Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật

(Dân trí) - Vì không thể di chuyển nên thực vật cũng phải có cho mình một vài cơ chế tự vệ đặc biệt trước kẻ thù. Một số loài cây sẽ khiến cơ thể trở nên thật “đáng sợ” với gai nhọn hay chất độc; trong khi những loài khác lại thuê hẳn “vệ sĩ” để bảo vệ mình!

Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật - 1

Gai là một trong những vũ khí phòng vệ thường thấy nhất trên thực vật. Theo các nhà khoa học, những chiếc gai này về cơ bản chính là một phần thân hoặc nhánh cây được biệt hóa thành hình dáng sắc nhọn (trong trường hợp của xương rồng, gai do lá biến đổi thành), nhằm bảo vệ chúng khỏi những loài động vật gây hại có kích thước lớn.

Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật - 2

Lông gai có cơ chế hoạt động gần giống hệt như gai. Tuy nhiên, cấu trúc này lại thường thấy ở trên các loài cây thân thảo hoặc thậm chí là chồi non của cây thân gỗ. Về bản chất, thứ vũ khí này chỉ là một lớp lông dựng đứng. Do đó, đối tượng “thù địch” mà lông gai nhắm đến chính là những loài côn trùng thích gặm lá, chồi non, điển hình như sâu bướm.

Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật - 3

Lớp gai sắc nhọn không phải là phương thức phòng vệ duy nhất được thực vật sử dụng. Trên thực tế, có không ít loài cây sở hữu một thứ vũ khí bí mật, nằm ẩn sâu bên trong các bộ phận cơ thể như: thân, cành, lá…đó là “Dị bào”. Theo cách giải thích của giới khoa học, Dị bào chính là những tế bào phát triển theo cách riêng để phục vụ cho một mục đích đặc biệt nào đó. Trong trường hợp loại Dị bào chuyên dùng để tự vệ, chúng sẽ chứa các chất gây độc cho kẻ thù. Chẳng hạn như cây môn Trường Sinh- một loại cây nội thất rất phổ biến- sở hữu Dị bào có khả năng phóng ra tinh thể calcium oxalate và cả một loại enzyme mô phỏng nọc độc của bò sát, vào miệng bất cứ sinh vật nào ăn lá của chúng. Dưới tác động của đòn tấn công này, con vật có thể bị tê liệt và thậm chí là tắt tiếng tạm thời.

Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật - 4

Bên cạnh việc tự phát triển vũ khí, thực vật còn thông minh đến mức thuê hẳn vệ sĩ bảo vệ mình. Phương thức tự vệ này diễn ra khá phổ biến ở các loài thực vật chi Keo. Cụ thể, những cây này sẽ cho kiến làm tổ trên nách lá và nuôi dưỡng đàn kiến bằng chính cơ thể mình. Đổi lại, đàn kiến này sẽ bảo vệ cây bằng cách tiêu diệt những kẻ tấn công từ côn trùng cho đến nấm mốc. Mối cộng sinh giữa cây và kiến còn chặt chẽ đến mức, đàn kiến sẽ cắt trụi lá những cá thể cây khác đang xâm lấn địa bàn sống của cây chủ.

Sự cộng sinh giữa cây Keo và kiến.

Khám phá những cơ chế tự vệ đặc biệt của thực vật - 5

Cây Xấu Hổ sở hữu cho mình một trong những cơ chế phòng vệ đặc biệt nhất. Như chúng ta cũng đã biết đến, mỗi khi có lực tác động vào, lá cây sẽ nhanh chóng khép lại. Theo giới chuyên gia, hiện tượng này chính là một cách để cây Xấu Hổ tự bảo vệ mình khỏi động vật ăn cỏ. Cụ thể hơn, việc khép lá sẽ làm cây Xấu Hổ trông như bị héo chết, gây mất cảm giác ngon miệng cho con vật, và khiến chúng tìm đến món ăn khác tươi ngon hơn. Ngoài ra, cơ chế này cũng sẽ giúp cây Xấu Hổ giảm tối đa diện tích bề mặt. Từ đó, tăng khả năng chống chịu với những trận mưa bão lớn.

Về cơ chế khép lá, ở cuối cuống lá của cây Xấu Hổ sẽ có một cơ quan chứa đầy nước gọi là bọng lá. Khi hấp thụ lực, nước trong bọng lá sẽ dồn lên phía trên. Kết quả là phần dưới bọng lá thì xẹp xuống, phần trên lại được bơm căng, kéo theo hiện tượng cuống lá khép lại.

Thảo Vy

Theo Britanica