Các khu rừng nhiệt đới đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu

(Dân trí) - Một thông tin gây sốc cho rằng các khu rừng nhiệt đới đang phát thải CO2 và góp phần rất lớn vào sự ấm lên của trái đất vốn đang diễn ra.

Các khu rừng nhiệt đới đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu - 1

Trong khi hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng sự nóng lên toàn cầu là sản phẩm phụ do hoạt động của con người, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp, thì một nghiên cứu mới lại phát hiện rằng cây cối – thứ được cho là đang cứu chúng ta khỏi ngày tận thế - lại đang thực sự góp phần vào sự sụp đổ của chúng ta.

Cây hấp thụ CO2 và tạo ra ô-xy. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California phát hiện rằng các cánh rừng nhiệt đới lớn nhất của Trái Đất đang hấp thụ rất ít CO2 và khiến rừng chết đi.

Khi cây trong rừng chết đi, chúng sẽ bị thối rữa và giải phóng một lượng lớn khí CO2, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.


Các cánh rừng nhiệt đới như ở In-đô-nê-xia đang chết dần.

Các cánh rừng nhiệt đới như ở In-đô-nê-xia đang chết dần.

Khi cây chết nhiều hơn, sẽ tạo ra nhiều CO2 hơn, lại khiến cho nhiều cây chết hơn trong khi cả hành tinh đang xuống dốc không phanh.

Một trong những yếu tố chính góp phần vào điều này là sự gia tăng cường độ El Nino – hiện tượng đại dương ấm hơn – trong vài thập niên gần đây.

Tác giả chính của nghiên cứu này, nhà khoa học Junjie Liu cho rằng những tổn hại nặng nề nhất đang xảy ra ở Nam Mỹ, châu Phi và In-đô-nê-xia – những nơi chịu trách nhiệm về lượng phát thải CO2 tăng lên nhiều nhất.

Bà cho biết: những khu vực nhiệt đới này đã thải nhiều hơn 2,26 tỷ tấn so với lượng năm 2011.


Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm tan băng ở các cực.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm tan băng ở các cực.

Theo bà Liu, phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng “lượng CO2 tăng thêm này đã giải thích cho sự thay đổi về tỷ lệ tăng trưởng CO2 trong bầu khí quyển giữa năm 2011 và cao điểm của năm 2015 – 2016”.

Dữ liệu của vệ tinh OCO-2 cho phép chúng ta định lượng được mức độ ảnh hưởng của El Nino đến sự trao đổi các-bon giữa đất liền và khí quyển ở từng khu vực riêng biệt trong những năm qua.

Nhà khoa học dự án Annmarie Eldering của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (NASA) phát biểu thêm rằng nghiên cứu này sẽ cho phép ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu do tự nhiên.

Theo bà, “hiểu được cách chu trình các-bon ở những khu vực này phản ứng với El Nino sẽ cho phép các nhà khoa học cải tiến các mô hình chu trình các-bon, điều này sẽ dẫn tới những dự đoán về cách hành tinh của chúng ta có thể phản ứng với các điều kiện tương tự trong tương lai”.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy, nếu khí hậu trong tương lai sẽ gây ra nhiều hạn hán, hoặc hạn hán kéo dài hơn – giống như đợt El Nino gần đây nhất đã gây ra – thì trong bầu khí quyển sẽ còn nhiều CO2 hơn, dẫn đến xu thế Trái Đất còn ấm hơn nữa.

Anh Thư (Theo Express )