Trung Quốc ra mắt trạm vũ trụ thử nghiệm Thiên cung 2

(Dân trí) - Theo tin tức ngày 15/9 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Jiuquan , trạm vũ trụ thử nghiệm (Tiangong 2) Thiên cung 2 của Trung Quốc dành cho các phi hành gia sẽ được phóng vào không gian trên đỉnh của một quả tên lửa Long March 2F .

Ảnh: China Manned Space Program
Ảnh: China Manned Space Program

Trung Quốc đã khởi động phòng thí nghiệm không gian thứ 2 của họ, đây là một phần quan trọng trong kế hoạch của quốc gia này để phóng và duy trì hoạt động của một trạm vũ trụ có người điều khiển vào đầu những năm 2020.

Tàu vũ trụ không người lái Tiangong 2 đã cất cánh trên một chiếc tên lửa Long March -2F T2 để lên quỹ đạo ngày 15/9 từ Trung tâm phóng vệ tinh ở sa mạc Gobi phía bắc Trung Quốc lúc 14h04’ giờ GMT (10h04’ giờ địa phương).

Theo thông tin từ Tân Hoa xã, nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu Tiangong 2 – tên theo tiếng địa phương là Thiên Cung 2 – nặng 8,6 tấn này trước hết sẽ đi vào quỹ đạo ở vị trí cách bề mặt Trái Đất 380km, và sẽ thực hiện một loạt các cuộc kiểm tra ban đầu.

Sau đó, trạm thí nghiệm vũ trụ này sẽ leo lên đến độ cao 393km – cùng một độ cao mà trạm vũ trụ tương lai của Trung Quốc sẽ hoạt động – và chờ đợi từ giữa đến cuối tháng 10, hai phi hành gia Trung Quốc sẽ lên đây bằng tàu Shenzhou – 11.

Trạm thí nghiệm vũ trụ Tiangong 2 của Trung Quốc nhìn từ phía trước. Thiên Cung 2 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 15/9 và sẽ đón nhận hai phi hành gia trong 30 ngày theo kế hoạch về nhiệm vụ Thần Châu 11.
Trạm thí nghiệm vũ trụ Tiangong 2 của Trung Quốc nhìn từ phía trước. Thiên Cung 2 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 15/9 và sẽ đón nhận hai phi hành gia trong 30 ngày theo kế hoạch về nhiệm vụ Thần Châu 11.

Các phi hành gia hiện vẫn chưa được công khai danh tính, sẽ ở lại trên Thiên Cung 2 trong 30 ngày và tiến hành một loạt các thí nghiệm về sinh học, vật lý và y học không gian.

Vào tháng 4/2017, tàu chở hàng đầu tiên của Trung Quốc – Tianzhou 1 sẽ cập cảng Tiangong 2 để cung cấp nhiên liệu và các vật tư khác cho trạm thí nghiệm vũ trụ này.

Có chiều dài 10,4m, Tiangong 2 trông rất giống với trạm thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc – Tiangong 1 – trạm này đã được phóng vào 9/2011. Các phi hành gia của Trung Quốc đã tới Tiangong 1 trong hai dịp khác nhau, ở trên đó khoảng 8 ngày trong tháng 6/2012 và 12 ngày trong tháng 6/2013.

Các quan chức của Trung Quốc cho biết, Tiangong 1 đã kết thúc cuộc đời hoạt động của mình vào tháng 3 năm nay và có nhiều khả năng sẽ rơi trở lại Trái đất trong nửa sau của năm 2017. Vai trò chủ yếu của Tiangong 1 là để chứng minh công nghệ ghép nối trên vũ trụ của Trung Quốc. Tiangong 1 đã thực hiện ghép nối với 3 phi thuyền viếng thăm.

Các tính năng của Tiangong 2 đã được cải thiện về khu vực sinh hoạt và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho cuộc sống, nhằm tạo điều kiện ở lại lâu hơn cho các thành viên phi hành đoàn.

Theo Tân Hoa xã đưa tin, Wu Ping - phó giám đốc văn phòng kỹ thuật không gian có người lái của Trung Quốc đã phát biểu trong một cuộc họp trước khi cuộc phóng tàu diễn ra: “Sự ra mắt của Tiangong 2 sẽ đặt một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và hoạt động của một trạm vũ trụ hoạt động lâu dài trong tương lai”. Bà nói thêm “Chương trình bay vào vũ trụ có sự tham gia của con người của Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới về mặt ứng dụng và phát triển”

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ 54 tấn vào năm 2022 hoặc gần thời điểm đó. Để so sánh, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có các nhóm phi hành gia thay phiên liên tục từ tháng 11/2000 và nặng khoảng 400 tấn. (Trung Quốc không phải là thành viên của tập đoàn quốc tế tham gia vào hoạt động của trạm ISS)

Trung Quốc đã thực hiện sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên vào năm 2003, trở thành nước thứ 3 sau Nga và Mỹ, và kể từ đó đã tổ chức một chuyến đi bộ ngoài không gian và hạ cánh tàu thăm dò Yutu lên mặt trăng. Cơ quan điều hành đã đề xuất về một cuộc hạ cánh có người lái lên mặt trăng trong tương lai của chương trình này.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ hạ cánh một tàu thăm dò xuống sao Hỏa vào năm 2020 trong một nỗ lực để tái tạo lại thành công của sứ mệnh Viking1 của Mỹ khi họ đã hạ cánh một tàu thăm dò trên hành tinh này từ 4 thập kỷ trước.

Anh Thư (Theo Space)