Chính quyền điện tử - đích đến của Nghệ An

(Dân trí) - Chìa khoá để xây dựng thành công chính quyền điện tử (CQĐT) là triển khai tốt việc ứng dụng thông tin theo NQ 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Tỉnh, toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của cả hệ thống hành chính trong đó lấy người dân làm trung tâm, từ đó hướng tới một nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp.

Điểm sáng một đơn vị

Kỳ Sơn là huyện miền núi thuộc khu vực miền tây Nghệ An, có 4 dân tộc anh em H'mông, Thái, Khơ mú và Kinh cùng chung sống trong đó người dân tộc Kinh chiếm chưa đến 1%. 

Hiểu rõ việc ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử sẽ có tác động tích cực tới nhận thức của cán bộ công nhân viên chức và hướng đến sự hài lòng của người dân nên huyện xem đây là một khâu quan trọng để nâng cao khả năng trong quản lý hành chính. 

Như thường lệ, đầu giờ buổi sáng ông Phan Sỹ Thắng - Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn đến kiểm tra phòng điều hành hệ thống CNTT. Vì vậy, mọi việc đều diễn ra nghiêm túc, công việc được xử lý nhanh và hiệu quả.

Chính quyền điện tử - đích đến của Nghệ An - 1

Ông Phan Sỹ Thắng - Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn đang kiểm tra phòng điều hành hệ thống CNTT của huyện. Ảnh Hồng Sơn

Ông Thắng chia sẻ: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ chính quyền và người dân, giảm thời gian chờ đợi, đi lại và những chi phí khác không cần thiết. Nếu như trước đây các văn bản, báo cáo từ huyện xuống xã hay xã lên huyện có khi mất 2 đến 3 ngày thì giờ chỉ cần sử dụng hộp thư là sẽ có ngay được kết quả từ hai phía. Từ đó tiết kiệm được thời gian để làm vào việc khác”. 

Đến nay 100% các phòng, ban, đơn vị đã được trang bị máy vi tính, lập hộp thư điện tử và hoà mạng tại cơ quan UBND huyện với nhiều xã, thị trấn thông qua hệ thống mạng lan và phần mềm VNPT ioffice. 243 TTHC được công khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 2 và 3. Hầu hết các xã, thị trấn đã bố trí tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa - một cửa liên thông.

Ông Vi Hoè - Bí thư huyện uỷ Kỳ Sơn cho biết: “Do hạn chế về địa hình như đồi núi, khoảng cách nhưng chúng tôi đang tích cực triển khai việc ứng dụng hệ thống giao ban trực tuyến với cấp xã, triển khai áp dụng rộng rãi chữ ký số trong việc ban hành và quản lý văn bản tại các đơn vị hành chính cấp xã. Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CCHC”.

Ứng dụng toàn diện CNTT

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh thì việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử đang đi đúng hướng và phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chính quyền điện tử - đích đến của Nghệ An - 2

Nhờ áp dụng tốt CNTT nên các thủ tục hành chính tại cơ sở luôn được giải quyết nhanh gọn. Ảnh Hồng Sơn

Đây là nòng cốt để tiến tới xây dựng một chính quyền điện tử thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với chính quyền. Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và giải pháp ứng dụng CNTT hàng năm. 

Đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, Nghệ An là tỉnh đi đầu trong việc thuê dịch vụ CNTT theo QĐ 80 của Thủ tướng Chính phủ với 9 hệ thống quản lý kể từ năm 2009 đến nay. 

Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An được xây dựng với công nghệ hiện đại bao gồm 1 cổng cấp 1 và 57 cổng cấp 2. Đưa vào sử dụng từ tháng 1/2017, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh có 20 Sở, Ban, Ngành và 21 huyện, thành, thị trấn tham gia qua hệ thống I-Gate. Đến nay hệ thống đã cung cấp 1.155 dịch vụ công mức độ 2, 593 mức độ 3 và 73 mức độ 4. 

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai kết nối liên thông từ văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ và 20 đơn vị cấp Sở, 21 UBND cấp huyện và 480 UBND cấp xã.

Với 26 điểm cầu kết nối, mỗi năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến từ Tỉnh xuống huyện. Riêng trong đợt phòng chống dịch Covid-19 đã phục vụ kịp thời 12 cuộc họp bảo đảm thời gian và chất lượng.

 Trong nhiều lĩnh vực, việc ứng dụng CNTT cũng cho kết quả tốt. VNPT cùng Sở Y tế tỉnh Nghệ An triển khai thành công giải pháp VNPT-HIS. Theo đó đã khám chữa bệnh và thanh toán BHYT cho 472 cơ sở y tế và liên thông giữa các tuyến tỉnh, huyện và xã.

Đã có 3.200.000 lượt hồ sơ khám chữa bệnh được nhập vào hệ thống, bình quân 8.000 lượt hồ sơ/ngày. Kết xuất dữ liệu lên Cổng giám định và bảo đảm thanh quyết toán với BHXH Việt Nam.

Xây dựng CQĐT vẫn đang được tỉnh Nghệ An triển khai quyết liệt và bài bản nhằm tạo ra một môi trường làm việc liên thông, hiện đại để hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp. 

Năm 2019 Nghệ An xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số ICT Index. Nỗ lực xây dựng CQĐT cũng tạo đột phá cho Nghệ An trong triển khai ứng dụng CNTT và CCHC. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo chắc chắn Nghệ An sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong việc xây dựng CQĐT.