Núi lửa đã tắt phát ra âm thanh hoạt động trở lại

(Dân trí) - Một núi lửa ở bên ngoài thành phố Rome, lâu nay vẫn được cho rằng đã tắt, hiện đang phát ra những âm thanh báo hiệu sự hoạt động trở lại.

Colli Albani, một núi lửa phức hợp bên ngoài thành phố Rome, từng được nghĩ là đã tắt cho tới khi nó bắt đầu có những dấu hiệu hoạt động (Fabio Florindo)
Colli Albani, một núi lửa phức hợp bên ngoài thành phố Rome, từng được nghĩ là đã tắt cho tới khi nó bắt đầu có những dấu hiệu hoạt động (Fabio Florindo)

Colli Albani là một núi lửa phức hợp của các ngọn đồi nằm cách trung tâm của thành phố Rome khoảng 30 km.Theo Liên hiệp Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU), không có ghi chép lịch sử nào về các vụ phun trào của Colli Albani, vì vậy suốt một thời gian dài ngọn núi lửa này được nghĩ là đã tắt. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã trình bày trên tạp chí về địa vật lý Geophysical Research Letters rằng Colli Albini chỉ không phun trào thường xuyên. Trong thực tế, nó đang bước vào một giai đoạn phun trào mỗi 31.000 năm hoặc lâu hơn.

Chuyên gia về núi lửa Fabrizio Marra đến từ Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia ở Roma, đã dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu quan sát chân núi ở nơi mặt đất bị nâng cao lên, hệ thống các trận động đất và lỗ thông hơi cùng với các dữ liệu vệ tinh để theo dõi các hoạt động gần đây của Colli Albani. Một kết quả phân tích của những viên đá lấy từ ngọn núi lửa đã tiết lộ lịch sử của các vụ phun trào trong quá khứ, và vụ phun trào gần nhất đã xảy ra từ khoảng 36.000 năm trước.

Marra và các đồng nghiệp thông báo, hiện nay, mặt đất bên dưới núi lửa này đang phồng lên, và ở những nơi có lỗ thông hơi nước đang nhô lên tối đa khoảng 2mm mỗi năm. Họ cho rằng, trong suốt 200.000 năm qua, khu vực này đã nâng cao lên khoảng 50m. Điều này cho thấy, mắc ma đang bước vào giai đoạn đứt gãy ở bên dưới ngọn núi lửa này.

Marra đã nói với AGU về nguyên nhân của sự thay đổi địa chất bên dưới Colli Albani: cho tới khoảng 2.000 năm trước, vùng đất xung quanh được tạo thành cùng với một vết đứt gãy bên dưới núi lửa, ngăn chặn mắc ma phun trào lên mặt đất. Tuy nhiên theo AGU, gần đây hơn, sức căng phía dưới bề mặt đã thay đổi làm cho đá ở phía bên bị đứt gãy đang dịch chuyển và trượt về phía những tảng đá ở phía đối diện. Cho đến nay, những thay đổi này được thể hiện rõ ở một loạt những trận động đất xảy ra xung quanh Rome kéo dài từ năm 1991 tới năm 1995. Một dấu hiệu khác là vào năm 2013, ở một con đường gần sân bay Fiumicino của Rome đã xuất hiện một lỗ phun khí nhỏ hoặc là một lỗ thông hơi.

Marra nói với AGU, với chu kỳ 31.000 năm của mình, Colli Albani được cho là đã quá hạn cho một đợt phun trào, nhưng ngọn núi lửa này sẽ không bất ngờ thổi bay đỉnh núi của mình. Nó sẽ không tạo đủ áp lực để bùng nổ một đợt phun trào trong vòng ít nhất 1.000 năm tới. Thậm chí sau đó, người dân Rome có thể sẽ thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo hơn, vì trước mỗi một đợt phun trào sẽ là giai đoạn hoạt động ban đầu mang tính ôn hòa của núi lửa.

Anh Thư (Theo Livescience)