Xét nghiệm mắt có thể phát hiện dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ

(Dân trí) - Một nghiên cứu do ĐH California (UCL) dẫn đầu đã kết luận võng mạc trong mắt mỏng hơn là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy giảm nhận thức trong tương lai.

Xét nghiệm mắt có thể phát hiện dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ - 1

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nhãn khoa và bệnh viện Mắt Moorfields – UCL cho biết nghiên cứu đột phá này chỉ ra rằng các xét nghiệm mắt thông thường có thể xác định được nguy cơ sa sút trí tuệ sớm hơn, điều này có nghĩa các phương pháp điều trị thích hợp sẽ được chỉ định giúp ngăn ngừa hiệu quả hơn sự khởi phát bệnh trong giai đoạn sớm.

Nghiên cứu bao gồm 32.038 người ở độ tuổi từ 40 tới 69. Những người tham gia đã được chụp cắt lớp quang học (OCT) - được sử dụng để đo võng mạc đặc biệt là lớp sợi thần kinh võng mạc (RNFL) - và các nhà nghiên cứu thấy rằng những người có RNFL mỏng nhất có nhiều khả năng thất bại hơn trong các bài kiểm tra nhận thức cơ bản về trí nhớ, thời gian phản ứng và lý luận.

Các xét nghiệm OCT và nhận thức được lặp lại ba năm sau đó và cho thấy những người có RNFL mỏng hơn có khả năng bị suy giảm nhận thức cao hơn gấp đôi.

Nghiên cứu được công bố trong JAMA Neurology kết luận: “RNFL mỏng hơn có liên quan đến chức năng nhận thức kém hơn ở những người không bị bệnh thoái hóa thần kinh cũng như khả năng suy giảm nhận thức lớn hơn trong tương lai”.

Đồng tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Paul Foster thuộc Viện nhãn khoa UCL, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên xác định RNFL mỏng liên quan tới nguy cơ suy giảm nhận thức trong tương lai.

"Nó cũng cho thấy là có sự thoái hóa đáng kể trong võng mạc và dây thần kinh thị giác khi sa sút trí tuệ xuất hiện" ông nói.

“Trong khi thực hiện nghiên cứu này, mục tiêu chính của chúng tôi là xác định xem mối quan hệ RNFL và nhận thức có đúng trong giai đoạn sớm nhất của suy giảm nhận thức hay không ?”.

Từ năm 2002 đến năm 2012, 99% các thử nghiệm lâm sàng trong điều trị bệnh Alzheimer thất bại.

Viện Nhãn khoa UCL hiện sẽ nghiên cứu mối liên quan giữa tất cả các lớp võng mạc, và chức năng nhận thức, và xem liệu các đặc điểm về mắt hoặc thị lực khác có thể có mối liên quan tương tự với suy giảm nhận thức hay không.

Giáo sư Foster nói thêm: “Chúng tôi tin rằng các biện pháp chụp cắt lớp kết hợp quang học võng mạc sẽ giúp xác định những người có nguy cơ cao nhất bị thay đổi nhận thức từ rất sớm. Điều này sẽ giúp cho việc phát triển các thử nghiệm lâm sàng tốt hơn và dẫn tới các phương pháp điều trị mới nhanh hơn cho bệnh nhân”.

Tiến sĩ Laura Phipps từ Nghiên cứu Alzheimer, Anh cho biết: "Với việc các phương pháp điều trị trong tương lai cho bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác có thể có hiệu quả nhất khi được đưa ra sớm trong quá trình bệnh, nghiên cứu về các dấu hiệu sớm và không xâm lấn của bệnh là rất quan trọng.

"Trong khi chẩn đoán chứng mất trí sẽ luôn dựa vào kết quả từ một số xét nghiệm khác nhau, các nghiên cứu sâu hơn nên tìm hiểu cách OCT xác định những người có nguy cơ suy giảm nhận thức cao nhất trong dân số chung”.

Nguyễn Hà

Theo Homecare