Lần tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên do động vật cổ đại

(Dân trí) - Những bằng chứng hoá thạch mới được phát hiện ở Namibia ủng hộ giả thiết rằng đợt tuyệt chủng trên diện rộng đầu tiên trên thế giới được tạo ra do những “kĩ sư sinh thái” – những sinh vật hữu cơ mới tiến hoá đã thay đổi môi trường sống mạnh mẽ đến nỗi khiến cho những loài động vật cũ tuyệt chủng.

Sự kiện này, được biết đến với tên gọi kỳ tuyệt chủng Ediacaran, diễn ra 540 triệu năm trước. Sự sống đầu tiên trên Trái Đất chỉ ở kích thước hiển vi – rất nhiều loại sinh vật hữu cơ đơn bào. Chúng đã ngự trị trong khoảng 3 tỉ năm, cho đến khi loài hữu cơ đa bào đầu tiên tiến hoá. Loài thành công nhất là Ediacaran, chúng đã phát tán khắp Trái Đất khoảng 600 triệu năm trước. Chúng là những dạng thuỷ sinh phần lớn là bất động, có hình đĩa và ống, hình lá dương xỉ dài hoặc hình các tấm đệm đan vào nhau.

Lần tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên do động vật cổ đại - 1

Sau 60 triệu năm, sự tiến hoá đã sản sinh ra một sự đột phá lớn khác: động vật đa bào. Đây là những động vật đầu tiên. Động vật đa bào có thể di chuyển liên tục và độc lập trong một số thời điểm của vòng đời, và duy trì sự sống bằng cách ăn các sinh vật hữu cơ khác hoặc sản phẩm của các sinh vật. Các loài động vật đồng loạt xuất hiện trong thời kì phân hoá mạnh mẽ mà các nhà cổ sinh học gọi là thời kì Bùng nổ Cambrian, một thời kì dài 25 triệu năm khi những ngành động vật hiện đại – động vật có xương sống, thân mềm, chân đốt, giun đốt, tảo biển và sứa – bắt đầu xuất hiện.

“Những loài mới này là các “kĩ sư sinh thái” mà đã thay đổi môi trường bằng cách khiến nó trở nên ngày càng khó khăn cho loài Ediacaran có thể sống sót,” Simon Darroch cho biết, phó giáo sư ở Viện Khoa học Trái Đất và Môi trường thuộc đại học Vaderbilt, người chỉ đạo một nghiên cứu mới có tên là “Một loại Ediacaran-sinh vật đa bào ở tiểu lưu vực Zaris, Namibia”, xuất bản trong tạp chí “Cố sinh địa học, Cố sinh khí học, Cố sinh thái học”.'2

Darroch và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy những tiêu bản được bảo quản tốt nhất về một cộng đồng hỗn hợp giữa loài Ediacaran và động vật, nó cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất về mối quan hệ sinh thái gần gũi giữa hai nhóm loài.

“Trước đây, bằng chứng cho mối quan hệ sinh thái chồng chéo giữa sinh vật đa bào và những sinh vật hữu cơ thân mềm Ediacaran còn rất hạn chế,” Darroch cho biết. “Trong nghiên cứu này, chúng tôi miêu tả vị trí của hoá thạch từ phía Nam Namibia nơi chứa các sinh vật thân mềm Ediacara, những sinh vật hình ống bí ẩn đại diện cho các sinh vật đa bào và dấu vết hoá thạch của các loài đa bào sắp xếp theo chiều dọc. Mặc dù danh tính chính xác của những hoá thạch này còn khó nắm bắt, cấu trúc của chúng có rất nhiều điểm giống với loài sinh vật hữu cơ hình nón có tên gọi Conichnus được tìm thấy ở thời kì Cambrian.”

“Với những bằng chứng này chúng ta đang thu hẹp dần đường đến kết luận; chúng ta đã khám phá ra những khu vực hoá thạch mới có cả sinh vật Ediacara và hoá thạch của động vật cùng chung sống (cả những hang của động vật – chứng cứ hoá thạch – và chính những phần còn lại của động vật), điều đó cho phép ta phỏng đoán về cách mà hai nhóm ngành sinh vật rất khác biệt này giao tiếp với nhau,” ông cho biết.

“Một vài hang động hoá thạch chúng tôi tìm thấy thường được cho là được hình thành do những cây bạch đầu, đó là những loài săn mồi thụ động có lẽ đã săn ấu trùng Ediacaran. Chúng tôi cũng tìm được loài Ediacaran hình lá lược, cùng với những hoá thạch động vật quanh khu vực này. Nói chung, những khu vực hoá thạch này hé lộ một hệ sinh thái chuyển tiếp khác thường ngay trước sự Bùng nổ Cambrian, với những sinh vật Ediacara cuối cùng cố gắng bám trụ trước cái chết, cũng như khi những loài động vật hiện đại đang phân hoá và bắt đầu nhận ra tiềm năng của chúng.”

Mặc dù Darroch đang nghiên cứu những sự kiện xảy ra 540 triệu năm trước, ông tin rằng có những thông điệp vẫn đúng cho ngày nay. “Có một sự giống nhau đáng kể giữa lần tuyệt chủng trên diện rộng đầu tiên và những gì đang diễn ra tại thời điểm này,” ông cho biết. “Cuộc tuyệt chủng Ediacaran cho thấy sự tiến hoá các hành vi mới có thể thay đổi đáng kể cả hành tinh này, và ngày nay con người là những “kỹ sư sinh thái” quyền lực nhất từ trước tới giờ.”

Vân Trang (Theo Sciencedaily)