"Đơn đặt hàng" đặc biệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

(Dân trí) - Thay đổi cơ chế chính sách trong quản lý Sở hữu trí tuệ để Việt Nam tiên phong trong khối ASEAN; Sửa ngay các thông tư, quy định về kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là hai “đơn hàng” mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 21/9.

Nhằm kiểm tra tình hình khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường và Sở hữu trí tuệ, sáng 21/9/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc trực tiếp với hai đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là Cục sở hữu trí tuệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực tế về công tác quản lý hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực tế về công tác quản lý hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ

Với mục tiêu nắm bắt tình hình thực tế, thuận lợi, khó khăn của hai đơn vị này trong quá trình triển khai thực hiện… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ ghé thăm một số phòng ban để “chất vấn” về nghiệp vụ trước khi làm việc chính thức. Vì sự sâu sát này mà trong cuộc trao đổi với lãnh đạo của Bộ KH&CN ngay sau đó đã tháo gỡ được không ít vấn đề.

Việt Nam phải tiên phong trong khối ASEAN về Sở hữu trí tuệ

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác Sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cũng cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, qua đó đã đảm bảo việc tiếp nhận và cơ bản xử lý một khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp: tiếp nhận đến gần 100.000 đơn các loại và xử lý gần 80.000 đơn các loại mỗi năm; Tạo nên sự chuyển biến về chất trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ, giúp cho tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị lớn của doanh nghiệp để thương mại hóa và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong kinh doanh; Đảm bảo sự thành công của quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó các cam kết về SHTT là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Cục SHTT cũng gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật sở hữu trí tuệ, tuy đã rất nỗ lực song vẫn chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Lượng đơn nộp vào Cục SHTT liên tục gia tăng, bản chất đơn ngày càng phức tạp, thời gian tra cứu để thẩm định đơn ngày càng lâu, trong khi đó các điều kiện để phục vụ công tác thẩm định đơn (quy trình, thủ tục, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, v.v.,) chưa được cải thiện trong một thời gian dài đã dẫn đến việc tồn đọng một lượng đơn không nhỏ.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra câu hỏi: So với thế giới và các nước trong khu vực thì Việt Nam đang ở vị trí như thế nào?


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi về thứ hạng của Việt Nam so với các nước đang đứng ở đâu?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi về thứ hạng của Việt Nam so với các nước đang đứng ở đâu?

Giải đáp câu hỏi này, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết: Nói về thứ hạng thì không có chỉ số nào để nói được, song chắc chắn chúng ta còn thấp. Trong khu vực ASEAN thì đầu bảng là Singapore bởi hệ thống của họ được đầu tư cả về nhân lực lẫn các trang thiết bị, năng lực tổ chức của họ rất mạnh. Năm 2015, Singapore trở thành cơ quan tra cứu và thẩm định sơ bộ quốc tế được tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO công nhận. Việt Nam của chúng ta chỉ đứng ngang hoặc thấp hơn một chút so với một số nước tiệm cận như Thái Lan, Philippines. Đối với Indonesia thì tùy từng đối tượng, có đối tượng chúng ta hơn họ nhưng có đối tượng thì lại thua. Tại sao lại nói như vậy? Trong sở hữu công nghiệp thì có rất nhiều đối tượng khác nhau, các hệ thống áp dụng thẩm định xem xét cũng khác nhau…

“Ở Thái Lan họ mở ra cơ chế cho phép người nộp đơn nộp một khoản lệ phí để tra cứu và thẩm định rất cao. Cơ quan SHTT Thái Lan lại thuê các cơ quan SHTT mạnh trên thế giới để tiến hành việc này. Trong khi đó ở Việt Nam thì nguồn lực không có, phí tra cứu thì thấp nên không thể thực hiện được như họ” – Phó Cục trưởng Lâm nói.

Thẳng thắn nhìn nhận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tôi nhận được không ít kiến nghị của các doanh nghiệp có liên quan đến Cục SHTT, thời gian chờ đợi để được công nhận, cấp chứng nhận… quá lâu. Chỉ mình vấn đề này không thôi thì chúng ta đã phải đổi mới rồi. Chúng ta nhìn lại so với thế giới thì rõ ràng tất cả các mặt, đặc biệt là phát minh sáng chế của Việt Nam là rất thấp so với tỷ lệ người dân, giáo sư, tiến sĩ, doanh nghiệp. Trong khi đó việc quy trình, thủ tục, thời gian… còn bất cập như vậy là chưa ổn”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, về quy trình, thủ tục… hoàn toàn do Cục SHTT, Bộ KH&CN chủ động.

“Nếu các đồng chí là những người đổi mới nhất và muốn quy trình đó như thế nào thì lọc hết ra cho tôi. Cái gì vướng Luật thì mình tìm cách vận dụng trong khi chưa sửa được Luật thì cũng có thể làm được tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn như Luật quy định về thời gian nhưng đó là thời hạn tối đa. Bên cạnh đó, năm nay ngân sách dành cho KH&CN lên đến hơn 15.000 tỷ, nếu chúng ta áp dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm được 1% thì con số đã là 150 tỷ” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng quán triệt và đặt hàng Cục Sở hữu trí tuệ

Phó Thủ tướng quán triệt và "đặt hàng" Cục Sở hữu trí tuệ

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&CN ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch tất cả. Chẳng hạn như các đề tài nghiên cứu giao như thế nào, quá trình thực hiện,... thậm chí là cả ý kiến phản biện như thế nào thì cũng công khai hết lên để cho tất cả mọi người cùng giám sát.

“Với cách làm như vậy sẽ tiết kiệm được ngân sách cộng thêm với nguồn thu thêm thì hoàn toàn có thể thuê được bên ngoài để bớt công đoạn đi. Chúng ta cần phải mạnh dạn nghĩ theo hướng như vậy” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Về việc Cục SHTT xin tách phần quản lý nhà nước ra khỏi sự nghiệp thì Phó Thủ tướng khẳng định: Ở đây không cần phải xin mà Chính phủ đang yêu cầu phải làm như vậy một cách nhanh nhất có thể. Chúng ta không cần phải xin tự chủ mà tinh thần của Nhà nước yêu cầu là buộc phải tự chủ. Khi tự chủ rồi thì không còn bị hạn định bởi số lượng, biên chế…

“Tôi đề nghị các đồng chí không chỉ có nghĩ mà làm thật. Tôi chấp nhận chúng ta đứng sau Singapore, nhưng sau một tí thôi. Các đồng chí không thể hài lòng nếu không hơn các nước khác trong ASEAN về lĩnh vực SHTT. Chúng ta đang yếu hơn thì khâu này phải mạnh lên thì mới kéo lên được. Không quá một tháng tôi hẹn sẽ làm việc lại với các đồng chí về vấn đề này cùng với sự tham gia của các bộ/ngành liên quan” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “đặt hàng” Cục SHTT.

Sửa quy định chuyên ngành, giảm thời gian thông quan


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu đánh giá, kiểm định sản phẩm trước khi làm việc chính thức ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu đánh giá, kiểm định sản phẩm trước khi làm việc chính thức ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Sau khi “đặt hàng” Cục SHTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL). Buổi làm việc này có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Công Thương, KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.... Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế, tồn tại, trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc giảm số mặt hàng, thời gian kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, trong lĩnh vực hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, Tổng Cục đã và đang tập trung vào việc khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại; bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo phù hợp với các quy định của hiệp định hay điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành trong thời gian qua.

Có thể lấy ví dụ như đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng đã được cắt giảm so với trước. (Từ trung bình 23 ngày xuống còn 1,26 ngày đối với nhóm sản phẩm LPG và cao nhất là 11,4-17,06 ngày đối với nhóm sản phẩm điện- điện tử)…


TS Nguyễn Đình Cung khẳng định: Để giảm được thời gian thông quan hàng hóa thì vai trò của Bộ KH&CN rất quan trọng.

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định: Để giảm được thời gian thông quan hàng hóa thì vai trò của Bộ KH&CN rất quan trọng.

Trao đổi lại với bản báo cáo này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Nghị quyết 19 là phải giảm được số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chất lượng, nhưng hiện chưa giảm. Để giảm được thời gian thông quan hàng hóa, thì vai trò của Bộ KH&CN là rất quan trọng, có thể nói là “nắm đằng gốc”. Vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.

“Muốn giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, thì phải tác động tới gốc, một là danh mục các mặt hàng phải kiểm tra và hai là phương thức quản lý phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nghệ thông tin” – TS Cung nhấn mạnh.

Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đưa ra ví dụ cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày.

Chi phí mỗi ngày cho một lô hàng từ 120-300 USD, cứ giảm được 1 ngày thủ tục sẽ giúp DN tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.

Nhưng quan trọng hơn là chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển. Vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trước thực trạng trên, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay. Ông Tuấn đề nghị để thực hiện mục tiêu này, có những việc có thể làm được ngay. Như Bộ KH&CN có thể sửa ngay Thông tư 28 về công bố hợp chuẩn, hợp quy, hiện đang tiền kiểm 100%, thì nên sửa thành hậu kiểm, thực hiện từ ngày 1/10. Ông Tuấn cho rằng việc sửa Thông tư này có thể giúp giảm từ 8-12% số lô hàng phải kiểm tra.

Trước lời đề nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt Bộ KH&CN: Cái gì sửa được thì nên làm ngay. Nếu sửa được như vậy thì chắc doanh nghiệp và xã hội cũng không phê bình Bộ về việc không lấy ý kiến trước khi sửa.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa ngay quy định chuyên ngành, giảm thời gian thông quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa ngay quy định chuyên ngành, giảm thời gian thông quan

“Cải cách kiểm tra chuyên ngành nghe qua dường như không liên quan KH&CN nhưng sự đóng góp của các đồng chí rất quan trọng. Giảm thời gian thông quan được 1 ngày thì 1 năm chúng ta tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD, bằng đúng kinh phí cấp cho ngành KHCN hằng năm”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng lưu ý thêm, về lâu dài với việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.

`Liên quan đến mục tiêu giảm số mặt hàng và thời gian kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngay tuần tới các Bộ phải đưa ra đề xuất cụ thể, thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết 19.

“Để cải thiện năng suất thì phải dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, xây thêm nhà máy, khu công nghiệp, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu. Và khi đó thủ tục thông quan hàng hóa cũng phải theo kịp, phải hỗ trợ cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Nếu không ý thức đầy đủ vấn đề này sẽ có tác động không nhỏ tới cả nền kinh tế”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cải cách thì quan trọng nhất là con người, vai trò của người đứng đầu. Khi cần thiết phải cách chức, điều chuyển những người không làm được việc.

“Điều quan trọng nhất là làm sao doanh nghiệp giảm thời gian làm thủ tục liên quan đến chứng nhận chất lượng hàng hóa, chúng ta đã giảm từ 23 ngày xuống trung bình 13 ngày thì quyết tâm giảm còn 10 ngày, trước hết tập trung vào những mặt hàng mất nhiều thời gian kiểm định như điện, điện tử” - Phó Thủ tướng tiếp tục giao "đề bài" cho Bộ KH&CN.

Nguyễn Hùng