Việt Nam đón mưa sao băng đẹp nhất năm, bắt nguồn từ sao Chổi tuyệt chủng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Geminids là một trong hai trận mưa sao băng đẹp nhất năm, nó sẽ diễn ra vào đêm 13, rạng sáng 14/12 tới đây. Người dân Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt đẹp này.

Việt Nam đón mưa sao băng đẹp nhất năm, bắt nguồn từ sao Chổi tuyệt chủng - 1

Mưa sao băng Geminids là một trong hai trận mưa sao băng đẹp nhất năm (Ảnh minh họa: Royal Museums Greenwich).

Theo Earth Sky, mưa sao băng Geminids (Song Tử) diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 24/12 và đạt đỉnh vào đêm 13, rạng sáng 14/12. Hiện tượng trăng lưỡi liềm non xuất hiện thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến việc quan sát mưa Geminids trong năm 2023.

Thời gian diễn ra đỉnh điểm, mưa sao băng Song Tử có thể giải phóng 120 vệt mỗi giờ, hứa hẹn nó để lại nhiều khoảnh khắc tuyệt đẹp cho người xem. 

Những trận mưa sao Geminids thường có màu sắc đậm, trắng và sáng, mang đến cho chúng ta một trong những trận mưa rào đẹp nhất ở Bắc bán cầu, đặc biệt là vào những ngày không có trăng. Chúng cũng có thể nhìn thấy được ở khu vực Nam bán cầu nhưng với tỷ lệ thấp hơn.

Việt Nam có thể quan sát mưa sao băng Geminids?

Theo các nhà khoa học, việc quan sát mưa sao băng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, đặc biệt chúng ta có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng vào những đêm trời không mưa và quang mây.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ vào đêm 13/12, thời tiết đã giảm mưa, tuy nhiên trời vẫn nhiều mây và sương mù. Chính vì thế, cơ hội để chúng ta quan sát mưa sao băng Geminid không thuận lợi.

Khu vực Thủ đô Hà Nội, đêm 13/12 trời lạnh, không mưa nhưng trời nhiều mây nên việc quan sát sẽ gặp nhiều khó khăn. Miền Trung và Nam Trung Bộ trời ít mây, không mưa, có thể quan sát được mưa sao băng thuận lợi.

Tây Nguyên và Nam Bộ đã bước vào mùa khô, mang lại điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho việc quan sát và chiêm ngưỡng một trong hai trận sao băng đẹp nhất năm.

Người dân không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào để xem mưa sao băng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này bằng mắt thường trong điều kiện thời tiết tốt như bầu trời quang đãng, không mưa vào thời gian nó xuất hiện.

Bên cạnh đó, người xem cũng nên tìm một địa điểm cách xa ánh đèn từ thành phố, hay khu vực cao và ngước mắt nhìn lên bầu trời trước 20 phút để mắt thích nghi với bóng tối.

Sao chổi mẹ trong trận mưa sao băng Geminid

Một tiểu hành tinh có tên 3200 Phaethon là nguyên nhân gây ra mưa sao băng Geminid. Điều này khiến nó khác với hầu hết các trận mưa sao băng, được hình thành từ sao Chổi chứ không phải tiểu hành tinh. 

Sự khác biệt giữa sao Chổi và tiểu hành tinh là gì?

Sao Chổi là quả cầu tuyết với nhân rắn được bao phủ bởi một lớp băng và sẽ thăng hoa (chuyển từ thể rắn sang thể khí), khi nó đến gần Mặt Trời.

Sao Chổi thường nhẹ, có mật độ nặng hơn nước. Chúng quay quanh Mặt Trời theo những quỹ đạo dài, đi gần Mặt Trời, rồi đi xa nó. 

Nhìn qua kính viễn vọng, sao Chổi có hình dạng như một mảng ánh sáng mờ ảo xung quanh hạt nhân, khi nó đến gần Mặt Trời. Nhưng khi nó đi xa quả cầu lửa, hầu hết các sao Chổi đều trông giống như một ngôi sao, bởi vì nó chỉ có hạt nhân.

Tiểu hành tinh là một tảng đá, quỹ đạo của nó có hình tròn hơn quỹ đạo của sao Chổi. Qua kính viễn vọng, một tiểu hành tinh trông giống như một ngôi sao.

Những định nghĩa này vẫn được khoa học công nhận vài thập kỷ trước. Song thời điểm các nhà thiên văn học sử dụng các kính thiên văn lớn trên thế giới để khám phá các tiểu hành tinh ở xa Mặt Trời và gần Mặt Trời đã thay đổi định nghĩa về hai vật thể này. 

Quan sát cho thấy, các tiểu hành tinh phát triển các vệt sáng mờ ảo và đuôi, chính vì thế các nhà khoa học đã gọi chúng từ tiểu hành tinh thành sao Chổi. 

Ví dụ, một vật thể kỳ lạ tên là Chiron, được coi là một tiểu hành tinh khi phát hiện vào năm 1977, song nó đã được phân loại lại thành sao Chổi vào năm 1989 khi nó có sự xuất hiện các vệt sáng mờ ảo. 

Chiron có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời cứ sau 50 năm và di chuyển ngay bên trong quỹ đạo của Sao Thổ đến quỹ đạo của Sao Thiên Vương.

Vì vậy, một vật thể ban đầu được coi là tiểu hành tinh có thể được phân loại lại thành sao Chổi và ngược lại, sao Chổi cũng có thể phân loại thành tiểu hành tinh.

Theo các nhà khoa học, sao Chổi có thể ngừng hoạt động khi các vật chất dễ bay hơi của nó bị mắc kẹt bên dưới bề mặt hạt nhân. Đây được gọi là sao Chổi không hoạt động.

Khi sao Chổi mất đi toàn bộ vật liệu dễ bay hơi, nó được gọi là sao Chổi đã tuyệt chủng. Tiểu hành tinh 3200 Phaethon dường như là một ví dụ điển hình về sao chổi không hoạt động hoặc đã tuyệt chủng.