Mẹ của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm sang Nga trao tặng sách của con gái

Đại sứ quán VN tại LB Nga đã tổ chức cuộc gặp mặt đầy xúc động với mẫu thân của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong chuyến sang thăm tặng sách của bà. Người phụ nữ 88 tuổi mang theo cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” - bản dịch tiếng Nga mong tận tay trao tặng kiều bào.

Bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm


Bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Bà Doãn Ngọc Trâm chia sẻ: “Tôi đã mấy lần qua Mạc Tư Khoa do những chuyến đi công tác Angieri, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thực sự đến với nước Nga. Đến với nước Nga, tôi được chứng kiến một mùa thu tuyệt đẹp, được gặp những người Nga nhân hậu và tốt bụng, và điều đó làm cho tôi hiểu rằng, tại sao con gái tôi lại yêu nước Nga đến như vậy!

Nước Nga đã gắn với con gái tôi qua những tác phẩm văn học đầy tính nhân văn của Puskin, Tolxtoi, Trekhov, Gorki, Oxtrovxki..., qua những bản nhạc nổi tiếng và những cuốn phim Xô Viết hấp dẫn một thời. Dù chưa một lần đến với nước Nga, nhưng nước Nga đã trở thành tình yêu của con gái tôi. Lần này, tôi sang thăm nước Nga thay cho con gái...”.

Đó là những lời sâu thẳm tận đáy lòng của bà Doãn Ngọc Trâm. Bà phát biểu không cầm trong tay một mảnh giấy, nhưng trước các cử toạ có tuổi và chức vị, bà nói không một chút vấp váp, dường như những lời gan ruột đó tuôn chảy từ trong trái tim, trong huyết quản của người mẹ 88 tuổi đời. Bà đã sinh thành, nuôi dưỡng nên một người con gái anh hùng của Việt Nam, biểu tượng cho đức hy sinh, cho phẩm cách và lòng nhân ái của con người.

Không cần phải nói về sự kính phục, thương yêu và trân trọng đối với bà của những người Nga từ vị tướng lĩnh bạc đầu, những quan chức của chính quyền thành phố, đến những trí thức, sinh viên Nga vốn chỉ biết về Việt Nam qua sách vở. Họ đều muốn được đứng bên bà một phút để có một kiểu ảnh, được cầm lấy tay bà, được bà cho một chữ ký vào cuốn sách; và bao người còn ôm lấy người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, đôn hậu trong vòng tay ấm áp của mình.

Có lẽ không một ai ngồi trong Hội trường Đại sứ quán lại không cảm động khi nghe bà thổ lộ: "Nếu quả thật có một thế giới khác, thì ở chốn vĩnh hằng, con gái tôi đã hoàn toàn mãn nguyện".

Chuyến thăm Nga của bà Doãn Ngọc Trâm chỉ có mười ngày, nhưng lịch trình dày đặc như thể một chuyến công cán của một yếu nhân.

Trước khi ra mắt quyển Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bằng tiếng Nga tại Hà Nội, phía Câu lạc bộ May Thăng Long (nay là Hội Dệt May Việt Nam tại LB Nga) đã thống nhất tổ chức cho bà Doãn Ngọc Trâm một chuyến thăm Nga, kết hợp lễ trao tặng cuốn sách này cho bạn bè Nga. Lãnh đạo sứ quán và gia đình đều nhất trí, nhưng chỉ hiềm một nỗi về tuổi tác của bà.

Lẽ ra bà bay sang vào khoảng đầu tháng 9, một tuần trước khi diễn ra lễ trao tặng sách, để trong khoảng thời gian đó, chúng tôi có điều kiện bố trí đưa bà đi thăm quan thành phố và những danh lam, thắng cảnh. Nhưng rồi vì lý do sức khoẻ, bà chỉ sang được trước khi diễn ra lễ trao tặng cuốn sách tại Hội trường sứ quán một ngày.

Lễ Trao tặng sách dịch: Nhật ký Đặng Thùy Trâm


Lễ Trao tặng sách dịch: "Nhật ký Đặng Thùy Trâm"

Lo lắng cho chuyến bay suốt gần mười tiếng liên tục từ Hà Nội sang Matxcơva, theo dự tính, anh em Hội Dệt May sẽ có kế hoạch đưa bà lên khoang hạng nhất, nhưng khi bà vừa đến sân bay, biết bà là mẹ của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, mọi người đã tự nguyện lo cho bà và chị Đặng Kim Trâm lên khoang VIP. Biết tính bà khiêm nhường, cho là "phí phạm không cần thiết, ngồi khoang phổ thông cũng tốt rồi", nên mọi người phải thuyết phục bà, là bay đường dài, qua nhiều vùng thời tiết, ngày mai đã bắt đầu công việc, nên phải đảm bảo sức khoẻ..., mãi bà mới đồng ý.

Còn nhớ khi Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm được phong anh hùng, một số cán bộ có trách nhiệm đề nghị xây lại ngôi mộ của chị to hơn, trang trọng hơn để mọi người đến viếng, nhưng bà lập tức từ chối. Bà trả lời rằng, "con gái tôi cũng hy sinh như bao liệt sĩ khác, không có lý do gì mộ của nó lại to đẹp hơn". Vì thế, ngôi mộ của chị Đặng Thuỳ Trâm vẫn nằm bình dị bên hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ bình thường, nằm cách không xa ngôi mộ của tác giả quyển nhật ký nổi tiếng "Mãi mãi tuổi hai mươi" - Anh Nguyễn Văn Thạc - lúc nào cũng đầy ắp hoa tươi. Ai đến thăm mộ thân nhân cũng luôn nhớ mang hoa đặt cho chị Trâm, anh Thạc.

Các cán bộ từ Quảng Ngãi, Huế, Nghệ Tĩnh... ra Hà Nội họp, và những người ở Nga, Việt kiều ở khắp các châu lục về nước cũng dành thời gian đến thăm mộ chị.

Sau ngày kết thúc lễ trao tặng sách, chúng tôi sắp xếp thời gian đưa bà đi thăm thành phố Matxcơva. Biết được bà có mặt tại Matxcơva, bà con liên tục gọi điện thoại tới xin đón bà đến thăm nhà; một số hiệp hội người Việt tại Nga, các công ty tại Nga cũng đặt vấn đề mời bà giao lưu gặp gỡ. Nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là xin phép được chối từ phần vì lý do sức khoẻ, phần thì không thể nào xé lẻ thời gian để đến khắp lượt, được nơi này, thì khuyết nơi kia!

May mắn là trong khoảng thời gian bà ở Matxcơva, thời tiết đẹp chưa từng có. Trời vừa vào thu, nắng óng như màu mật, lá đã nhuốm vàng khắp những cánh rừng và không khí chỉ mới se se lạnh, cả thành phố như một vị vua vừa mới lên ngôi khoác hoàng bào! Bà cùng chúng tôi tranh thủ thăm quan, tận dụng những khoảnh khắc chuyển mùa của thiên nhiên, và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi dường như trong cuộc đời chỉ diễn ra có một lần.

Bà đi thăm Kremli, Quảng trường Đỏ, Công viên Chiến Thắng, Trường MGU, sông Matxcơva, Nhà thờ Chúa cứu thế. Các địa danh đó, trước đây bà đã đọc qua các tác phẩm lịch sử, trước khi qua Nga, bà đã tra cứu để tìm hiểu thêm và đối chiếu. Mấy vị hướng dẫn viên không chuyên, mắt tròn, mắt dẹt trước sự mẫn tiệp và thông thái của bà.

Ngạc nhiên nhất là khi đến thăm Xanh Peterburg, mọi người được nghe bà kể là, biết thế nào khi sang cũng được anh em đưa đi thăm Xanh Peterburg, nên bà đã dành cả tuần lễ để đọc lại tiểu thuyết lịch sử "Pie Đệ nhất" của Alekxây Tolxtoi, nên mọi nơi đi qua trong thành phố cổ kính này, bà biết tường tận các sự kiện liên quan đến nó! Chỉ trong vòng hai ngày, bà đã đến thăm hầu khắp các danh lam giống như thực hiện chương trình sắp xếp của một tour du lịch: Ermitaj, Kỵ sĩ đồng, Bảo tàng Hội họa Nga, Ba nhà thờ danh tiếng, Petergov, Puskino. Bà đi mọi nơi không chỉ như là một người ngoạn cảnh, mà luôn tìm hiểu, tra vấn không khác gì một học giả xã hội học.

Chúng tôi lo nhất là hôm đưa bà đi Tula thăm mộ Lev Tolxtoi ở Yaxnaia Poliana chỉ trước một ngày bà lên đường về nước. Ai cũng bảo chúng tôi liều, vì không lường được điều gì sẽ xảy ra khi một người gần tuổi cửu tuần trên cuộc hành trình bằng ô tô trong một ngày gần 500 km, rồi còn đi bộ tham quan, thăm viếng nữa.

Bà Doãn Ngọc Trâm tới thăm mộ đại văn hào Lev Tolxtoi


Bà Doãn Ngọc Trâm tới thăm mộ đại văn hào Lev Tolxtoi

Nhưng sự tự tin và mong muốn của bà làm chúng tôi mạnh dạn và yên tâm hơn, quyết lên đường giữa buổi sáng mưa thu lất phất lạnh và đường tắc thê thảm.

Hoá ra việc lo âu của chúng tôi hơi bị thừa. Trên suốt chuyến hành trình, ai nấy đều ngủ gà, ngủ gật, còn bà vẫn tỉnh táo hoàn toàn, vẫn say sưa ngắm phong cảnh thảo nguyên và rừng Nga đang nhuốm vàng như tranh vẽ, thỉnh thoảng lại đưa ra một ý kiến bình luận về các cung đường đã đi qua. Chúng tôi cùng bà đi dọc con đường quanh trang trại, đến thăm dinh thự Tolxtoi, thăm khu nhà dòng họ Volkonxki, thăm chuồng ngựa nơi ngày xưa nông nô Nga ở và đến thăm ngôi mộ bình dị, nơi yên nghỉ đời đời của cây đại thụ của khu rừng văn học Nga và nhân loại.

Bà đã đứng lặng rất lâu trước nấm cỏ nằm dưới hàng sồi ngả bóng chiều, hồi lâu không nói. Chúng tôi biết bà rất xúc động, bởi vì bà đã từng đọc "Chiến tranh và Hoà bình", "Anna Karenina", "Phục sinh", "Thi hài sống"... và bà đã từng xem không dưới một lần cuốn phim "Chiến tranh và Hoà bình" của Đạo diễn Nga lừng danh Xergây Bonđatruc.

Tính ra bà và chúng tôi đi vòng quanh trang trại mênh mông, ngắm cảnh, chụp ảnh chung với những khách quốc tế vãng lai, hết hơn bốn tiếng đồng hồ.

Những tưởng sẽ được lên xe về Matxcơva, nhưng một kế hoạch ngoài luồng bắt buộc chúng tôi phải phục tùng và thực hiện. Số là, Ban Giám đốc một xưởng may cách đó hơn hai chục cây số đã chờ đợi, chuẩn bị đón tiếp bà suốt cả buổi chiều. Mặc dù trời đã tối, nhưng không thể chối từ, chúng tôi lại cùng bà lên xe đến thăm xưởng may ở tận ngoài rìa thành phố. Cũng như khi bà đến thăm chợ Liublino, những cô công nhân đã từng đọc "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", đã từng xem bộ phim "Đừng đốt" lại được may mắn gặp thân mẫu của người anh hùng giữa đất khách quê người.

Bà như một nhà ngoại giao thực thụ, bà lắng nghe, bà trao đổi, bà nói chuyện với mọi người bằng sự từng trải, bằng sự uyên bác và bằng tình cảm đôn hậu của một nguời mẹ. Bà mong muốn các bậc con cháu làm ăn ổn định ở quê người, và cũng không quên nhắc Ban Giám đốc lo cho cuộc sống anh chị em công nhân, đừng để anh chị em thiệt thòi và khổ cực. Ai cũng hạnh phúc, ai cũng mãn nguyện và ai cũng tự hào và xúc động!

Chúng tôi dành buổi sáng cuối cùng trước khi bà lên đường, đưa bà đến thăm trường Địa chất Matxcơva, nơi đây, người con trai duy nhất của bà, người được giải nhất Olympic tiếng Nga, sinh năm 1989, đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Bà đến trước tượng đài người thợ mỏ, đến trước những hàng cây lưu niệm trồng trước cổng trường, bước dọc lối cỏ, mắt thẫn thờ ngấn lệ.

Một gia đình sống ở gần khu trường, tha thiết mời bà ghé thăm nhà, nhưng còn có một lý do khác là để cho hai đứa con của họ, được gọi là thần đồng toán học của người Việt ở Matxcơva, vốn rất hâm mộ Nguyễn Đặng Việt Anh, cháu ruột của bà, hiện là kỹ sư nổi tiếng của Tập đoàn Google sau khi tốt nghiệp cao học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, được gặp bà.

Bà nguôi ngoai khi hoà vào không khí thân mật của gia đình. Chỉ trong mấy phút, bà đã nhớ và gọi tên tất cả các cháu và mọi người có mặt trong nhà, làm cho ai nấy đều sững sờ, kinh ngạc.

Khi ô tô đã lăn bánh lên đường ra sân bay, hai lần Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga còn dặn đi, dặn lại chúng tôi: "Các anh cố gắng lo chu đáo cho bà. Tôi đã gọi sang bên Đại diện Vietnam Airlines rồi, mặc dù hạng nhất kín chỗ, nhưng họ hứa sẽ bố trí chỗ ngồi tốt cho bà".

Bà chia tay với nước Nga sau khi phát tặng cho bà con người Việt hơn hai trăm cuốn sách hồi ức về chị Đặng Thuỳ Trâm mà bà mang theo hành lý của mình, và trao tặng những người Nga quyển nhật ký được dịch ra tiếng Nga với tên: "Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh". Bà đã thay mặt chị đến với nước Nga, nơi mà tuổi thơ chị hằng mơ tưởng và yêu mến, nơi mà nền văn hoá cao vời vợi và thiên nhiên tuyệt đẹp đã nhen lên trong lòng chị tâm hồn cao đẹp và lòng khát khao phụng sự nhân dân và hy sinh cho đất nước.

Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)

Theo Quê hương