Chuyện học ở “cổng trời” Ea Lang

(Dân trí) - Thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, Krông Bông (Đắc Lắc) nằm chênh vênh trên đỉnh Ea Lang - nơi người ta vẫn thường gọi là “cổng trời”. Hơn 1.000 đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào đây nhiều năm nay sống trong cảnh đói nghèo, khát khao con chữ.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột đi theo quốc lộ 27, đến tỉnh lộ 12 trên 100km mới đến trung tâm huyện Krông Bông. Từ đây để đến được thôn Ea Rớt phải đi khoảng 20 km đường đất độc đạo băng qua giữa rừng. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người dân địa phương lại gọi nơi đây là “cổng trời”, bởi muốn đến được thôn Ea Rớt phải vượt qua những đỉnh núi, đèo dốc xen giữa là những dòng suối được bắc qua bởi những cây cầu tạm, nhiều đoạn phải phải đi bộ mới qua được.
 
Chuyện học ở “cổng trời” Ea Lang - 1
Một góc nơi "cổng trời"...

Sau những trận mưa rào, con đường đến thôn Ea Rớt còn ngập ngụa bùn đất. Trên những sườn núi chênh vênh, những ngôi nhà tranh đơn sơ nằm rải rác lọt thỏm giữa những bụi lồ ô và cây gỗ tạp dần hiện ra trước mắt. Đây đó trên những con đường đất nhỏ, những đứa trẻ với mái tóc vàng hoe đang ngồi bốc đất chơi.

Được biết nơi đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì… Từ đầu những năm 1990, bà con các dân tộc bắt đầu di cư đến đây làm ăn sinh sống. Thôn Ea Rớt được chính thức thành lập từ năm 2001, đến nay cả thôn có 240 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu.

Thôn Ea Rớt là thôn xa nhất của xã Cư Pui, nơi đây cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, điện, đường, trường, trạm hầu như chưa có gì. Những sản phẩm từ cà phê, sắn của bà con làm ra cũng chẳng bán được.
 
Chuyện học ở “cổng trời” Ea Lang - 2
Điều kiện học tập của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn.
 
Toàn thôn Ea Rớt hiện có khoảng 500 em nhỏ trong độ tuổi đến trường nhưng chỉ có khoảng 1/3 trong số đó học hết lớp 5. Phân hiệu của Trường tiểu học Cư Pui 2 đóng tại thôn có 7 lớp, hơn 150 học sinh nhưng chỉ có 3 phòng học tạm nên phải học hai ca.

Những căn phòng học ở đây được dựng bằng gỗ, lợp mái tôn đơn sơ, xung quanh không che chắn thứ gì và chỉ có mươi bộ bàn ghế tạm bợ. Vào mùa mưa, nước tạt vào phòng khiến cô trò đành phải nghỉ học.

Địa hình chủ yếu là đồi dốc cheo leo, nhiều em nhà ở cách trường 6 - 7 km phải đi bộ đến trường, những hôm trời mưa nước suối dâng cao, đường ngập bùn nên các em không thể đến lớp.

Đời sống giáo viên nơi đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, do địa hình đồi dốc, đi lại rất khó khăn lại cách xa trung tâm xã, muốn đi chợ thì phải mất đến cả ngày trời nên chỉ còn cách là trữ thức ăn cho cả tuần. Điều kiện công tác quá chật vật, phải mất một thời gian dài nhiều giáo viên mới quen với sự thiếu thốn.

Cô Thủy tâm sự: “Dù công tác xa nhà, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng có lên đây mới thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của người dân và sự thiếu thốn của các cháu nhỏ nơi đây. Nhiều lúc cũng buồn nhưng thương lũ trẻ nên các thầy cô giáo tự động viên nhau dạy tốt mong bù đắp phần nào những thiệt thòi cho các em học sinh”.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, cả thôn Ea Rớt chỉ có 8 học sinh học đến cấp 2, một vài em học hết cấp 3. Muốn học cấp 2, các em phải ra trung tâm xã ở trọ. Nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều em không có điều kiện theo học. Con chữ vẫn là niềm khát khao cháy bỏng của nhiều em nhỏ nơi đây.

Ông Nguyễn văn Tâm, chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết: “Mong muốn lớn nhất của người dân thôn Ea Rớt là có điện lưới quốc gia, một con đường và ngôi trường kiên cố để người dân đỡ khổ, các em nhỏ đi học thuận lợi. Xã đã xin huyện, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn này và hi vọng thời gian tới mong muốn này sớm được thực hiện”.

Anh Sơn - Qùy Hợp