Tối nay xuất hiện mưa sao băng Quadrantid

(Dân trí) - Quadrantid là một trân mưa sao băng nhỏ, hàng năm kéo dài từ cuối tháng 12 đến tuần thứ 2 của tháng Một. Trong năm 2017, Quadrantid đạt đỉnh điểm vào đêm 3 – 4/1. Người dân ở Hà Nội có thể tiếp tục quan sát mưa sao băng Quadrantid trong đêm ngày 4 rạng ngày 5/1 trong khoảng thời gian từ 1h sáng đến 6h.

Không giống với những cơn mưa sao băng khác - thường có đỉnh điểm kéo dài trong khoảng hai ngày, đỉnh điểm của mưa sao băng Quadrantid chỉ kéo dài trong vài giờ và không dự đoán chính xác được thời điểm xảy ra.

Tối nay xuất hiện mưa sao băng Quadrantid - 1

Các chuyên gia về sao băng cho biết, địa điểm tốt nhất để quan sát mưa sao băng Quadrantid là vùng miền tây xa xôi của Bắc Mỹ. Đỉnh điểm của trận mưa sao băng này chỉ kéo dài trong vòng 6 tiếng đồng hồ.

Mưa sao băng Quadrantid không nổi tiếng như các trận mưa sao băng khác, chẳng hạn như Geminids và Orionids, bởi vì cơn mưa này mờ nhạt và dễ bị bỏ lỡ hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn tạo ra những quả cầu lửa với chiếc đuôi khổng lồ và phát sáng làm nổi bật đường đi của các hạt mưa trên bầu trời.

Để tìm được góc quan sát rực rỡ nhất của mưa sao băng Quadrantid, bạn hãy tìm chòm sao Bootes. Cách đơn giản nhất để tìm chòm sao này là tìm chòm sao Bắc Đẩu (Big Dipper) ở phía bắc, sau đó theo hình “vòng cung” ở phần tay cầm của chòm sao Bắc Đẩu để tìm sang ngôi sao khổng lồ đỏ Arcturus – nằm ở dưới cùng của chòm sao Bootes.


Mưa sao băng Quadrantid đến từ đâu

Mưa sao băng Quadrantid đến từ đâu

Chuyên gia về sao băng của NASA, ông Bill Cooke cho rằng Quadrantid được cho là có liên quan tới tiểu hành tinh 2003 EH1 – đây có khả năng là một ngôi sao chổi đã tuyệt chủng từ vài thế kỷ trước. “Đó có thể là một mảnh hoặc chính là một ngôi sao chổi đã bị tuyệt chủng”, có nghĩa là tất cả băng và các chất dễ bay hơi trên ngôi sao chổi đó đã bốc hơi hết.

Khi những mảnh vỡ và bụi vũ trụ này cháy trong bầu khí quyển của Trái đất, chúng tạo thành màn mưa sao băng ngoạn mục, lên đến 100 vệt mỗi giờ.

Sau hàng trăm năm quay quanh mặt trời, chúng sẽ lao vào bầu khí quyển của chúng ta với tốc độ 144.800 km/h và bốc cháy ở 80km phía trên bề mặt Trái đất.

Tên gọi Quadrantid được lấy từ tên của chòm sao Quadrans Muralis – chòm sao hiện nay không còn tồn tại.

Nhà thiên văn người Pháp Jerome Lalande đã quan sát được chòm sao Quadrans Muralis năm 1795, nó nằm giữa chòm sao Ngưu Lang và Thiên Long. Mưa sao băng Quadranid chính thức được đặt tên năm 1839 theo tên của chòm sao mà nó xuất phát. Mặc dù hiện nay, Hiệp hội thiên văn quốc tế đã lập một danh sách chính thức gồm có 88 chòm sao hiện đại và Quadrans Muralis không có tên trong danh sách này, nhưng mưa sao băng Quadrantid vẫn được giữ nguyên tên gọi này.

Anh Thư (Tổng hợp)