Hai chàng trai 8X được tôn vinh trong Sách vàng Sáng tạo

(Dân trí) - Từ thực tế đời sống với ý tưởng tận dụng nhiệt năng dư thừa trong quá trình đun nấu hàng ngày, vừa tiết kiệm lại an toàn khi sử dụng, hai chàng trai 8X Nguyễn Tiến Hồng và Tưởng Văn Huấn (Bắc Kạn) đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm để sáng tạo ra giải pháp “Tận dụng nhiệt của bếp lò để làm nóng nước dùng cho hộ gia đình”. Giải pháp này vừa được tôn vinh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016.

Trao đổi với Dân trí, Nguyễn Tiến Hồng (sinh năm 1985) – Giáo viên trường THCS xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho biết: “Hiện nay, củi là nguồn năng lượng chính và chưa thể thay thế ở các vùng nông thôn. Theo thống kê 70% người dân Việt Nam sử dụng củi làm nguồn năng lượng đun nấu và mỗi ngày một gia đình sử dụng ít nhất 8 kg củi. Chúng tôi tạo ra giải pháp này chủ yếu phục vụ cho người dân vùng nông thôn, kinh tế vẫn còn khó khăn vẫn có nước nóng để sử dụng trong những ngày mùa đông giá rét mà không phải sử dụng thêm bất kỳ khoản chi phí phát sinh nào”

Tiến Hồng cũng cho hay, người dân thường có thói quen sử dụng bếp đun truyền thống là kiềng để đun nấu vì vậy giải pháp ở đây là xây thành lò để tập trung nhiệt dưới đáy nồi còn lượng nhiệt thừa ở bên cạnh được tận dụng để làm nóng nước dùng cho hộ gia đình như vậy sẽ có 2 công dụng. Một là, tập chung nhiệt lửa dưới đáy nồi: Đun nấu nhanh hơn. Hai là, lấy nhiệt vòng quanh: Tận dụng nhiệt thừa.


Nguyễn Tiến Hồng (bìa trái) và Tưởng Văn Huân

Nguyễn Tiến Hồng (bìa trái) và Tưởng Văn Huân

Sáng chế là quá trình tận dụng nhiệt thừa của bếp đun nấu hàng ngày của các hộ gia đình để làm nóng nước dùng cho gia đình mà không phải trả thêm chi phí cho chất đốt. Phần chủ yếu và quan trọng nhất là thiết kế bình chứa để xung quanh bếp đun mà cũng là nơi định hướng ngọn lửa. Nước lạnh được lấy từ hệ thống nước đã có từ hệ thống nước lạnh của gia đình.

Tiếp tục đến khóa sửa chữa có tác dụng khi lắp đặt thêm hoặc có sửa chữa thì hệ thống nước lạnh của gia đình vẫn dùng bình thường. Tiếp theo sẽ đến van 1 chiều đồng lá lật có tác dụng làm cho nước đi theo hướng xác định mà nước nóng ở bình không quay trở lại đường nước lạnh, van 1 chiều được nối với bình chứa bằng dây cấp và kép Inoc.

Khi nước đi vào bình chứa sẽ phải chảy qua hệ thống vách ngăn của bình nhằm mục đích phải lấy lần lượt nước nóng chứ không để nước bị hoà, tiếp theo nước sẽ chảy qua mayso, mayso có tác dụng làm nóng nước nhanh khi bếp đang đun mà nước trong bình chưa nóng. Tiếp theo nước sẽ được dẫn tới nơi sử dụng hoặc tới bình chứa tùy vào mục đích sử dụng của từng gia đình. Ngoài ra còn có 1 đường xả khí quay trở lại téc nước lạnh.

Giải pháp đưa ra là tận dụng nhiệt của bếp lò để làm nóng nước. Trong ảnh là hệ thống bếp lò kết nối với đường ống dẫn nước từ trên bình chứa xuống.
Giải pháp đưa ra là tận dụng nhiệt của bếp lò để làm nóng nước. Trong ảnh là hệ thống bếp lò kết nối với đường ống dẫn nước từ trên bình chứa xuống.

“Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống hoạt động ổn định và cho kết quả tốt đối với đun củi chúng tôi đã kiểm tra và cho kết quả như sau: Đun 30 phút bắt đầu xả: đo được 76 độ C; Bình nóng lạnh lấy nhiệt thừa được 135 lít nước 60 độ C trong vòng 1 giờ 10 phút và nhiệt độ của nước lạnh bình thường là 28 độ C và nhiệt độ nước tắm là 37- 40 độ C khi đó đem pha với nhau sẽ được 400 lít nước 40 độ C. Đồng thời trong vòng 1 giờ 10 phút trên bếp đun được 50 lít nước sôi”- Tiến Hồng cho biết.

Hai chàng trai 8X được tôn vinh trong Sách vàng Sáng tạo - 3

Trước câu hỏi: Hiện nay phần lớn người dân đều có thể dùng bình nước nóng sử dụng điện hoặc năng lượng mặt trời. Vậy giải pháp đưa ra có thực sự hữu ích?

Tươi cười chia sẻ, Tưởng Văn Huân (sinh năm 1983) giải thích: Đúng là hiện nay người dân vẫn sử dụng hai loại bình nóng lạnh sử dụng điện và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên đối với việc sử dụng điện thì có thể gây nguy hiểm vì khi sử dụng lâu ngày có thể chập điện, tốn tiền điện, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và nền kinh tế quốc gia. Còn đối với bình sử dụng năng lượng mặt trời thì vào mùa đông rất bất tiện do ít nước nóng hoặc không có. Chính vì thế thường phải lắp song song kèm với bình sử dụng điện gây tốn kém về kinh tế khi phải lắp đặt cùng cả hai hệ thống.

“Giải pháp tận dụng nhiệt của bếp lò để làm nóng nước dùng cho hộ gia đình là hoàn toàn mới, tận dụng nhiệt thừa nhưng lượng nước nóng thu được lại nhiều, nguyên lý hoạt động hoàn toàn tự động, an toàn khi sử dụng” – Văn Huân bày tỏ.

Theo Huân và Hồng thì mặc dù giải pháp mới được đưa vào sử dụng những đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ, khi các hộ gia đình sử dụng không phải mất thêm chi phí phát sinh hàng tháng, có nước nóng sử dụng thường xuyên. Tạo nên thói quen tiết kiệm cho người sử dụng.


Nguyễn Tiến Hồng tại buổi lễ trao chứng nhận giải pháp được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016

Nguyễn Tiến Hồng tại buổi lễ trao chứng nhận giải pháp được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016

“Những gia đình dùng bình nước nóng sử dụng điện chỉ dùng để tắm thì trung bình 1 năm cũng tiêu thụ hết khoảng 3 triệu đồng tiền điện. Nếu sử dụng giải pháp tận dụng nhiệt của bếp lo để làm nóng nước dùng cho hộ gia đình, sẽ tiết kiệm được số tiền đó mà còn sử dụng nước nóng làm nhiều việc khác nữa” – Tiến Hồng chia sẻ.

Được biết hiện nay, giải pháp tận dụng nhiệt của bếp lò đang được áp dụng chủ yếu ở địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, áp dụng chủ yếu cho các hộ gia đình vùng nông thôn, các nhà hàng, nhà nghỉ… Những hộ gia đình hoặc các khu tập thể có sử dụng củi, than, trấu, phụ phẩm nông nghiệp làm chất đốt đều có thể áp dụng được.

Nguyễn Hùng