Rô-bốt có đôi mắt dõi theo bạn giống như Mona Lisa

(Dân trí) - Được đặt tên là Transgazer, con rô-bốt này được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu ở Tập đoàn Nippon Telegraph and Telephone Corporation của Nhật Bản, họ cho rằng việc giao tiếp bằng mắt có thể là chìa khóa để cải thiện sự tương tác giữa con người và rô-bốt. Rô-bốt này có đôi mắt được thiết kế lõm vào, khiến nó trông như đang nhìn bạn chằm chằm, kể cả khi bạn không đứng ngay phía trước nó.

Rô-bốt có đôi mắt dõi theo bạn giống như Mona Lisa

Yuki Kinoshita, một trong những nhà sáng chế ra Transgazer cho biết “tại sao lại bị giới hạn bởi đôi mắt của con người? Mắt của rô-bốt có thể rất khác biệt”.

Mắt của con người chỉ gây ấn tượng lúc nhìn một ai đó nếu chúng ta thực sự đang nhìn vào họ. Trừ phi chúng ta nhìn thẳng vào ai đó, nếu không rõ ràng là chúng ta đang nhìn chằm chằm vào một chỗ khác. Điều này cũng đúng với mắt của rô-bốt nếu nó được mô phỏng theo hình dạng tương tự. Các nhà nghiên cứu đã “nghĩ theo cách ngược lại và đưa ra một ý tưởng để có thể nhìn tốt hơn mắt người bằng cách thay đổi hình dạng của mắt”.

Rô-bốt có đôi mắt dõi theo bạn giống như Mona Lisa - 1

Các nhà nghiên cứu đã bổ sung thêm con mắt lõm vào phía sau con mắt lồi như bình thường của Transgazer. Nó có thể chuyển đổi giữa hai loại mắt bằng cách xoay 180 độ, khiến chúng lật ra bên ngoài.

Khi Transgazer sử dụng con mắt lõm, các tình nguyện viên ở trong vòng cung rộng 32 độ cho biết họ cảm thấy con rô-bốt đang nhìn vào mình. Những người đã theo dõi con rô-bốt này giảng bài thì cho biết khi nó sử dụng đôi mắt lõm thì họ cảm thấy con rô-bốt này gây chú ý hơn và có biểu cảm ấm áp hơn so với đôi mắt lồi và nhìn từ người này sang người khác. Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu Transgazer ở Hội nghị Tương tác giữa Con người và Rô-bốt tổ chức tại thành phố Vienna, Áo trong tháng ba.

Theo nhà khoa học Alessandra Sciutti, viện Công nghệ Ý, ánh nhìn là một phần quan trọng của một con rô-bốt. “Thông qua việc thay đổi hình dạng con mắt của rô-bốt, có thể ảnh hưởng đáng kể đến cảm nhận của con người về sự tương tác đó”.

Anh Thư (Theo New scientist)