Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội làm việc tại ĐH Đà Nẵng

(Dân trí) - Ngày 11/4, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội do ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học tại ĐH Đà Nẵng.

Trong chương trình làm việc tại ĐH Đà Nẵng, Đoàn công tác đồng thời tiếp nhận các nội dung được kiến nghị cần bổ sung, sửa đổi trong Luật Giáo dục đại học.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội làm việc tại ĐH Đà Nẵng
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội làm việc tại ĐH Đà Nẵng

Theo đó, phát biểu trước Đoàn công tác, GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - chia sẻ Luật Giáo dục đại học về cơ bản đã cho phép tháo gỡ nhiều vấn đề cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Trong đó, đáng quan tâm nhất là việc trao tự chủ cho các trường đại học, các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, quy định các mô hình giáo dục phi lợi nhận và giáo dục lợi nhuận… Qua đó, tạo cơ hội cho các trường nâng cao hiệu quả quản lý để xây dựng thương hiệu chất lượng, góp phần thay đổi bộ mặt chung của giáo dục đại học thời gian qua.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Nam, ở nước ta hiện nay, doanh nghiệp gần như không có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi thực tế chứng minh sự thịnh vượng của các quốc gia phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhờ vào việc đầu tư vào phát triển con người, đào tạo nhân lực; mà trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội có vai trò rất lớn. Vì vậy, Luật Giáo dục đại học nên có riêng một chương về doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Liên quan việc trao tự chủ cho các trường đại học, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng nêu vấn đề: Nếu các trường thành viên của ĐH vùng đều thực hiện quyền tự chủ thì vai trò của ĐH vùng lúc ấy sẽ như thế nào?

Theo GS.TS Trần Văn Nam thì một khi các trường ĐH thành viên thực hiện tự chủ thì ĐH Đà Nẵng cũng phải thực hiện tự chủ. Mô hình ĐH vùng lúc đó sẽ phải có những thay đổi. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng phải xác định là ĐH vùng tập trung làm chính sách, giám sát và quản lý chung, đừng để trở thành một cấp trung gian.

Đại diện trường thành viên ĐH Đà Nẵng tiên phong tự chủ đại học, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Đà Nẵng góp ý, trong tự chủ tài chính, cần phân biệt chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với những trường ĐH thực hiện tự chủ, phần chi thường xuyên sẽ do nhà trường đảm bảo. Song Nhà nước cũng cần đầu tư có trọng điểm, đầu tư lớn thì mới thúc đẩy được sự phát triển, tạo sự lớn mạnh của nhà trường. Trong đó, tập trung quan tâm đến hai đối tượng: nhân tài và sinh viên nghèo, đối tượng chính sách. Phần còn lại, người học phải tự lo, nếu cứ đầu tư dàn trải thì sẽ kéo chất lượng chung đi xuống.

Tiếp nhận các ý kiến từ buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhấn mạnh: “Tự chủ đại học, trước hết phải là vấn đề nhận thức. Chúng ta cứ nói đến tự chủ về cơ cấu tổ chức, nhân sự, học thuật tài chính nhưng đó chỉ là những điều kiện cho cái lớn hơn, đó chính là môi trường cho sự sáng tạo. Tự chủ đại học phải tạo được môi trường cho những người có trình độ phát huy được khả năng, sự sáng tạo của mình. Khi được đáp ứng các điều kiện để sáng tạo thì sẽ có sản phẩm giúp các trường tăng nguồn lực”.

Ông Phan Thanh Bình cũng nói: “Nhà nước sẽ vẫn có trách nhiệm đầu tư cho các ĐH trọng điểm dù các trường đó thực hiện tự chủ đại học. Mô hình ĐH vùng vẫn rất cần nếu đặt trong bối cạnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, hội nhập quốc tế hiện nay. Một trường thành viên thực hiện tự chủ đại học thì phải tính trong sự phát triển tổng thể chung của ĐH vùng”.

Tâm An