Phát hiện thiên thể kỳ lạ nóng hơn cả Mặt Trời

Phạm Hường

(Dân trí) - Một thiên thể siêu nóng vừa phá vỡ kỷ lục và thách thức hiểu biết của các nhà thiên văn học về ranh giới giữa hành tinh và ngôi sao.

Phát hiện thiên thể kỳ lạ nóng hơn cả Mặt Trời - 1

Hình minh họa một thiên thể lùn màu nâu - một vật thể lớn làm mờ ranh giới giữa hành tinh và ngôi sao - trong một hệ sao ở rất xa. Đặc điểm kỳ dị của nó khiến cho việc xác định thế nào là một hành tinh và thế nào là một ngôi sao trở nên vô cùng khó (Ảnh: Livescience).

Vật thể này được đặt tên là WD0032-317B, là một sao lùn màu nâu - một dạng tiền sao cực sáng và ở thể khí. Các sao lùn nâu thường có thành phần khí quyển tương tự như sao Mộc nhưng có kích thước lớn hơn từ 13 đến 80 lần.

Với khối lượng lớn như vậy, chúng bắt đầu hợp nhất các đồng vị hydro trong lõi của chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn không đủ lớn để kích hoạt phản ứng hợp nhất sao toàn bộ để có đầy đủ sức mạnh trở thành một ngôi sao giống như Mặt Trời của chúng ta, chúng giống như là than cháy âm ỷ chứ không phải lò củi cháy.

Sao lùn nâu thường cháy ở nhiệt độ khoảng 2.200 độ C, mức nhiệt này vẫn khá thấp so với hầu hết các ngôi sao có nhiệt độ bề mặt lên đến 3.700 độ C.

Nhưng thiên thể này, ở cách xa Trái Đất 1.400 năm ánh sáng, lại không giống với phần lớn các sao lùn nâu khác. Các nhà nghiên cứu đã đo nhiệt độ bề mặt của nó và nhận thấy một kết quả kỷ lục 7.700 độ C.

Nhiệt độ này đủ nóng để làm cho các phân tử trong khí quyển của nó tách ra thành các nguyên tử và cũng nóng hơn bề mặt Mặt Trời của chúng ta vài nghìn độ C.

Điều này là không thể có ở một sao lùn nâu. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thiên thể này được ngôi sao mà nó quay quanh hỗ trợ. Nó ở cực kỳ gần với mặt trời của nó, một ngôi sao lùn trắng siêu nóng, gần đến mức 1 năm của nó chỉ kéo dài 2,3 giờ.

Khoảng cách gần như vậy cũng có nghĩa là nó bị khóa chặt một mặt luôn luôn quay về phía ngôi sao, còn mặt kia luôn luôn khuất.

Chính vì điều đó mà sao lùn nâu này chỉ nóng ở một phía, cho dù nhiệt độ phía "ban ngày" của nó lên đến 7.700 độ C nhưng phía "ban đêm" của nó chỉ khoảng 1.000 đến 2.700 độ C.

Đây là mức chênh lệch nhiệt độ lớn nhất mà các nhà thiên văn học ghi nhận được ở các vật thể cận sao. Nhưng điều kiện đó cũng không kéo dài bao lâu, bởi vì các phân tử của nó tiếp tục phân rã, nên sao lùn nâu này vẫn đang tiếp tục bị ngôi sao chủ của nó làm bốc hơi.

Nghiên cứu về WD0032-317B và các thiên thể tương tự có thể giúp các nhà khoa học hiểu được cách mà các ngôi sao dần dần "thôn tính" những "người bạn đồng hành", đồng thời bổ sung thêm kiến thức của chúng ta về điều kiện để các ngôi sao kích hoạt.