Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập

Minh Khôi

(Dân trí) - Quỹ phát triển khoa học - công nghệ có mục đích nâng cao sức cạnh tranh và tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, song cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập đáng lo ngại.

Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập - 1

Tọa đàm Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Quỹ phát triển Khoa học - công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp là sáng kiến được xây dựng với mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên trên thực tế, sau gần 10 năm thành lập quỹ, các mục tiêu và ý tưởng chi tiêu theo cơ chế quỹ chưa được như kỳ vọng, còn tồn tại nhiều bất cập.

Tại Tọa đàm "Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp", diễn ra sáng ngày 15/12, ông Nguyễn Ngọc Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh thực trạng đã tồn tại từ lâu của Quỹ phát triển KH&CN.

Theo ông Sơn, mặc dù có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp thành lập Quỹ nhưng việc sử dụng Quỹ đến nay là rất hạn chế. Cụ thể, số doanh nghiệp trích quỹ này chỉ chiếm 0,02%, chưa đạt cận dưới của quy định là 3%, dẫn tới khoản tiền "tồn" trong quỹ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập - 2

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Trước đó, báo cáo của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đã cho biết số doanh nghiệp trích lập Quỹ rất ít, dù cả hai Bộ đều không có số liệu thống kê, đánh giá về số doanh nghiệp đã trích lập Quỹ trong tổng số doanh nghiệp hiện có.

Theo thống kê của Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính, Quỹ chủ yếu chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, chiếm đến 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi hỗ trợ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp chỉ chiếm 14,5%, dù đây là nội dung chi thiết thực nhất với doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát tại một số doanh nghiệp có đầu tư lớn cho hoạt động KH&CN như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam… cho thấy việc sử dụng Quỹ còn nhiều bất cập, tình trạng "thiếu tiền, thừa quỹ" phổ biến ở các doanh nghiệp do vướng mắc, bất hợp lý của một số quy định pháp luật có liên quan. 

"Tình trạng "trích lập ít, tồn Quỹ cao" rất đáng báo động trong bối cảnh doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo và phát triển KH&CN", ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.

Theo ông, gần 10 năm qua, kết quả đạt được của Quỹ còn rất xa so với mục tiêu và kỳ vọng. Trong khi đó, để giải phóng nguồn lực Quỹ cũng không phải là điều dễ dàng.

Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập - 3

Ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận xét Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn rất xa so với mục tiêu và kỳ vọng (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Một trong số những vướng mắc được nêu ra là do quy định pháp luật về quản lý Quỹ còn chưa tương thích, đồng bộ, dẫn tới quy định hướng dẫn về Quỹ chưa được sửa đổi, ban hành đầy đủ, kịp thời.

Cụ thể, một trong những căn cứ ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC là Nghị định 95/2014/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi cho tương thích, nên chưa giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của Quỹ phát triển KH&CN.

Những ý kiến tại Tọa đàm cũng đánh giá quy định về Quỹ chưa được sửa đổi kịp thời, đồng bộ với pháp luật về doanh nghiệp, cụ thể về vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến bất cập trong quá trình xử lý vi phạm về trích lập Quỹ đối với đối tượng này.

Bên cạnh đó, nhìn chung các quy định về việc khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ vẫn chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, hay thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp với các rủi ro pháp lý liên quan.