Một người đàn ông bị vỡ cổ họng khi cố nhịn hắt hơi

(Dân trí) - Việc nhịn hắt hơi có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Một người đàn ông bị vỡ cổ họng khi cố nhịn hắt hơi - 1

Khi nói đến hắt hơi, có một nguyên tắc vàng là: xả ra hơn là giữ lại. Một minh chứng đầy đau đớn của chuyện này là một người đàn ông ở Anh cố nhịn hắt hơi đã phải nhập viện với ống họng bị vỡ.

Hắt hơi là phương pháp cơ thể làm sạch các ống dẫn khí, và chúng có thể xảy ra mà không báo trước.

Chúng cũng khá dễ bùng nổ, đạt đến tốc độ 16,2km/giờ (4,5m/giây).

Rõ ràng là có những lúc không thích hợp để hắt hơi, và hầu hết chúng ta sẽ cố nhịn một lúc nào đó – nhưng đó không phải là việc dễ dàng.

Để cố kiềm chế hắt hơi, bệnh nhân 34 tuổi đã dùng các biện pháp khá tiêu cực, dùng tay kẹp chặt miệng và bịt chặt mũi.

Các bác sĩ từ Bệnh viện Đại học Leicester NHS Trust cho biết, cổ anh ta sưng lên ngay lập tức, và không lâu sau, anh ta bắt đầu thấy đau đớn khi nuốt và gần như mất giọng.

Việc vỡ họng – lối đi của cổ họng từ miệng và mũi xuống thực quản và thanh quản – là rất hiếm, thường gây ra bởi chấn thương, và trong các trường hợp hiếm là do nôn, nôn khan hoặc ho dữ dội. Ban đầu, các bác sĩ đã khá bất ngờ.

Tuy nhiên, khi khám cho bệnh nhân, họ đã phát hiện ra những tiếng kêu tanh tách từ cổ anh ta đến xương sườn.


Phim chụp X-quang mô mềm ở cổ từ cạnh bên -  Yang et al., BMJ Case Reports.

Phim chụp X-quang mô mềm ở cổ từ cạnh bên -  Yang et al., BMJ Case Reports.

Nếu bạn còn nhớ cô gái hét to trong buổi biểu diễn của One Direction đến nỗi nổ phổi, triệu chứng này được gọi là crepitus, gây ra do các bong bóng khí nổ dưới da.

Trong trường hợp bệnh nhân này, những bong bóng khí này nằm ở các cơ và mô sâu trong lồng ngực, gây ra do vỡ họng.

Dạng thương tổn này không phải là chưa từng được nghe nói đến – năm 2011, các bác sĩ ở Boston, Mỹ đã ghi nhận trường hợp một người đàn ông 38 tuổi đã bịt chặt mũi và miệng để kiềm chế không hắt hơi. Trong trường hợp đó, hành động của của anh ta đã khiến dây thanh quản bị vỡ.

Như các bác sĩ lưu ý, việc ngăn chặn một cơn hắt hơi theo cách đó sẽ khiến áp lực của cơn hắt hơi đạt tới đỉnh điểm gấp hơn 38 lần áp lực một cơn hắt hơi thông thường. Nó giống như việc bị đấm vào cổ họng bởi chính hơi thở ra mạnh mẽ của bạn.

Người đàn ông Anh được giữ lại bệnh viện để theo dõi thêm vì nguy cơ biến chứng, phải ăn bằng ống và tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch cho đến khi giảm bớt sưng và đau. Anh ta được xuất viện sau bảy ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo rằng bạn không nên nhịn hắt hơi. Việc hắt hơi mạnh có thể làm không khí bị tắc trong các mô mềm quanh mắt, nhưng điều đó ít nguy hiểm hơn nhiều so với việc khiến cổ họng sưng phồng. Và việc này cũng hiếm khi xảy ra.

Các bác sĩ đã viết trong nghiên cứu tình huống rằng: “Việc ngăn chặn cơn hắt hơi bằng cách bịt mũi và miệng là cách làm nguy hiểm, và nên tránh làm vậy. Nó có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng, ví dụ như không khí bị kẹt trong lồng ngực giữa hai lá phổi, thủng màng nhĩ, và thậm chí vỡ túi phình mạch não”.

Lộc Xuân (Theo Science Alert)