Lạc quan và trầm cảm có thể do cùng gen tạo ra

(Dân trí) - “Các nghiên cứu về khuynh hướng nhận thức và di truyền học cần phải được tập hợp lại để hiểu rõ hơn về cách đối phó với các bệnh tâm lí. Những gen làm chúng ta dễ bị trầm cảm cũng có thể làm cho chúng ta lạc quan”, hai nhà nghiên cứu cho biết.

Có lẽ một số người nhạy cảm hơn những người khác.
Có lẽ một số người nhạy cảm hơn những người khác.

Giáo sư Elaine Fox, từ Đại học Oxford, và giáo sư Chris Beevers từ Đại học Texas tại Austin đã xem xét lại một số nghiên cứu cho bài viết của họ trong tạp chí Molecular Psychiatry (Bệnh tâm lí học). Họ nói rằng cần phải kết hợp những nghiên cứu về di truyền học trong bệnh tâm lí và những nghiên cứu về khuynh hướng nhận thức lệch.

Giáo sư Beevers nói rằng: “Khuynh hướng nhận thức lệch là khi con người luôn luôn phân tích hoàn cảnh qua các “bộ lọc” nhận thức, khi họ có khuynh hướng nhận thức lệch là chỉ chú ý đến những khía cạnh suy nghĩ tiêu cực, họ sẽ dễ bị mắc các bệnh rối loạn tâm lí hơn. Có rất nhiều nghiên cứu về sự nhận thức lệch này, và cũng có rất nhiều nghiên cứu về các loại gen làm cho con người dễ mắc bệnh tâm lí. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ hợp lí hơn nếu kết hợp hai lĩnh vực nghiên cứu này lại với nhau”.

Giáo sư Fox cho biết: “Nếu bạn lấy một gen gây ra bệnh tâm lí, và so sánh với những người có cùng một biến thể gen, có thể thấy rõ ràng là những gì xảy ra với sức khỏe tâm lí của con người được dựa trên môi trường sống. Chúng tôi cho rằng không có gen nào trực tiếp gây ra bệnh tâm lí, nhưng một số gen có thể làm cho con người nhạy cảm hơn với những ảnh hưởng từ môi trường- cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.”

“Nếu bạn có những gen như vậy và đang ở trong một môi trường tiêu cực, bạn sẽ dễ hình thành những khuynh hướng nhận thức lệch tiêu cực dẫn đến các bệnh rối loạn tâm lí. Nếu như bạn có những gen này nhưng lại sống trong một môi trường tích cực, khả năng cao là bạn sẽ tạo nên những khuynh hướng nhận thức lệch tích cực, giúp làm tăng khả năng phục hồi tâm lí của bạn”- Giáo sư Fox nói thêm.

Giáo sư Fox hiện đang thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về hiệu ứng kết hợp mà di truyền và môi trường có đối với “bộ lọc” nhận thức của con người. Cô gọi đây là “dự án CogBIAS”, một chương trình được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu châu Âu.

Cô có dự định sẽ quan sát xem gen sẽ có ảnh hưởng gì đến kết quả sức khỏe tâm lý và những kết quả này sẽ bị thay đổi như thế nào do môi trường sống. Cô hi vọng rằng những nghiên cứu như thế này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nhạy cảm do di truyền của con người và có thể hỗ trợ để giúp mỗi người có khả năng phục hồi tâm lí và sức khỏe tâm lí tốt nhất.

Nguyễn Ngọc (Theo ScienceDaily)

-