Con người có thể ngủ đông giống như trên các bộ phim viễn tưởng?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Nhờ những tiến bộ khoa học, việc con người ngủ đông không còn hư cấu mà có thể sẽ sớm trở thành hiện thực.

Con người có thể ngủ đông giống như trên các bộ phim viễn tưởng? - 1

Các nhà khoa học đang nghiên cứu quá trình ngủ đông đối với con người (Ảnh minh họa: Radio France).

Ngủ đông là trạng thái giảm nhiệt độ của cơ thể, đi cùng với đó là hơi thở, nhịp tim và các hoạt động trao đổi chất khác chậm lại. 

Trong tự nhiên, một số loài động vật như gấu Bắc Cực, gấu nâu, chim ruồi thực hiện trạng thái này theo chu kỳ, trước khi ngủ đông, chúng ăn rất nhiều thực phẩm để lưu trữ năng lượng trong cơ thể và nó (năng lượng dự trữ) sẽ được sử dụng chủ yếu để duy trì nhiệt độ cơ thể. 

Cơ chế ngủ đông đối với con người hiện vẫn đang gặp những thách thức, do cơ thể chúng ta luôn duy trì nhiệt độ 37 độ C, việc giảm đi 1 độ C cũng có thể xuất hiện phản ứng run rẩy. 

Phương pháp này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và nó đạt được những kết quả tích cực khi thử nghiệm trên chuột. 

Sẽ sớm thành hiện thực

Do việc du hành vũ trụ giữa các hành tinh hiện nay gặp nhiều hạn chế từ khoảng cách cũng như lượng nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến đi dài chưa thể đáp ứng để duy trì sự sống cho các phi hành gia. 

Chính vì thế, phương pháp ngủ đông cho con người là một trong những ưu tiên hàng đầu trước khi các cơ quan vũ trụ nghĩ đến việc đưa phi hành gia chinh phục những hành tinh cách xa Trái Đất. 

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tài trợ cho SpaceWorks Enterprises, một công ty đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ngủ đông nhân tạo cho các phi hành gia. 

Trong giấc ngủ đông của con người, nhu cầu về thức ăn sẽ ít đi rất nhiều do quá trình trao đổi chất trong cơ thể giảm đáng kể, gần như bằng không.

Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không thể lưu trữ một lượng lớn năng lượng như một số loài động vật, buộc các nhà khoa học phải nghiên cứu các phương pháp cung cấp năng lượng cho các phi hành gia qua các đường ống phẫu thuật hay truyền chất dinh dưỡng vào tĩnh mạch. 

Vậy làm thế nào để hạ nhiệt độ cơ thể của các phi hành gia xuống 32 độ C mà không gây ra phản ứng run rẩy.

Trên đất liền, điều này được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc an thần. Tuy nhiên, trong không gian, đây không phải là một lựa chọn tối ưu và các nhà khoa học đang phát triển một loại thuốc gây trạng thái ngủ một cách an toàn.

Hiện tại, loại thuốc này đang cho những kết quả tích cực khi thử nghiệm trên chuột, nhưng việc ứng dụng nó trên người vẫn chưa được tiến hành.

Mặt khác, vì cơ thể con người không phù hợp với môi trường trong không gian, nên việc các phi hành gia sinh sống trong môi trường không trọng lực hay trọng lực thấp về lâu dài sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, suy giảm thị lực. 

Chính vì thế, các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm một giải pháp chính là "kích thích điện thần kinh cơ", về cơ bản các phi hành gia trong trạng thái ngủ đông sẽ được truyền xung điện khiến các cơ bắp họ co lại.

Hạn chế duy nhất của giấc ngủ đông đối với con người chính là nó sẽ không kéo dài tuổi thọ hay giữ cho bạn trẻ mãi mãi như trong những bộ phim viễn tưởng, chúng ta vẫn già đi theo thời gian. 

Lợi ích ngủ đông đối với con người? 

Nguyên tắc hạ nhiệt độ cơ thể con người đến trạng thái buồn ngủ thường được thực hiện đối với các nạn nhân gặp những tai nạn chấn thương nghiêm trọng, giúp họ có thêm cơ hội để các bác sĩ cứu sống, nó được gọi là "hồi sức khẩn cấp".

Khi đó, cơ thể người bệnh sẽ được làm mát nhanh chóng khiến nhịp tim và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm lại. Điều này giúp các bác sĩ có thêm thời gian thực hiện những phẫu thuật cần thiết. 

Phương pháp này lấy cảm hứng từ một người đàn ông Nhật Bản tên là Mitsutaka Uchikoshi, ông không may gặp tai nạn gãy xương chậu khi đang leo núi với bạn bè và được tìm thấy sau 24 ngày bất tỉnh. 

Đáng ngạc nhiên, Mitsutaka Uchikoshi vẫn còn sống do cơ thể ông hạ nhiệt, giảm xuống chỉ còn 22 độ C khiến quá trình trao đổi chất trong người đàn ông này gần như dừng lại.

Mặt khác, một số nghiên cứu chỉ ra, ngủ đông cũng có thể có tác dụng điều trị, làm giảm bệnh béo phì hay tiểu đường.

Hiện nay, với tất cả những tiến bộ khoa học, việc con người ngủ đông không còn hư cấu mà sớm trở thành hiện thực, các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn để khắc phục những rủi ro khi thử nghiệm trên chuột trước khi ứng dụng ngủ đông vào con người. 

Theo www.scienceabc.com