽ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Bắc Carolina vào tháng 9 và bắt đầu sản xuất ô tô điện vào năm 2024. Công ty cũng đã nhận được 73.000 đơn đặt hàng xe điện nhưng tham vọng của họ là bán được 1 triệu chiếc xe điện trên toàn cầu trong 6 năm.

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam? - 4

VinFast công bố nhận khoản ưu đãi 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang này (Ảnh: Vingroup).

"Bắt đầu một nhà máy ở Mỹ hay ở nơi nào trên thế giới là cam kết lớn. Rõ ràng bạn phải xây dựng một tòa nhà, mua sắm thiết bị. Nhưng tôi cho rằng thách thức thực sự nằm ở chặng đường cuối cùng. Có khoảng 30.000 bộ phận trên xe điện, đó là điều không dễ vượt qua. Mặc dù họ đã chế tạo ô tô ở Việt Nam, nhưng đến Mỹ họ phải đối mặt với thách thức là làm thế nào để kết hợp tốt các bộ phận đó nhằm đảm chất lượng", ông Steven Man nói.

Những câu hỏi

Mỹ là thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới. Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như Geely, Nio đã bị thất bại sau nhiều năm nỗ lực tiếp cận. Nhưng VinFast có được lợi thế nhất định nhờ mối quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam. Các chính trị gia của Mỹ cũng có nhiều khả năng ủng hộ nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Nhưng VinFast sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Tesla cũng như các "ông lớn" trong ngành ô tô thế giới như GM, Ford và Honda. Những nhà sản xuất ô tô này đang có kế hoạch tung ra các mẫu ô tô điện trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc của VinFast, khẳng định: "Chúng tôi không cạnh tranh với bất kỳ công ty sản xuất xe điện nào. Chúng tôi muốn lấy thị phần từ các loại xe sử dụng động cơ đốt trong. Không ai đủ khả năng để mua một chiếc xe điện mà có giá từ 100.000 đến 150.000 USD phải không?".

Cơ hội nào cho tham vọng vươn ra toàn cầu của người giàu nhất Việt Nam? - 5

VinFast công bố kế hoạch mở hơn 50 trung tâm bán hàng và dịch vụ hậu mãi (VinFast Store) tại Đức, Pháp và Hà Lan (Ảnh: Vingroup).

"VinFast đang chuẩn bị tung ra 2-3 mẫu xe với giá khoảng từ 40.000 đến 60.000 USD. Nó hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với mẫu xe Tesla Model 3, nhưng giá chỉ bằng một nửa so với mẫu xe Tesla Model S. Chứng tỏ họ đang nhắm vào thị trường đại chúng chứ không phải thị trường cao cấp. Tôi nghĩ đó là chiến lược đúng đắn, vì đối với một nhà sản xuất ô tô, để có thể thành công và có lợi nhuận họ cần tạo dựng quy mô", ông Steven Man nói.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ bỏ ra 41.000 - 51.000 USD để mua một chiếc xe được sản xuất bởi một thương hiệu đến từ Việt Nam mà họ chưa từng nghe nói đến.

Các thỏa thuận đã được ký kết để huy động ít nhất 4 tỷ USD chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Bắc Carolina và ra mắt thị trường Mỹ. Để đảm bảo sự thành công cho VinFast, ông Vượng đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD từ chính tiền của mình, nhưng Bloomberg cho rằng, ông sẽ phải đầu tư nhiều hơn.

"Thường thì một nhà sản xuất ô tô sẽ chi tới 10 tỷ USD, chỉ riêng chi phí cho hoạt động marketing. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là VinFast có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện cú hích mạnh mẽ như vậy vào một thị trường mới và duy trì nguồn vốn đầu tư đó theo thời gian hay không? Nếu họ có thể tạo ra dòng tiền liên tục để thực hiện chiến lược đó thì họ có thể thành công", ông Steven Man nói.

Nhật Linh
Theo Bloomberg