Khả năng khứu giác giúp linh trưởng tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã phát hiện ra rằng chức năng cảm nhận mùi (khứu giác) giúp loài khỉ đầu chó nhận biết và tránh được nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột lây truyền trong quá trình giao tiếp với đồng loại bị nhiễm bệnh.

Nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Science Advances cho thấy ký sinh trùng là một trong các yếu tố hình thành hành vi xã hội ở các loài linh trưởng, đem lại khả năng nhận biết và nhờ đó bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm ký sinh trùng bằng cách sử dụng giác quan cảm nhận mùi.

Khả năng khứu giác giúp linh trưởng tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột - 1

Dự án về loài Mandrillus được thực hiện vào năm 2012 nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái của quần thể loài khỉ Mandrills - loài động vật linh trưởng hoang dã có họ hàng gần gũi với khỉ đầu chó, phân bố chủ yếu ở miền Nam Gabon, châu Phi. Các cá thể khỉ đầu chó mandrills thường có động tác chải chuốt bộ lông cho nhau. Hành động này thực chất là một hình thức giúp loại bỏ các loài vật ký sinh sống ở lỗ chân lông, mặt khác, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sự gắn kết xã hội, giúp làm dịu căng thẳng và hóa giải xung đột với đồng loại.

Nhóm nghiên cứu sau khi phân tích cơ sơ dữ liệu thu thập được trong quá trình khảo sát thực địa được thực hiện trong vòng 5 năm đã đi đến kết luận, rằng những con mandrills ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo (động tác chải chuốt lông) từ đồng loại thường có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng nguyên sinh protozoa lây truyền qua đường tiêu hóa cao hơn so với những cá thể mandrills khỏe mạnh.

Có một điều đặc biệt là trong quá trình chải chuốt lẫn nhau, khỉ mandrills thường ý thức tránh vùng da xung quanh hậu môn - nơi phóng thích chất cặn bã (đa phần là ở dạng phân) của cơ thể ra ngoài và cũng là vị trí phát tán của ký sinh trùng.

Để làm rõ nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc thử nghiệm trong đó, họ sử dụng một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng. Đầu tiên, họ tiêm thuốc vào cơ thể những con mandrill bị nhiễm bệnh nhằm mục đích tiêu diệt và loại bỏ ký sinh trùng. Sau đó, họ thả chúng ra môi trường bên ngoài để chúng có thể sống và tiếp xúc với đồng loại trong. Sau thời gian được điều trị, những con linh trưởng này đã khỏe mạnh trở lại và tỏ ra thích thú với thói quen chải lông thường xuyên.

Nhóm nghiên cứu cho biết mục tiêu tiếp theo của họ là nhằm xác định vai trò của khả năng sử dụng khứu giác ở khỉ trong giao tiếp với đồng loại đối với việc ngăn chặn nguy cơ lây truyền ký sinh trùng từ những cá thể bị bệnh. Kết quả phân tích hóa học cho thấy mùi chất thải của hai nhóm khỉ khỏe mạnh và nhiễm bệnh có sự khác biệt. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã tiến hành thêm một loạt các thí nghiệm trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ nhằm quan sát và nghiên cứu hành vi của 16 con mandrills được bắt về từ một viện nghiên cứu ở Gabon.

Họ thu gom chất thải của các cá thể mandrills này tại các thời điểm khác nhau - cả khi bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột cũng như khi khỏe mạnh. Sau đó, số chất thải trên được nghiền nát, tán đều và rắc lên măng tre - một trong những loại thức ăn ưa thích của khỉ và đem cho chúng ngửi. Tuy nhiên, có một điều thú vị và kỳ lạ là những con khỉ này đã nhận biết và chủ động tránh không ăn măng tre đã được rắc chất thải có chứa ký sinh trùng. Hành động này chứng tỏ khả năng khứu giác của loài linh trưởng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giao tiếp bày đàn, giúp tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Nghiên cứu khẳng định: giống như những mối quan hệ họ hàng và thứ hạng xã hội, ký sinh trùng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến hành vi xã hội ở loài khỉ mandrill thông qua định hình động học xã hội trong quan hệ bày đàn. Nghiên cứu về sự phát triển của hành vi kháng ký sinh trùng tập trung nhấn mạnh ảnh hưởng của ký sinh trùng lây lan chủ yếu thông qua giao tiếp. Tuy nhiên, nghiên cứu đồng thời mở rộng phạm vi bao gồm các mầm bệnh phát tán qua các tuyến lây truyền khác nhau, chẳng hạn như tuyến trùng lây lan qua tiếp xúc với môi trường hoặc retrovirus lan truyền từ cá thể khỉ đực này qua cá thể khỉ đực khác qua những vết cắn trong quá trình xung đột.

P.K.L-NASATI (Theo Phys)