“Thổi bùng ngọn lửa đam mê sáng tạo”

(Dân trí) - “Chúng ta không chấp nhận là một thị trường tiêu thụ hàng nước ngoài. Nếu chỉ sử dụng mà không tham gia làng công nghệ thế giới, chúng ta chẳng bao giờ vươn lên được. Chúng ta không thể xây dựng đất nước bằng tiền bạc, mà phải bằng trí tuệ con người Việt Nam”.

Đó là phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, một trí thức Việt kiều yêu nước, khi nói về mong muốn của ông khi xuất bản cuốn sách “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Đây là tự truyện của Honda Soichiro, do chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng dịch thuật và xuất bản với mong muốn đánh thức giấc mơ của những bạn trẻ Việt Nam qua câu chuyện rất thực về người được coi là ông thánh kinh doanh của Nhật Bản, đã đi từ nghèo khó tới thành công.

 

“Cần phải thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo trong mỗi con người Việt Nam. Phải biết cách tổ chức, tạo môi trường thuận lợi cũng như động lực thúc đẩy để họ bộc lộ hết khả năng. Điều đó không hề đơn giản”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng phát biểu.

 

Từ lâu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều người Việt Nam trong nước. Không chỉ là một nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, một doanh nhân, ông còn được biết đến bởi những tâm huyết dành cho quê hương.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng sinh năm 1948, tại Sài Gòn (nay là TP.HCM). Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Sài Gòn, ông giành được học bổng của chính phủ Nhật Bản và lên đường đi du học. Khi đó, Nhật Bản đang trong thời kỳ “cất cánh thần kỳ về kinh tế”, và chàng sinh viên Nguyễn Trí Dũng khi ấy đã tự xác định phải nỗ lực học hỏi để tiếp thu những kiến thức trong lĩnh vực công nghệ cao của Nhật Bản, để sau này trở về đóng góp cho quê hương.

 

Ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngành Vận hành quản lý (Managerment Engineering) tại Đại học Hitotsubashi năm 1975. Tiếp đó, năm1978 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Kế lượng (Quantitative Planning) tại Đại học Tsukuba. Là một sinh viên Việt kiều yêu nước, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng từng tham gia phong trào hoà bình ở Nhật Bản, đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

 

Nhờ những thành tích học tập xuất sắc, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông Nguyễn Trí Dũng đã được mời làm chuyên gia kinh tế phát triển của Liên hợp quốc (UNCRD), chuyên về hoạch định chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã làm việc cho tổ chức này trong suốt gần 17 năm.

 

Từ sau ngày đất nước thống nhất, năm 1975, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã tích cực vận động phong trào nhân dân Nhật Bản quyên góp ủng hộ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh.

 

Năm 1976, ông là một trong những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về nước thăm quê hương để tìm hiểu và giúp đất nước vượt qua những khó khăn sau chiến tranh. Sau đó, ông đã thành lập “Hội những người thị dân Nhật Bản thân hữu với Việt Nam” với mục đích ủng hộ Việt Nam xây dựng lại đất nước.

 

Ông đã vận động ủng hộ trên toàn quốc Nhật Bản gửi tặng Việt Nam hàng nghìn máy may thông qua Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh thành, và hàng trăm xe đẩy cho các bệnh viện và những gia đình liệt sĩ ở cả hai miền Bắc-Nam.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của các thành phố Việt Nam và các thành phố khác trên thế giới, đặc biệt là mối quan hệ giữa TP.Hồ Chí Minh và TP. Yokohama (Nhật Bản).

 

Không chỉ dừng lại ở sự ủng hộ về vật chất, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng còn tìm cách đóng góp khả năng và chất xám của mình cho quê hương, với mong muốn Việt Nam phát triển đi lên tiến kịp với các nước trên thế giới.

 

Tiến sĩ Dũng là chuyên gia tư vấn cho khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Ông là Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều từ năm 1999. Năm 1989, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã tiến hành thành lập “Trường Doanh thương Trí Dũng” - một trường tư thục đầu tiên đào tạo thực vụ về kinh tế thương mại tại nước ta. Qua đó, hệ thống kế toán Mỹ (American Accounting System) đã được ông giới thiệu tại Việt Nam từ những năm 90.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng còn là đại diện của Tổ chức phi Chính phủ - ACEFA - Quỹ giáo dục châu Á thiếu nhi. Năm 1993, ông thành lập công ty NICD đầu tư sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao để cung cấp thị trường Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, ông còn thành lập thêm xưởng thủ công nhỏ nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam sang Nhật Bản.

 

Là Chủ tịch Network of International ở Nagoya (Nhật Bản), Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã đưa các đoàn quan chức và doanh nhân Việt Nam đến Nhật Bản để thực hiện xúc tiến đầu tư vào thị trường Nhật. Ông đã gây ấn tượng mạnh không chỉ cho giới doanh nhân Việt Nam, mà về phía bạn, giúp làm gia tăng sự quan tâm sâu sắc của giới doanh nhân, giới khoa học Nhật đến thị trường Việt Nam.

 

Công ty Fujitsu, một trong những nhà đầu tư công nghệ cao lớn nhất hiện nay của Nhật Bản, đã từng được bình chọn đứng đầu danh sách 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất tại Đồng Nai. Tuy nhiên ít ai biết rằng, để thuyết phục Fujitsu đầu tư và mở rộng hoạt động ở Việt Nam, người có vai trò quan trọng nhất cho sự thành công ấy chính là Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Trí Dũng.

 

Từ những suy nghĩ về sự cần thiết của việc liên kết giữa những trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng ấp ủ thành lập Trung tâm Tư vấn liên kết và nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực giáo dục, để tiến hành những hoạt động khuyến khích sự  kết nối thiết thực, với các dạng thức phù hợp, giữa các trường Đại học với các doanh nghiệp. 

 

Vũ Anh Tuấn

Theo nicd.co.jp