Vắcxin ung thư loại bỏ khối u ở chuột

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Y, Đại học Stanford, tiêm trực tiếp một lượng nhỏ hai chất kích thích miễn dịch vào khối u rắn ở chuột có thể loại bỏ mọi dấu vết của căn ung thư ở loài vật này như các khối u di căn xa, chưa được điều trị. Phương pháp mới có hiệu quả cho nhiều loại bệnh ung thư trong đó có cả ung thư tự phát.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc tiêm cục bộ một lượng rất nhỏ những hoạt chất này có thể được xem là liệu pháp điều trị ung thư với tốc độ nhanh và chi phí tương đối thấp, mà không gây ra các phản ứng phụ bất lợi thường thấy khi kích thích hệ miễn dịch của cơ thể.

Ronald Levy, giáo sư ung thư và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Khi chúng tôi sử dụng hai hoạt chất này, chúng tôi nhận thấy tất cả các khối u trên cơ thể được loại bỏ. Phương pháp này không cần xác định những mục tiêu miễn dịch đặc trưng cho khối u và không cần kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch hoặc điều chỉnh các tế bào miễn dịch của bệnh nhân". Trong số hai hoạt chất đó, một hoạt chất hiện đã được phê chuẩn sử dụng trên người; hoạt chất còn lại đã được thử nghiệm cho người trong một số thử nghiệm lâm sàng.

“Hiệu quả tuyệt vời trên toàn bộ cơ thể”


Ronald Levy (trái) và Idit Sagiv-Barfi đã phát triển công việc điều trị ung thư liên quan đến việc tiêm hai chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào các khối u rắn.

Ronald Levy (trái) và Idit Sagiv-Barfi đã phát triển công việc điều trị ung thư liên quan đến việc tiêm hai chất kích thích miễn dịch trực tiếp vào các khối u rắn.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển được rituximab, một trong những kháng thể đơn dòng đầu tiên được phê chuẩn sử dụng như một liệu pháp chống ung thư ở người. Một số liệu pháp miễn dịch phụ thuộc vào việc kích thích hệ miễn dịch của toàn bộ cơ thể. Các liệu pháp khác nhằm vào những vị trí xuất hiện tự nhiên hạn chế hoạt động chống ung thư của tế bào miễn dịch.

Tuy nhiên, các liệu pháp khác giống như liệu pháp tế bào T CAR mới đã được chứng minh có khả năng điều trị một số loại ung thư như ung thư bạch cầu và u lympho, đòi hỏi phải loại bỏ các tế bào miễn dịch của bệnh nhân khỏi cơ thể và thực hiện biến đổi di truyền để tấn công các tế bào ung thư. Nhiều liệu pháp đã thành công, nhưng mỗi liệu pháp lại có hạn chế riêng như khó xử lý tác dụng phụ đến chi phí tốn kém và thời gian chuẩn bị mẫu hoặc điều trị dài.

GS. Levy cho biết: "Tất cả những tiến bộ của liệu pháp miễn dịch này đang làm thay đổi ngành y. Phương pháp của chúng tôi chỉ sử dụng một lần hai hoạt chất với số lượng rất nhỏ để kích thích các tế bào miễn dịch trong khối u. Ở chuột, chúng tôi đã nhận thấy các hiệu ứng tuyệt vời trên toàn bộ cơ thể chuột, đó là sự biến mất của các khối u”.

Tế bào miễn dịch như tế bào T nhận diện các protein bất thường thường xuất hiện trên các tế bào ung thư và xâm nhập để tấn công khối u. Tuy nhiên, khối u khi phát triển, thường tìm cách để ngăn chặn hoạt động của tế bào T.

Liệu pháp mới hoạt động để tái kích hoạt các tế bào T đặc trưng cho ung thư bằng cách tiêm trực tiếp hai hoạt chất với liều lượng 1 microgram vào khối u. Một hoạt chất là đoạn ADN ngắn được gọi là oligonucleotide CpG, hoạt động cùng với các tế bào miễn dịch lân cận khác để khuếch đại biểu hiện của thụ thể kích hoạt OX40 trên bề mặt tế bào T. Hoạt chất còn lại là kháng thể liên kết với OX40, kích hoạt các tế bào T tấn công tế bào ung thư. Vì hai hoạt chất được bơm trực tiếp vào khối u, nên chỉ có các tế bào T xâm nhập vào khối u mới được kích hoạt. Trên thực tế, các tế bào T này được "sàng lọc sơ" bởi cơ thể để chỉ nhận diện các protein đặc trưng cho ung thư.

Hoạt chất tiêu diệt tế bào ung thư

Sau đó, một số tế bào T đặc trưng cho khối u rời khỏi khối u ban đầu để đi tìm kiếm và phá hủy các khối u khác tương tự bên trong cơ thể. Liệu pháp mới phát huy hiệu quả trên chuột được cấy ghép u lympo ở hai vị trí trong cơ thể. Tiêm hai hoạt chất vào một vị trí khối u đã loại bỏ không chỉ khối u được điều trị mà cả khối u ở vị trí ngoài mục tiêu.

Kết quả là 87 trong số 90 con chuột trong thí nghiệm đã được chữa khỏi khỏi ung thư. Dù ung thư tái phát ở 3 con chuột, nhưng khối u một lần nữa lại bị loại bỏ sau khi điều trị lần hai. Thí nghiệm trên chuột mắc ung thư vú, đại tràng và u hắc tố cũng cho kết quả tương tự.

Thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện trên khoảng 15 bệnh nhân u lympho cấp thấp. Nếu thành công, liệu pháp sẽ có ích cho nhiều loại khối u. Theo kế hoạch, các bác sỹ sẽ tiêm hai hoạt chất vào trong khối u rắn ở người trước khi thực hiện phẫu thuật để ngăn chặn tình trạng tái phát do di căn không xác định hoặc tế bào ung thư còn sót lại hoặc thậm chí là để ngăn chặn sự xuất hiện của các khối u trong tương lai do đột biến gen như gen BRCA1 và BRCA2.

N.P.D-NASATI (Theo Science Daily)