DNews

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Năm 2024, chúng ta sẽ hy vọng vào những đột phá trong chinh phục không gian, các siêu cường vũ trụ sẽ thực hiện hàng loạt sứ mệnh lịch sử, khởi đầu lớn cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Trong năm 2023, thế giới không chứng kiến nhiều những chuyến bay lịch sử lớn, ngoại trừ việc Ấn Độ lần đầu tiên đưa tàu thăm dò lên cực nam của Mặt Trăng.

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 1

Loạt tàu thăm dò các hành tinh sẽ được thực hiện vào năm 2024 (Ảnh minh họa: Science).

Nhưng điều đó không có nghĩa năm qua yên bình trong công cuộc khám phá vũ trụ, nó đóng vai trò là bàn đạp cho những gì đang chờ đợi chúng ta trong không gian vào năm 2024.

Cuộc đua lên Mặt Trăng

Khởi đầu năm 2024 có thể là cột mốc lịch sử trong lĩnh vực chinh phục không gian của Nhật Bản. Dự kiến ngày 19/1, tàu đổ bộ SLIM của nước này sẽ hạ cánh trên Mặt Trăng.

Nếu sứ mệnh thành công, Nhật Bản sẽ lọt vào danh sách các quốc gia chinh phục thành công Mặt Trăng cùng với Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ.

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 2

Cuối năm 2023, Nhật Bản đã phóng tàu đổ bộ SLIM lên Mặt Trăng (Ảnh: Reuters).

Bên cạnh đó, một số sứ mệnh không gian đã được phóng lên Mặt Trăng vào năm 2023 sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ vào những năm tới. Tất cả điều này đã thêm bằng chứng cho thấy, cuộc chạy đua vào không gian ngày càng gia tăng.

Năm 2024 sẽ đánh dấu sự trở lại của các phi hành gia trên Mặt Trăng. Sau thành công của sứ mệnh Artemis I vào năm 2022, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đang chuẩn bị cho sứ mệnh có người lái đầu tiên lên hành tinh này, có tên Artemis II. 

Phó Tổng thống Mỹ, Kamala Harris mới đây khẳng định: "Mặt Trăng là mục tiêu của thập kỷ. NASA sẽ bắt đầu triển khai mạnh mẽ các sứ mệnh vào không gian, sau khi dành năm 2023 để phân tích dữ liệu từ những thành công trước".

Artemis II là sứ mệnh Mặt Trăng có người lái đầu tiên kể của Mỹ từ năm 1972. Nhiệm vụ lần này, tàu vũ trụ Orion không đáp xuống Mặt Trăng mà nó sẽ đưa đội ngũ phi hành gia bay vòng quanh hành tinh.

Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất đã đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng, hy vọng họ sẽ lặp lại thành tích này vào năm 2025 với chương trình Artemis của mình.

Nhưng trở lại Mặt Trăng chỉ là sự khởi đầu, người Mỹ hy vọng sẽ tạo ra một căn cứ trên đó và trong quỹ đạo, để có thể quay trở lại hành tinh này thường xuyên, cũng như biến nơi đây trở thành điểm trung chuyển để hướng tới sao Hỏa. 

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 3

Sứ mệnh Artemis II của NASA sẽ đưa các phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng (Ảnh minh họa: India Today).

Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia mới tham gia chinh phục Mặt Trăng. Hiện tại, họ đã thành công trong việc gửi tàu thăm dò lên hành tinh này.

Đây là quốc gia duy nhất khám phá được nửa tối của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học ghi nhận được nước đóng băng. Mục tiêu của Trung Quốc là đưa các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Cũng giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc hướng tới mục tiêu sẽ tạo ra một căn cứ nghiên cứu của riêng mình trên hành tinh này.

Trong khi chờ đợi để đạt mục tiêu trên, quốc gia tỷ dân đang sử dụng Mặt Trăng để phát triển toàn bộ chương trình không gian của mình. 

"Chương trình không gian của Trung Quốc tập trung vào công nghệ. Mục tiêu là tìm hiểu cách phát triển các công nghệ tiên tiến dành riêng cho việc khám phá các hành tinh", nhà vật lý thiên văn Francis Rocard, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) giải thích. 

Ấn Độ cũng có cách tiếp cận tương tự nhưng ít tham vọng hơn.

Bên cạnh đó, NASA cũng hợp tác với một loạt công ty tư nhân để phát triển chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại (CLPS), có nhiệm vụ vận chuyển các vệ tinh, hàng hóa và con người vào không gian, đến trạm vũ trụ hay các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời. 

Phi vụ đầu tiên dự kiến sẽ được NASA khởi động vào ngày 8/1, sử dụng tên lửa của SpaceX, Falcon 9.

Mặt Trăng: Nơi thử nghiệm sức mạnh không gian mới

Không phải ngẫu nhiên các quốc gia mong muốn chinh phục Mặt Trăng chỉ để khẳng định mình là một siêu cường vũ trụ. 

Thực chất các sứ mệnh Mặt Trăng từ các quốc gia chỉ là cách để những nhà khoa học nghiên cứu các công nghệ không gian mới, thực hiện thí nghiệm cho tương lai và coi đây là bàn đạp để con người khám phá các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, trong tương lai sẽ là Sao Hỏa.

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 4
Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 5

Mùa hè năm 2023, Ấn Độ đã khẳng định vị thế cường quốc vũ trụ bằng việc gửi thành công tàu thăm dò Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng. 

Dù tàu đổ bộ không thể thực hiện hoạt động nghiên cứu sau khi hạ cánh, nhưng thành công từ sứ mệnh lần này đã mang lại nguồn động lực và sự tin tưởng của Ấn Độ trong việc chinh phục Mặt Trăng. Quốc gia này dự kiến cũng sẽ có những sứ mệnh vào năm 2024.

Theo tuyên bố của chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo cơ quan chức năng nước này hướng tới các mục tiêu mới và tham vọng với Mặt Trăng, bao gồm việc xây dựng một trạm vũ trụ của Ấn Độ vào năm 2035 và đưa phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2040.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Cơ quan Vũ trụ Ấn Độ ISRI sẽ phát triển lộ trình khám phá Mặt Trăng.

Nga cũng đã khởi động lại chương trình Luna vào đầu tháng 8/2023, quốc gia này đã phóng tàu thăm dò Luna-25, chuyến bay đầu tiên sau hơn 50 năm. 

Cũng giống như Ấn Độ với Chandrayaan-3, Nga đang tìm cách hạ cánh xuống nam cực của Mặt Trăng vì khu vực này tiềm ẩn sự hiện diện của nước, vốn là yếu tố thiết yếu cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.

Thật không may, Luna-25 đã rơi xuống bề mặt Mặt Trăng mười ngày sau đó.

Nga hiện chưa có kế hoạch thực hiện lại sứ mệnh Luna vào năm 2024 do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột với Ukraine. Nhưng chắc chắn, người Nga sẽ không từ bỏ chương trình Mặt Trăng của mình. 

Đặc biệt sau thất bại từ Luna-25, quốc gia xứ sở bạch dương đang rất nóng lòng để lấy lại ánh hào quang vũ trụ thời Xô Viết. 

Các quốc gia khác sử dụng hoặc có mục đích sử dụng Mặt Trăng làm nơi thử nghiệm. Trong số đó có Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, họ cũng sẽ khởi động các sứ mệnh của mình trong thời gian tới. 

Sự sống ngoài Trái Đất gần sao Mộc?

Nếu Mặt Trăng của chúng ta không liên quan gì đến Sao Mộc, thì Sao Mộc vẫn không kém phần hấp dẫn đối với các nhà khoa học. 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Gabriel Tobi, nhớ lại: "Vào thời điểm thực hiện các sứ mệnh Galileo, chúng tôi phát hiện ra rằng dưới lớp vỏ băng của các mặt trăng khác nhau của Sao Mộc có những đại dương nước mặn.

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 6

Tàu thăm dò JUICE có nhiệm vụ nghiên cứu các mặt trăng của Sao Mộc (Ảnh: Science).

Và khi con người nghĩ về đại dương, chúng ta sẽ liên tưởng đến những nơi có thể sinh sống được".

Đây là lý do tại sao Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phóng tàu thăm dò JUICE vào tháng 4/2023. Nó sẽ bay qua ba mặt trăng, đặc biệt tập trung vào Ganymede, mặt trăng duy nhất có từ trường bảo vệ chống lại bức xạ của Sao Mộc.

Nhưng người châu Âu sẽ không đơn độc trong việc khám phá Sao Mộc, họ có sự cạnh tranh của Mỹ, quốc gia sẽ thực hiện một cuộc thăm dò tới đây bằng sứ mệnh Europa Clipper.

Trong chương khám phá không gian của NASA, đây không phải sứ mệnh thu hút nhiều sự chú ý. Nhưng Europa Clipper còn có thể khám phá ra những điều tuyệt vời hơn.

Tàu thăm dò của sứ mệnh dự kiến được phóng vào tháng 10, thông qua tên lửa Falcon Heavy của SpaceX. Nó sẽ đi vào quỹ đạo của Sao Mộc và nghiên cứu mặt trăng Europa (vệ tinh của Sao Mộc).

Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 7
Năm 2024 khởi đầu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - 8

Theo các nhà khoa học, tàu thăm dò sẽ phải mất hơn 5 năm để đến được vùng ngoại ô của "gã khổng lồ khí" này.

Các mặt trăng lớn của Sao Mộc, bao gồm cả Europa, thường được coi là cái nôi của sự sống. Nơi này có lẽ có một đại dương ngầm rộng lớn bên dưới bề mặt của nó.

Vai trò của sứ mệnh Europa Clipper là nghiên cứu các vệ tinh Sao Mộc từ mọi góc độ bằng cách sử dụng nhiều công nghệ hiện đại được trang bị trên tàu thăm dò. 

Cả hai sứ mệnh JUICE và Europa Clipper đều có cùng một mục tiêu: xác định khả năng sinh sống trên các mặt trăng của Sao Mộc, tức là để biết liệu sự sống có thể tồn tại ở đó hay không.

Mặc dù điều này không xảy ra với Mặt Trăng của chúng ta, nhưng có lẽ một ngày nào đó con người sẽ tìm thấy sự sống gần Sao Mộc, cách Trái Đất hàng trăm triệu km.

Và Mặt Trăng hơn bao giờ hết là cửa ngõ dẫn đến cuộc chinh phục không gian: đến những dạng sống mới hoặc đến không gian vô tận.