Dạy và học tiếng Anh hiệu quả trước xu thế đổi mới

Dạy và học tiếng Anh trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay còn gặp không ít khó khăn để đạt mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Tuy nhiên, những điểm sáng trong quản lý và giảng dạy đang tạo niềm tin cho công cuộc đổi mới.

1. Giáo viên cần học cách dạy và dạy cách học

Là người có hơn 15 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh, 3 năm phụ trách môn Ngoại ngữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 8 năm quản lý chuyên môn Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội), thầy Nguyễn Danh Chiến đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý và giảng dạy quý báu. Thầy Chiến cho rằng trong dạy học các môn văn hóa nói chung, môn tiếng Anh nói riêng, giáo viên cần phải luôn luôn làm mới mình, học cách dạy và dạy cách học.

Trước hết, cần nghiên cứu và thực hành những cách dạy tích cực để dần dần thay đổi thói quen cũ chưa hiệu quả. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần tác động đến tình cảm, động viên và khích lệ học sinh; quan tâm hướng dẫn học sinh từ cách đọc sách đến rèn luyện phương pháp tự học nhằm hình thành cho các em thói quen tốt hơn và phát huy tính tự giác, tích cực và sáng tạo.

Thầy Nguyễn Danh Chiến (bên trái) và cán bộ quản lý giáo dục ASEAN trao đổi phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong trường phổ thông tại Trung tâm SEAMEO INNOTECH, Philippines.
Thầy Nguyễn Danh Chiến (bên trái) và cán bộ quản lý giáo dục ASEAN trao đổi phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong trường phổ thông tại Trung tâm SEAMEO INNOTECH, Philippines.

Để đổi mới, giáo viên không thể không điều chỉnh cách dạy bằng việc chuyển từ giảng giải các hiện tượng ngôn ngữ sang tổ chức các hoạt động sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh). Các hoạt động giao tiếp, sản sinh ngôn ngữ dưới hình thức nói và viết cần được ưu tiên nhiều hơn. Hoạt động học tập theo cặp và nhóm phải đảm bảo yêu cầu, giúp học sinh học hỏi lẫn nhau, có cơ hội vận dụng kiến thức đã học, thực hành diễn đạt và rèn kỹ năng trình bày. Qua đây, các em không chỉ bộc lộ rõ năng lực, thể hiện rõ mức độ hợp tác mà còn phát triển những kỹ năng cần thiết khác phục vụ cuộc sống.

2. Đa dạng hóa các hình thức học tập

Nhiều thầy cô giáo cho rằng học sinh bị ám ảnh bởi việc học tập diễn ra thường xuyên trong 4 bức tường, cảm thấy buồn chán và uể oải. Học sinh thường thích những gì mới mẻ, thú vị, muốn thể hiện và khẳng định. Hiểu được điều này, người dạy có thể giao cho học sinh các dự án học tập, làm bản sơ đồ tư duy cho nội dung bài sau các buổi học, v.v. Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến mỗi giáo viên của thời đại mới không thể ngồi im mà phải có những ý tưởng mới. Không bỏ qua thuận lợi này, nhiều giáo viên đã hướng dẫn học sinh sử dụng các công cụ trực tuyến và mạng xã hội ở khía cạnh tích cực nhằm phục vụ học tập tốt hơn, đa dạng hơn.

Học sinh THPT tích cực làm và chia sẻ sản phẩm video giao tiếp sau giờ học.
Học sinh THPT tích cực làm và chia sẻ sản phẩm video giao tiếp sau giờ học.

Người học có thể lựa chọn không gian riêng ngoài lớp học, sau giờ học để tự quay video bài trình bày bằng điện thoại, đăng các bài viết, chia sẻ tài liệu, nhận xét lẫn nhau bất thời điểm nào thuận tiện. Những sản phẩm học tập ngày càng có chất lượng, thể hiện công sức, sự say mê và sáng tạo của học sinh. Giáo viên có thể đánh giá năng lực học sinh thông qua những gì các em làm được mà không chỉ dừng lại ở những gì các em hiểu hay thuộc lòng máy móc.

3. Không bỏ qua học sinh giỏi, không bỏ rơi học sinh yếu

Thực tế, trong cùng một lớp có nhiều đối tượng học sinh khác nhau thì năng lực của các em cũng khác nhau. Nếu giáo viên thiết kế hệ thống câu hỏi hay bài ôn thi với yêu cầu cao thì chỉ có các học sinh khá, giỏi mới đáp ứng, học sinh trung bình, yếu sẽ ngồi im lặng. Với những câu hỏi dễ, học sinh trung bình, yếu có thể trả lời nhưng học sinh khá giỏi sẽ chán nản. Giải quyết vấn đề này, nhiều trường THPT của Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện việc phân lớp ôn thi theo trình độ, ghép lớp theo năng lực. Qua đó, các tổ chuyên môn thiết hoạt động học tập và nội dung ôn thi tỉ mỉ, linh hoạt, áp dụng đa dạng phương pháp đối với từng nhóm đối tượng người học. Hiện nay có nhiều thầy-cô giáo nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ học sinh trong học tập, nhận đỡ đầu cho những học sinh học yếu. Sự chủ động của các nhà trường và sự tận tâm với nghề của đội ngũ giáo viên đã giúp những em học sinh giỏi không cảm thấy mình bị bỏ qua và học sinh yếu không còn bị bỏ rơi.

Rõ ràng cách suy nghĩ mới và trách nhiệm cao trong quản lý và giảng dạy tại mỗi ngôi trường đang từng bước nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Chúng ta tin tưởng những điểm sáng ngày càng lan tỏa, góp phần nâng cao kết quả học tập và kết quả thi.