Tàu vũ trụ của Nga chạm đến quỹ đạo Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976 đang diễn ra suôn sẻ và chuẩn bị đến giai đoạn quyết định.

Tàu vũ trụ của Nga chạm đến quỹ đạo Mặt Trăng - 1

Hình ảnh do tàu vũ trụ Luna-25 của Nga chụp trong chuyến bay lên Mặt Trăng (Ảnh: Roscosmos).

Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, Nga đã tiến tới rất gần Mặt Trăng.

Theo thông báo từ Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) vào sáng 17/8, tàu vũ trụ Luna-25 của họ đã tiếp cận thành công quỹ đạo của Mặt Trăng.

Thành công này đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Nga khi họ hướng về vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất kể từ sứ mệnh Luna-24, đã được thực hiện cách đây gần nửa thế kỷ.

"Tất cả hệ thống của Luna-25 đang hoạt động bình thường, tàu giữ liên lạc ổn định với Trái Đất", Roscosmos cho biết trong một bài đăng trên Telegram.

Dẫu vậy, Luna-25 vẫn còn một cột mốc quan trọng phía trước cần phải thực hiện, đó là quá trình đổ bộ đã được lên kế hoạch diễn ra tại cực nam của Mặt Trăng, trong khoảng 5 - 7 ngày tới.

Nếu Luna-25 hạ cánh thành công, nó sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều này tại nơi cực nam của Mặt Trăng.

Được biết, việc hạ cánh ở khu vực này đối mặt với nhiều thách thức, do có nhiều miệng núi lửa. Tuy nhiên, đây có thể là nơi chứa trữ lượng băng bên dưới lòng đất cực kỳ quý giá, và có thể chuyển hóa thành nước.

Tàu vũ trụ của Nga chạm đến quỹ đạo Mặt Trăng - 2

Tên lửa đưa tàu Luna-25 rời khỏi Trái Đất vào ngày 11/8, hướng đến sứ mệnh lịch sử hạ cánh lên cực nam của Mặt Trăng (Ảnh: Roscosmos).

Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho biết họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này. "Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có 80% cơ hội thành công", ông Zeleny cho biết trước khi buổi phóng diễn ra.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy hạ cánh trên Mặt Trăng luôn là một thách thức lớn. Tính đến nay, chỉ có 3 quốc gia làm được điều này, là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, tàu Luna-25 sẽ phải dựa vào lực đẩy phản lực của chính nó để giảm tốc và tránh hạ cánh xuống những khu vực địa hình dốc, dẫn đến đổ ngang. Đây chính là thảm kịch đã xảy ra với người tiền nhiệm của nó vào nửa thế kỷ trước.

Cách đây không lâu, vào tháng 4 năm ngoái, tàu thăm dò Hakuto-R của Nhật Bản cũng đã thất bại và bị rơi khi cố hạ cánh trên Mặt Trăng.

Theo www.space.com