Thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến gấu hoang ít ngủ đông và già đi

(Dân trí) - Động vật hoang dã có nguy cơ tăng tốc lão hóa tế bào khi ăn đồ thừa con người bỏ lại.

Thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến gấu hoang ít ngủ đông và già đi

Một con gấu đang lục lọi đồ ăn thừa từ bãi rác. Ảnh: J.Bicking / Shutterstock.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 30 con gấu đen và nhận thấy, chúng càng ăn nhiều thực phẩm chứa đường được chế biến sẵn, thì thời gian ngủ đông càng ngắn đi. Hơn nữa, những con gấu ít ngủ đông có kết quả kém khi được kiểm tra lão hóa ở cấp tế bào, theo kết luận của nhà sinh thái động vật học Rebecca Kirby cùng nhóm nghiên cứu trên tạp chí trực tuyến Scientific Reports ngày 21 tháng 2.

Nghiên cứu mới phát triển từ một dự án trước đó để tìm hiểu về thức ăn của loài gấu đen sống hoang dã trên khắp tiểu bang Colorad, theo nhà sinh thái xã hội học Jonathan Pauli, đồng tác giả nghiên cứu. Kirby và anh đã kiểm tra chế độ ăn của hàng trăm con gấu trên toàn tiểu bang. Các thợ săn ở đây không được phép đặt mồi nhử gấu, chẳng hạn như bánh rán hoặc kẹo, vì vậy chúng chủ yếu ăn đồ ngọt từ các bãi rác.

Khi ăn nhiều thực phẩm chế biến (theo nghiên cứu thì có lúc lên đến 30% tổng thức ăn hàng ngày), mô của những con gấu sẽ hấp thu nhiều hơn một dạng carbon ổn định ở mức cao, được gọi là carbon-13. Lượng carbon thừa này đến từ ngô và đường mía (những loài cây trồng thu thập carbon-13 ít ỏi từ không khí).

Trong nghiên cứu mới, Kirby đã tìm hiểu tác động của chế độ ăn đối với hiện tượng ngủ đông. Gấu thường ngủ đông từ bốn đến sáu tháng, trong thời gian này gấu cái có thể sinh con, thậm chí cho con bú khi vẫn đang ngủ đông. Kirby và các đồng nghiệp của cô đã tập trung theo dõi 30 con gấu cái sống hoang quanh thành phố Durango. Nhóm nghiên cứu đã xét nghiệm nồng độ carbon-13 của chúng và kết luận rằng những con ăn nhiều thực phẩm do con người làm ra có thời gian ngủ đông ngắn hơn.

Thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến gấu hoang ít ngủ đông và già đi

Một con gấu mẹ ở Colorado đang ngủ đông trong hang với gấu con sinh ra lúc nó ngủ đông. Ảnh: Colorado parks and Wildlife.

Các nghiên cứu về hiện tượng ngủ đông ở động vật có vú nhỏ cho thấy sự trao đổi chất chậm lại có thể trì hoãn quá trình lão hóa. Nếu điều đó cũng đúng với động vật lớn như gấu, việc rút ngắn thời gian ngủ đông sẽ khiến chúng già đi nhanh hơn.

Để đo lường mức độ lão hóa, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự thay đổi tương đối về chiều dài của telomere. Telomere là những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể. Khi các tế bào phân chia theo thời gian, các đoạn telomere không được sao chép nữa và nó dần rút ngắn khiến tế bào không thể tiếp tục phân chia. Các nghiên cứu cho thấy sự rút ngắn này có thể tiết lộ quá trình lão hóa của một sinh vật. Trong số những con gấu được theo dõi, những con ít ngủ đông có hiện tượng rút ngắn telomere nhanh hơn số còn lại, vì thế những con vật này sẽ có tuổi thọ thấp hơn, nhóm nghiên cứu cho biết

Tuy nhiên, kết quả này vẫn cần đánh giá thêm. Việc thu thập thông tin và lấy mẫu xét nghiệm gấu hoang khá khó vì chúng không dễ lại gần, và cần nhiều dữ liệu hơn nữa để khẳng định có mối liên kết trực tiếp, chắc chắn giữa chế độ ăn đồ ngọt của loài gấu và sự rút ngắn telomere như một dấu hiệu lão hóa. 

Tùng Anh

Theo Sciencenews