DNews

Cấm xuất khẩu gạo: Giá gạo tăng cao, người dân nhiều nước đổ xô đi tích trữ

Phương Liên

(Dân trí) - Thị trường lương thực toàn cầu tiếp tục hứng chịu cú sốc khi Ấn Độ, Nga và Dubai cấm xuất khẩu gạo. Động thái này đã đẩy giá gạo tăng vọt và khiến người tiêu dùng đổ xô đi xếp hàng mua gạo tích trữ.

Cấm xuất khẩu gạo: Giá gạo tăng cao, người dân nhiều nước đổ xô đi tích trữ

Người dân đổ xô xếp hàng mua gạo tích trữ

Ấn Độ, quốc gia chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu mới đây cũng dừng xuất khẩu thêm cả cám gạo đã tách dầu. Trước đó, nước này cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati - loại gạo phổ biến tại Nam Á. Bộ Lương thực và Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng thường để ổn định giá bán lẻ trong nước.

Và chỉ một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ, Nga và Dubai cũng đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân vô cùng lo lắng, chưa thể tìm giải pháp thay thế. 

Theo Bloomberg, nhiều người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng tạp hóa để mua gạo dự trữ. Một số cửa hàng đã giới hạn lượng mua, nhưng cũng có nhiều cửa hàng lợi dụng tình trạng thiếu lương thực tạm thời để nâng giá lên cao. 

Không thể đáp ứng nhu cầu, chủ một cửa hàng bán các sản phẩm của Ấn Độ đã phải yêu cầu khách hàng chỉ được phép mua 1 túi 20 pound (khoảng 9kg) mỗi người. Nhiều chuỗi cửa hàng lớn cũng ghi nhận người dân đổ xô mua gạo. Tất cả loại gạo đều được bán hết sạch chỉ trong vài giờ.

"Trong vài ngày qua, mọi người đã bắt đầu mua gạo với số lượng có thể gấp đôi bình thường", ông Shishir Shaima, quản lý của cửa hàng tạp hóa ở Surrey Hills (Úc), chia sẻ với Bloomberg. Cửa hàng hiện cho phép khách hàng mỗi người chỉ được mua một bao gạo 5kg. 

"Một số khách hàng phản ứng gay gắt khi chúng tôi không cho phép họ mua nhiều hơn một bao, nhưng chúng tôi cũng không thể bán nhiều hơn số lượng đó", ông chia sẻ thêm.

Cấm xuất khẩu gạo: Giá gạo tăng cao, người dân nhiều nước đổ xô đi tích trữ - 1

Người dân tranh giành nhau để mua gạo (Nguồn: India Today)

Tại Mỹ, tình hình cũng không khá hơn. Giá gạo đã tăng khoảng 11%. Một người Mỹ gốc Ấn cho biết đã phải đối mặt với tình huống tương tự 3 năm trước, khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì

Cô Ramya, nhân viên phần mềm người Ấn Độ sống tại bang Texas, cùng nhiều người Ấn Độ khác đang phải nhanh chóng đến mua gạo tại cửa hàng gần nhất khi giá gạo hiện nay đã tăng gấp đôi.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua vài túi gạo để đề phòng giá gạo tăng đột ngột", cô Ramya trả lời The Hindu.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại Canada. Việc không có đủ dự trữ đáp ứng nhu cầu gia tăng cũng khiến một số cửa hàng phải tăng giá bán gạo. Theo CityNews, một số cửa hàng tạp hóa ở Toronto (Canada) cũng đã hạn chế lượng gạo khách mua và tăng giá bán lẻ.

Các nhà hàng Ấn Độ cũng đứng ngồi không yên vì thiếu gạo. Ông Govindasamy Jayabalan, Chủ tịch Hiệp hội chủ nhà hàng Ấn Độ tại Malaysia, lo ngại điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu gạo và tăng chi phí chế biến các món ăn truyền thống được chế biến từ gạo.

"Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này. Hầu hết khách đến nhà hàng của chúng tôi thuộc nhóm thu nhập thấp. Tình trạng kinh doanh của nhà hàng ngày càng gặp nhiều khó khăn", ông nói.

Giá gạo có thể tăng vượt tầm kiểm soát

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ hiện chiếm 40,5% thị phần xuất khẩu gạo trong mùa vụ 2022-2023, trong khi đó Thái Lan chiếm 15,3% và Việt Nam 13,5%.

"Giá gạo sẽ còn tăng cao hơn trên thị trường xuất khẩu. Chúng tôi ước tính mức tăng tối thiểu là khoảng 50 USD/tấn và có thể lên tới 100 USD hoặc hơn. Hiện nay, cả bên bán lẫn bên mua đều đang đợi xem thị trường sẽ lên cao tới đâu", một công ty giao dịch quốc tế tại Singapore chia sẻ với Bloomberg.

"Trong ngắn hạn, giá gạo chắc chắn sẽ tăng lên. Giá sẽ không tăng từ từ mà tăng đột biến. Một số thương gia cho rằng giá có thể lên cao tới 700-800 USD/tấn", ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch của Hội xuất khẩu gạo Thái Lan, chia sẻ với Bloomberg.

Trong tuần vừa qua, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng vọt từ mức 515-525 USD/tấn lên mức 550-575 USD/tấn, đây đang là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của gạo Việt Nam.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần trước đã vọt lên mức 605-610 USD/tấn, so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận hồi giữa tháng 7. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây đối với Thái Lan.

Cấm xuất khẩu gạo: Giá gạo tăng cao, người dân nhiều nước đổ xô đi tích trữ - 2

Giá gạo tăng vọt sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (Ảnh: Bloomberg).

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết hiện nguồn cung gạo cho xuất khẩu trên thị trường nội địa Thái Lan rất khan hiếm và khó có thêm nguồn cung mới trong ngắn hạn. Động thái của Ấn Độ ước tính đã ảnh hưởng đến 30-40% tổng lượng xuất khẩu gạo của nước này.

Ngân hàng đầu tư Nomura Holdings của Nhật Bản cảnh báo các hạn chế có thể được mở rộng, áp dụng với các loại gạo và nông sản khác trong trường hợp lạm phát trong nước gia tăng và lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các vùng canh tác của Ấn Độ.

Lạm phát giá lương thực: Đi cả nước ngoài để mua cà chua

Động thái cấm xuất khẩu của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới càng gây tác động lớn trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra khắp nơi, nhiệt độ tăng cao ở châu Âu và cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó, gạo là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của hàng tỷ người dân châu Á và châu Phi. Do đó, giá gạo tăng cao sẽ gây thêm áp lực lạm phát và đè nặng lên chi phí nhập khẩu của các nước.

Cấm xuất khẩu gạo: Giá gạo tăng cao, người dân nhiều nước đổ xô đi tích trữ - 3

Động thái cấm xuất khẩu của Ấn Độ, Nga và Dubai gây tác động lớn trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra khắp nơi (Ảnh: NBC News).

Không chỉ giá gạo tăng cao, nhiều quốc gia còn chứng kiến giá của các loại nông sản thiết yếu khác như cà chua, hành củ... tăng cao. 

Tháng trước, Ấn Độ - nước sản xuất cà chua lớn thứ 2 trên thế giới - chứng kiến giá cà chua tăng hơn 341% so với cùng kỳ năm trước do lũ lụt. Giá cà chua cao và khan hiếm đã tác động trực tiếp đến người dân nước này. Nhiều người thậm chí phải đi sang tận nước láng giềng để tìm mua cà chua giá rẻ hơn.

Philippines cũng chứng kiến giá hành củ biến động mạnh. Từ cuối năm 2022, giá hành tím và hành tây, thành phần thiết yếu trong hầu như mọi món ăn ở Philippines, đã tăng lên gần 13 USD/kg, mức giá cao nhất trong 14 năm, do lạm phát. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines, có thời điểm giá hành củ gấp 3 lần giá thịt gà, cao hơn 30% giá thịt bò.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh giá việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực.

"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", ông Gourinchas nhấn mạnh với Reuters

Lệnh cấm dự kiến sẽ làm giảm khoảng 1/5 nguồn cung gạo trên thị trường thế giới và dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. 

"Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ cần được xem xét trong bối cảnh hiện nay. Tôi lo ngại rằng giá gạo ở châu Á có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát", ông Peter Timmer, giáo sư chuyên nghiên cứu về an ninh lương thực tại Đại học Harvard, cho chia sẻ với Bloomberg.

Nhà kinh tế Shirley Mustafa thuộc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng mức độ tác động đến các nước nhập gạo ở châu Á và châu Phi phụ thuộc vào thời hạn của lệnh cấm và khả năng thương lượng qua các kênh ngoại giao của các nước mua.