Tìm thấy bằng chứng lâu đời nhất của tơ tằm trong một khu mộ 8.500 tuổi

(Dân trí) - Bằng chứng lâu đời nhất về tơ tằm được làm bởi sâu tằm đã được tìm thấy khi bị chôn trong một khu mộ 8.500 ở Trung Quốc. Tiết lộ này cho thấy con người đã sử dụng loại vật liệu xa hoa này sớm hơn hàng ngàn năm so với các suy đoán trước đây.

Dư chất protein tơ tằm được tìm thấy trong các ngôi mộ ở Jiahu, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Dư chất protein tơ tằm được tìm thấy trong các ngôi mộ ở Jiahu, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Các tác giả đã phát hiện dấu vết của tơ tằm trong 3 ngôi mộ thuộc thời kỳ đồ đá mới, sớm hơn 3.500 so với các bằng chứng trước đó
Các tác giả đã phát hiện dấu vết của tơ tằm trong 3 ngôi mộ thuộc thời kỳ đồ đá mới, sớm hơn 3.500 so với các bằng chứng trước đó

Tơ lụa là một loại hàng hóa sang trọng quý hiếm trong thế giới cổ đại. Danh tiếng của sản phẩm này đã được sử dụng để đặt tên cho tuyến đường thương mại nối liền phương Đông với phương Tây, từ Trung Quốc tới Rome.

Bí quyết chế tạo tơ lụa cũng được phát hiện đầu tiên ở Trung Hoa. Theo truyền thuyết của đất nước này, sau khi một cái kén rơi vào chén trà của vợ Hiên Viên Hoàng Đế, bà đã thấy rằng cái kén đó có thể gỡ ra thành sợi dài khoảng 1km.

Để hiểu thêm về nguồn gốc của tơ lụa, các nhà khoa học đã nghiên cứu di tích có niên đại 9.000 năm ở Giả Hồ, Hà Nam, Trung Quốc.

Nằm ở trung tâm tỉnh Hà Nam, Giả Hồ là một trong những di tích quan trọng nhất của thời đại Đồ đá mới ở miền trung Trung Quốc.

Trước đó tại khu vực này, các nhà khoa học đã khai quật được sáo làm bằng xương – được biết đến là loại nhạc cụ có thể chơi được sớm nhất trên Trái đất.

Đồng tác giả của nghiên cứu này, ông Decai Gong – một nhà khảo cổ học công tác tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì, cho biết các câu chuyện xưa đều cho rằng kỹ thuật nuôi tằm và dệt lụa được bắt đầu ở xung quanh khu vực này. Ngoài ra, các công trình trước đó ở Giả Hồ cũng cho thấy rằng khí hậu ấm áp và ẩm ướt của khu vực này rất thích hợp để trồng cây dâu tằm – cây có lá là loại thức ăn duy nhất của sâu tằm.

Bản thân tơ lụa rất hiếm khi được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ, vì nó rất dễ bị phá hủy.

Các nhà khoa học đã thu thập các mẫu đất từ 3 ngôi mộ ở Giả Hồ. Các phân tích hóa học cho thấy bằng chứng về protein của tơ tằm ở 2 trong 3 ngôi mộ này, một trong số đó có niên đại 8.500 năm. Ông Gong cho biết “đây là bằng chứng sớm nhất về tơ lụa của Trung Quốc cổ đại. Trước đó, các bằng chứng lâu đời nhất về tơ lụa có niên đại khoảng 5.000 năm”.

Tìm thấy bằng chứng lâu đời nhất của tơ tằm trong một khu mộ 8.500 tuổi - 3

Mặc dù rất khó để có thể tìm hiểu chính xác tơ lụa đã được sử dụng như thế nào ở khu vực này, các nhà nghiên cứu cho rằng những người này có lẽ đã được mặc bộ đồ bằng lụa khi chôn cất. Các bằng chứng khác ủng hộ cho quan điểm này là các cây kim bằng xương và dụng cụ dệt được tìm thấy tại khu vực này, những đồ dùng này cho thấy “người dân ở Giả Hồ đã sở hữu những kỹ năng dệt và may cơ bản. Và có khả năng là tơ này đã được dệt thành vải”.

Trong những nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tìm kiếm những dấu hiệu khác của tơ tại khu vực này và các vùng khác. Phát hiện này của ông Gong và đồng nghiệp được đăng tải chi tiết trên tạp chí PLOS ONE hồi tháng 12 vừa rồi.

Anh Thư (Tổng hợp)