Khoa học đạt bước tiến sản xuất thuốc trong không gian

Phạm Hường

(Dân trí) - Một khoang tàu vũ trụ vừa trở về Trái Đất mang theo một số loại thuốc kháng virus được sản xuất trong môi trường vi trọng lực ở quỹ đạo trái đất thấp.

Một nhân viên của công ty Varda Space đang kiểm tra khoang tàu vừa hạ cánh xuống khu thử nghiệm và huấn luyện Utah, Mỹ (Ảnh: Varda Space).

Một nhân viên của công ty Varda Space đang kiểm tra khoang tàu vừa hạ cánh xuống khu thử nghiệm và huấn luyện Utah, Mỹ (Ảnh: Varda Space).

Ngày 21/2, một kiện hàng đặc biệt đã từ vũ trụ hạ cánh xuống Trái Đất. Đây là khoang tàu thuộc dự án W-1 của công ty Varda Space Industries, có mục đích thử nghiệm phát triển và sản xuất thuốc trong môi trường trọng lực rất yếu ngoài không gian.

Ngoài mục tiêu thí điểm tận dụng chi phí thấp để gửi hàng hóa lên vũ trụ, Varda còn xác định tầm nhìn xa là phát triển dược phẩm và các sản phẩm khác trong môi trường không gian, sau đó đưa về sử dụng trên Trái Đất.

Trước đây, các nghiên cứu liên quan đến vi trọng lực chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà du hành trên Trạm Vũ trụ quốc tế.

Với khả năng tiếp cận ngày càng đa dạng nhờ tái sử dụng tên lửa và sử dụng chung tàu phóng, nhiều ngành công nghiệp đang tìm cách bắt kịp xu hướng sản xuất trong không gian, từ nghiên cứu vật liệu y sinh đến chế tạo, và một số ngành khác nữa.

Quá trình xử lý trong môi trường vi trọng lực làm thay đổi đáng kể lực nổi, quá trình đối lưu tự nhiên, quá trình lắng và tách pha. Những yếu tố này rất có tiềm năng tạo ra các loại thuốc chất lượng cao do không bị tác động bởi lực hấp dẫn, nhờ đó có thể nâng cao hiệu quả và thời hạn sử dụng thuốc.

Các thử nghiệm đi kèm với các chuyến bay như vậy còn hỗ trợ phát triển các hệ thống phụ trợ của phương tiện chuyên chở, vật liệu cách nhiệt, điều hướng, liên lạc và cảm biến.

Giám đốc điều hành của Varga, ông Will Bruey, cho biết khi sản xuất dược phẩm trong không gian không có trọng lực, chúng ta có thể tạo ra những loại thuốc mà không thể sản xuất được trên mặt đất. Trọng lực là một thông số thiết yếu.

"Nếu bạn điều chỉnh núm nhiệt độ trên lò nướng, bạn sẽ tạo ra cả một thế giới công thức nấu ăn mới và những món ăn mới. Tương tự như vậy, nếu bạn có thể thay đổi trọng lực, bạn sẽ thay đổi được quy trình hóa học trong công thức thuốc", ông Bruey cho biết.

Tàu vũ trụ W-1 được phóng lên không gian vào tháng 6/2023. Nó đã có 8 tháng sau đó để kết hợp với tàu vũ trụ Rocket Lab Photon để lấy năng lượng, lực đẩy và điều hướng trong quá trình phát triển thuốc Ritonavir, một loại thuốc kháng virus dùng để điều trị HIV và viêm gan C.

Hiện nay, khoang tàu W-1 đã trở về Trái Đất. Con tàu sẽ được đưa về căn cứ để phân tích hoạt động, còn thuốc sẽ được chuyển đến cho các đối tác thương mại. Công ty Varga dự định tiếp tục thực hiện chuyến bay thứ hai vào mùa hè năm nay.

Theo ScienAlert