Tập thể dục thể thao ở mức nào để tăng cường trí tuệ?

(Dân trí) - Tập thể dục thể thao rất có lợi cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Từ lâu, các bác sĩ đã luôn khuyên mọi người tập thể dục để cải thiện suy nghĩ và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức khi có tuổi, nhất là đối với người cao niên. Nhưng tập thể dục thế nào và bao nhiêu là phù hợp để có được trí óc mạnh khỏe?

Một nghiên cứu quốc tế vừa được công bố ngày 30/5/2018 trên tạp chí của Viện hàn lâm Thần kinh học Hoa Kì kết luận rằng bất kì bài tập dạng vận động nào mà bạn tập được thường xuyên cũng đều tốt cả, ví dụ: đi bộ, chạy, tập tạ, yoga, thái cực quyền, v.v., miễn sao bạn tập tối thiểu vài lần một tuần và tối thiểu đạt 52 giờ trong khoảng 6 tháng liên tục. Phát hiện chính của nghiên cứu này là bạn không nhất thiết phải tập vào một khung giờ cố định nào đó trong ngày.

Tập thể dục thể thao ở mức nào để tăng cường trí tuệ? - 1

Tác giả chính của nghiên cứu, Nhà khoa học chuyên khoa thần kinh lâm sàng Joyce Gomes-Osman của Trường đại học Dược Miami Miller cho biết “bạn có thể chia tổng thời lượng 52 giờ tập đó thành những buổi tập khoảng 1 tiếng đồng hồ vào lúc này hay lúc khác bạn sắp xếp thuận tiện với các hoạt động khác của mình. Điều này thực sự động viên người tập vì bạn không cần phải xếp lịch cố định mỗi ngày 1 tiếng vào một buổi cố định trong ngày. Kể cả bạn chỉ tập được 3 – 4 buổi/ tuần và trong tổng số 5 – 6 tháng đạt được 52 giờ tập thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng bộ não của bạn sẽ trở nên sắc sảo hơn.” Bà Gomes-Osman cũng nói thêm rằng các bài tập cường độ thấp như yoga hay thái cực quyền cũng có tác dụng tốt như các bài tập cường độ cao như là tập gym, aerobic.

Nghiên cứu này đã kiểm tra gần 100 nghiên cứu đã công bố trước đó về luyện tập và nhận thức với tổng số hơn 11.000 người có độ tuổi trung bình là 73 tham gia làm đối tượng khảo sát. Kết luận chung của tất cả các nghiên cứu này đều là các dạng bài tập khác nhau đều mang lại khả năng tư duy nhạy bén hơn sau khi người tập đạt được tối thiểu 52 giờ luyện tập trong khoảng 6 tháng; và những người tập ít hơn không đạt được kết quả khả quan.

Nhà thần kinh học Gomes-Osman nói rằng “chúng ta thường được khuyên phải vận động nhiều hơn, nhưng vận động nhiều hơn là như thế nào, có phải là mỗi ngày 30 phút và đều đặn 7 ngày/ tuần không hay là 1 tiếng/ ngày và tập bài tập gì”. Giờ đây bà đã có thể “kê đơn” cho bệnh nhân của mình tập luyện kết hợp với các thuốc điều trị khác.

Quay trở lại với bệnh tim, bà Gomes-Osman cho biết có nhiều lời khuyên là cần tập nghiêm khắc theo đúng một thời lượng chính xác bài tập ở mức độ trung bình hoặc tăng cường thì mới cải thiện được sức khỏe tim mạch. Nhưng một chế độ tập luyện tương ứng để tăng cường sức khỏe trí óc thì đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra kết luận. Điều này rất có giá trị, vì không có loại thuốc nào chữa được chứng suy giảm nhận thức mà cho đến nay chỉ có luyện tập thể dục là biện pháp duy nhất.

Tiến sĩ Douglas Scharre – Giám đốc Trung tâm Rối loạn nhận thức và trí nhớ, thuộc Trung tâm Y tế Wexner của Trường đại học bang Ohio, Mỹ – không tham gia nhưng hoàn toàn đồng ý với các kết luận của nghiên cứu này. Ông nói “tôi tin rằng cần kiên trì tập luyện các bài tập vận động để thu được kết quả tối đa về cải thiện khả năng nhận thức. Tập môn gì, mỗi buổi bao lâu, cường độ ra sao không phải là vấn đề chính, mà cơ bản là bạn phải tập đều đặn trong một thời gian tương đối dài đủ để có tác động tích cực lên sức khỏe trí óc.”

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sức khỏe trí óc thực sự được cải thiện ở một số lĩnh vực tư duy cụ thể như là chức năng lập kế hoạch và có sáng kiến, tốc độ xử lý tình hình và chức năng điều khiển, hay chính là khả năng tập trung và quản lý tình huống. Còn về khả năng ghi nhớ thì mới có ½ số người tham gia là cải thiện được khả năng ghi nhớ, vì vậy nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định về tác dụng của các bài tập đối với năng lực ghi nhớ.

Vận động thể chất là hoạt động vô cùng tốt cho bộ não, Tiến sĩ Sharre chia sẻ, trong quá trình luyện tập, não được kích thích hoạt động thông qua việc điều khiển cơ bắp để thực hiện đúng động tác, qua việc tăng cường tập trung để truyền tín hiệu đến các cơ quan vận động, qua việc xác định mức độ cơ thể mệt mỏi đến đâu hay thậm chí là lập kế hoạch giảm cường độ tập ở những buổi sau để tránh tổn thương cơ bắp nếu có biểu hiện. Về cơ bản, đối với cả cơ bắp lẫn trí óc, các bài tập đều tốt cả, chỉ là chúng ta tận dụng được hoặc không tận dụng được lợi ích mà thôi.

Nghiên cứu trên đã kết luận rằng những chức năng của bộ não được cải thiện không ngừng nhờ tập thể dục chính là những chức năng nhận thức bị giảm sút theo quá trình lão hóa của cơ thể. Chính vì vậy có thể nói tập thể dục đều đặn giúp chúng ta có tuổi nhưng không già.

Phạm Hường (Theo Livescience)