Có phải trên sao Hỏa từng có sự sống?

(Dân trí) - Bức xạ khắc nghiệt, lớp không khí mỏng và nhiệt độ băng giá trên hành tinh Đỏ có thể đã bắt buộc bất kỳ loại vi khuẩn còn sót lại nào phải trú ẩn dưới lòng đất từ cách đây rất lâu. Nếu sự sống tồn tại trên sao Hỏa, nó sẽ phải đối mặt với bức xạ khắc nghiệt – và hiện nay, bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống chỉ có thể tìm thấy ở rất sâu dưới lòng đất.

Có phải trên sao Hỏa từng có sự sống? - 1

Trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội sao Hỏa tổ chức vào 22-25/9 ở Washington D.C., Jennifer Eigenbrode – một nhà sinh địa hóa học và cũng là một nhà địa chất học ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland – đã vạch ra những hạn chế về các sinh vật sống có thể tồn tại trên Hành tinh Đỏ và những trở ngại mà họ sẽ phải đối mặt, cũng như khả năng tồn tại bất kỳ sự sống nào trên đó.

Một điều rất quan trọng đối với các nhà khoa học là họ phải đảm bảo rằng mình sẽ nhận ra được dấu hiệu của sự sống khi bắt gặp nó, không chỉ để tìm hiểu thêm về vũ trụ, mà còn vì những dạng sống như vậy có khả năng sẽ gây nguy hiểm cho con người.

Bà cho biết: “Phòng thí nghiệm khoa học Mars Science Laboratory trên tàu thăm dò Curiosity chưa bao giờ được chuẩn bị để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống. Các thiết bị của tàu Curiosity được thiết kế để các các nhà khoa học có thể trả lời cho câu hỏi về việc liệu trong quá khứ đã từng tồn tại sự sống trên hành tinh này, và liệu có thể phát hiện bất kỳ dấu vết nào hay không. Đó là điều đầu tiên cần biết trước khi tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống”.

Những thách thức đối với sự sống trên sao Hỏa đã bắt đầu từ hàng tỷ năm trước, khi hành tinh này bị mất từ trường vì một lý do nào đó. Điều đó khiến sao Hỏa không còn gì để ngăn gió mặt trời và làm cho bầu khí quyển của hành tinh này dần dần bị thoát vào trong vũ trụ.

Eigenbrode cho biết “Điều này cũng khiến cho toàn bộ bề mặt của hành tinh này bị phơi bày dưới bức xạ mặt trời. Bầu khí quyển bị thổi bay đi. Chúng làm cho quá trình tiến hóa của sinh quyển này trở nên phức tạp hơn”.

Vì bầu khí quyển rất mỏng, nên có nhiều bức xạ ion hóa chạm tới mặt đất hơn. Loại bức xạ đó có xu hướng phá vỡ các phân tử hữu cơ (các phân tử có chứa carbon). Trong phòng thí nghiệm, sự tiếp xúc với bức xạ ở mức độ tương tự như trên bề mặt sao Hỏa đã phá hủy đến 90% các phân tử carbon lớn.

Nếu trong quá khứ có tồn tại sự sống trên sao Hỏa, thì khi đó hành tinh này có thể ẩm ướt hơn, bầu khí quyển dày hơn, và các sinh vật có thể có nơi để sinh sống. Nếu vậy, sau đó, dần dần sự sống có thể thích nghi với môi trường bức xạ cao hơn và rút sâu vào dưới lòng đất để tự bảo vệ.

Những dấu hiệu của sự sống như vậy có thể vẫn còn tồn tại đến bây giờ; các thiết bị trên tàu thăm dò Curiosity đã được thiết kế để có thể tìm ra những dấu hiệu tồn tại đó. Các dữ liệu từ Curiosity cho thấy một số các phân tử carbon lớn vẫn còn tồn tại trong lớp đất của sao Hỏa, và chúng không phải chỉ là kết quả do bị ô nhiễm từ chính tàu thăm dò.

Eigenbrode nói thêm rằng, các nhiệm vụ trong tương lai là sẽ phải kiểm tra bên dưới bề mặt của hành tinh này để tìm kiếm các dấu vết của sự sống trước kia. “Nếu chúng tôi tìm kiếm một thứ gì đó từ môi trường cổ xưa, chúng tôi cần phải đi sâu xuống khoảng 2-3m”.

Bên cạnh việc bảo vệ khỏi bức xạ, sự sống cũng cần có nước ở dạng lỏng. Eigenbrode đã chỉ ra một số dấu hiệu đáng khích lệ về việc các phân tử quan trọng đó hiện diện trên sao Hỏa, chẳng hạn như các cấu tạo trong miệng núi lửa Gale. Các nhà nghiên cứu đã xác định được sự tồn tại của đá bùn và các dải trầm tích – những thứ chỉ hình thành khi có sự tham gia của nước trong một thời gian dài đến hàng thiên niên kỷ.

Eigenbrode cũng nói về một dấu hiệu tốt khác, đó là tàu Curiosity đã tìm thấy các bằng chứng về việc nước có thể sủi tăm trên bề mặt sao Hỏa và chuyển thành dạng sương giá. Bà cho rằng “có lẽ nước sẽ mang các sinh vật lên trên bề mặt”.

Có rất ít khả năng tồn tại sự sống trên bề mặt ở thời điểm này, bởi vì bức xạ cao.

Mặc dù Curiosity đã tìm thấy các phân tử carbon, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng sự sống tồn tại, ngay cả ở trong quá khứ. Những phân tử này có thể xuất hiện từ 3 nguồn: một là bụi vũ trụ, hai là các phản ứng hóa học dưới lòng đất, thứ ba là các sinh vật sống thực sự.

Bà Eigenbrode cho biết, việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa có thể mang đến một số lợi ích. Ngoài những giá trị khoa học của việc tìm kiếm các sinh vật ngoài hành tinh, các nhà nghiên cứu cũng muốn xác định các sinh vật sống trên sao Hỏa, vì chúng có thể nguy hiểm đối với con người.

Anh Thư (Theo Scientificamerican)