Những điều mà bộ não vẫn đang tự đánh lừa chính chúng ta hàng ngày

(Dân trí) - Bộ não có thể xem là bộ phận quan trọng hàng đầu của cơ thể. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, việc cơ quan này “phản chủ” và đánh lừa chính bản thân chúng ta lại xảy ra như cơm bữa, trong cuộc sống hàng ngày!

Những điều mà bộ não vẫn đang tự đánh lừa chính chúng ta hàng ngày - 1

Con người luôn có thiên hướng tin một việc gì đó là đúng, nếu nó có phần nào trùng khớp với suy nghĩ hay thậm chí là tính cách của chính bản thân họ. Sự thật này cũng đã được chứng minh bởi nhiều công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học.

Trên thực tế, sự “thiên vị” xuất phát từ bộ não này lại gây ra khá nhiều mặt tiêu cực, bởi nó sẽ khiến con người khó có thể đưa ra một nhận định thực sự khách quan. Thậm chí, đây còn là một cái “thóp” để các trang mạng xã hội lợi dụng chúng ta.

Cụ thể, bằng việc ngấm ngầm thu thập thông tin về sở thích cũng như tính cách của người dùng, thông qua xu hướng nhấn “like” và bình luận của họ, các trang mạng sẽ lựa chọn mặt hàng phù hợp nhất rồi ưu tiên hiển thị quảng cáo lên “News Feed” người dùng.

Những điều mà bộ não vẫn đang tự đánh lừa chính chúng ta hàng ngày - 2

Khi học được một kiến thức mới, hay đơn giản chỉ là tiếp nhận thêm một lượng thông tin nhỏ thông qua sách, báo, tranh, ảnh, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình huống: “bỗng nhiên bắt gặp, với tần suất cao, các sự vật liên quan đến thứ mình vừa học được ở ngay khu vực sinh sống”.

Trên thực tế, không phải những sự vật đó mới tình cờ xuất hiện sau khi chúng ta biết về chúng, mà chúng vẫn luôn hiện hữu ở ngay tại vị trí đó bấy lâu nay. Mấu chốt vấn đề ở đây chính là cơ quan thần kinh trung ương của con người.

Theo các nhà khoa học, khi một thông tin mới được nạp vào, bộ não sẽ dành sự chú ý hơn cho những sự vật, sự việc chứa đựng trong đó. Tiếp theo, não sẽ tiến hành sàng lọc chi tiết hình ảnh mà mắt gửi về, rồi chủ động hướng sự chú ý của chúng ta về sự vật kể trên, nếu nó lọt vào tầm mắt.

Những điều mà bộ não vẫn đang tự đánh lừa chính chúng ta hàng ngày - 3

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, bộ não sẽ là tác nhân lớn nhất ngăn cản chúng ta trong việc chuyển nhà hay bỏ một món đồ cũ để sắm đồ mới. Các nhà tâm lý học gọi đây là hội chứng “Ghét sự mất mát”. Cụ thể, trung ương thần kinh của con người sẽ thường tự cho rằng, sự thoải mái, hài lòng với một món đồ mới tiện nghi, không thể bù đắp được cho sự mất đi của thứ gì đó đã thân quen.

Chính vì cú lừa của bộ não này mà đại đa số mọi người sẽ chấp nhận ở trong một không gian sống cũ kỹ, chật hẹp hơn là di chuyển đến nơi ở mới, dù cho nó hơn hẳn về mọi mặt.

Những điều mà bộ não vẫn đang tự đánh lừa chính chúng ta hàng ngày - 4

Tự ti và tự mãn là hai loại tính cách đối lập của con người. Tuy vậy, vẫn tồn tại một điểm chung giữa chúng. Đó chính là sự “thiên lệch” của bộ não trong cách nhìn nhận một vấn đề. Cụ thể, những người tự mãn sẽ có xu hướng suy nghĩ rằng, thành công mà họ đạt được chủ yếu đến từ khả năng cũng như tố chất của bản thân. Trong khi đó, những thất bại, sai sót lại do tác động từ bên ngoài hay đơn giản chỉ là xui xẻo. Đối với người tự ti, chiều hướng suy nghĩ là ngược lại hoàn toàn.

Thảo Vy

Theo BS