Có một trí tuệ Việt như thế

Dù mới chỉ có điều kiện trở về quê hai lần kể từ khi tới Mỹ định cư cách đây 40 năm, dù tất bật với công việc nghiên cứu khoa học nơi xứ người, dù ngôn ngữ mẹ đẻ đã phần nào bị mai một…, nhưng Giáo sư thiên văn học Lưu Lệ Hằng làm cho những người từng có dịp tiếp xúc với bà đều có chung một cảm nhận: Bà là người Việt Nam.

Có một trí tuệ Việt như thế - 1

GS. Lưu Lệ Hằng trò chuyện tại Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ngày 23/7.

Có lẽ, trước khi vị giáo sư gốc Việt được trao hai giải khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học của thế giới, nhiều người chưa từng được nghe đến Lưu Lệ Hằng - nữ giáo sư người Việt đang làm việc ở Viện Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ.

Điều đó thực ra khá dễ hiểu, bởi không giống như những ngành nghề khác, người làm khoa học nói chung thường ít được biết đến, cho đến khi những nghiên cứu, phát minh có tầm ảnh hưởng rộng lớn của họ được công bố. Giáo sư Lưu Lệ Hằng là một ví dụ: Khi quyết định dấn thân vào nghiên cứu thiên văn năm 1984, cô cử nhân Vật lý của Đại học Stanford lúc đó không hình dung được rằng, sau này, họ Lưu của mình sẽ được dùng để đặt tên cho một tiểu hành tinh thuộc vành đai Kuiper trong hệ Mặt trời. Bởi trong lĩnh vực khoa học, trước khi được cả thế giới biết đến, nhà khoa học đã trải qua hành trình dài, nhọc nhằn, miệt mài và lặng lẽ trước đó.

Năm 1984. trong một lần tham quan NASA - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, nữ cử nhân Vật lý Lưu Lệ Hằng nhìn thấy những hình ảnh về sao Mộc, sao Thổ do phi thuyền Voyager gửi về. Sau chuyến tham quan, chị quyết định theo học ngành Thiên văn. Năm 1986, Lưu Lệ Hằng làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), dưới sự hướng dẫn của GS. David C. Jewitt và có cơ hội được cùng ông nghiên cứu về các vật liệu di chuyển chậm bên ngoài hệ Mặt trời. Năm 1992, sau năm năm quan sát, họ khám phá ra vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái dương hệ.

Bẵng đi 20 năm, khi cô cử nhân Lưu Lệ Hằng ngày nào đã trở thành Giáo sư thì cả hai thầy trò được nhận được tin công trình khám phá ra vành đai Kuiper trong hệ Mặt trời của họ đoạt giải thưởng. "Tôi thật sự ngạc nhiên. Ban đầu, khi nhận email thông báo, tôi còn định xóa vì tưởng đó là thư rác" - Giáo sư Lưu Lệ Hằng chia sẻ.

Vừa qua, trong chuyến trở về Việt Nam để tham dự hội thảo Khoa học Quốc tế Vật lý Hè 2015 tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức, Giáo sư Lưu Lệ Hằng đã tham dự hàng loạt các sự kiện ý nghĩa khác. Nhân dịp này, nữ Giáo sư đã bày tỏ lòng tự hào của bà đối với quê hương, đất nước, con người cũng như trí tuệ Việt Nam. Bà cho rằng, với sự đầu tư cho giáo dục, với niềm đam mê và sự tự tin, người Việt Nam sẽ tiếp tục thành danh và tỏa sáng về khoa học trên thế giới.

Trong một buổi nói chuyện với những người yêu thích khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê thiên văn học, Giáo sư Lưu Lệ Hằng đã truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học đối với giới trẻ Việt Nam với chia sẻ: "Nghiên cứu khoa học không bao giờ là muộn. Tuy nhiên, ở bất cứ công việc gì, các bạn đều phải chăm chỉ, cần cố gắng hết sức và đôi khi một chút may mắn. Dám nghĩ, dám làm, các bạn còn thành công hơn Lưu Lệ Hằng hôm nay".

Giáo sư Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963, tại Sài Gòn. Bà đã có công lao lớn trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, đặc biệt là khám phá ra sự tồn tại của vành đai Kuiper - một phát minh làm thay đổi quan điểm khoa học trước đó về cấu tạo Thái Dương hệ và góp phần hoàn chỉnh dần học thuyết hình thành vũ trụ. Họ Lưu của bà còn được đặt tên cho tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.

Với những cống hiến to lớn của mình, Giáo sư Lưu Lệ Hằng đã được trao nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Thiên văn học thế giới, trong đó có Giải thưởng Annie J. Cannon (Hội Thiên văn Hoa Kỳ, năm 1991), Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli - những Giải thưởng được coi là "giải Nobel về thiên văn học".

Theo Liên Châu

Thế giới và Việt Nam

Có một trí tuệ Việt như thế - 2