Bố bị căng thẳng có thể làm tổn hại đến trí não của con

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới ở loài chuột đã phát hiện ra rằng sự căng thẳng của người bố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não ở con cái do tinh trùng bị biến đổi.

Bố bị căng thẳng có thể làm tổn hại đến trí não của con - 1

Phát hiện này mới được công bố vào Thứ Sáu tuần trước tại hội nghị năm 2018 của Hiệp Hội Mỹ Vì Sự Phát Triển Khoa Học kéo dài bốn ngày tại Austin, Texas (Mỹ), qua đó mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò của bố đối với sự phát triển trí não của con cái.

Các nhà khoa học vốn đã biết rằng môi trường của cơ thể mẹ trong quá trình mang thai có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến con cái, trong đó một phần là do ảnh hưởng của môi trường đến khả năng biểu hiện của một số gen – cơ chế này được gọi là di truyền biểu sinh.

Tuy nhiên một nhóm các nhà nghiên cứu với trưởng nhóm là chuyên gia thần kinh học Tracy Bale tới từ Trường Y, Đại học Maryland, đã cho thấy rằng trạng thái căng thẳng của bố cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái do làm thay đổi một số yếu tố quan trọng trong tinh trùng.

Trước đó, bà Bale và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng khi gặp áp lực thì một loại vật liệu di truyền được gọi là miRNA trong tinh trùng của con đực sẽ có những biến đổi. MiRNA hết sức quan trọng vì chúng đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định gen nào sẽ được biểu hiện.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã khám phá thêm được các chi tiết mới về những thay đổi của miRNA. Ở tuyến sinh dục của con đực, chòm mào tinh hoàn – nơi tinh trùng trưởng thành – giải phóng các bọng nhỏ xíu có chứa miRNA có thể kết hợp với tinh trùng. Và khi bố bị căng thẳng, chỏm mào tinh sẽ phản ứng với tình trạng căng thẳng đó và làm thay đổi thành phần của các bọng miRNA này.

Bố bị căng thẳng có thể làm tổn hại đến trí não của con - 2

Điều này cho thấy rằng ngay cả những thách thức nhỏ về môi trường cũng có thể tác động đáng kể đến sự phát triển và tiềm năng về mặt sức khỏe của con trong tương lai.

Trong khi nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu những tác động tương tự có xảy ra với con người hay không thì bà Bale cũng cho hay các nghiên cứu thí điểm cho thấy rằng sự thay đổi các bọng trong tinh dịch của nam giới phản ánh sự thay đổi ở tinh trùng của họ, qua đó cho thấy cũng giống như ở chuột, ở nam giới hai thứ này cũng tương tác với nhau.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới cũng cho rằng miRNA cũng đóng một vai trò quan trọng trong các hội chứng tâm thần. Nghiên cứu của giáo sư Paul Kenny – một chuyên gia về thần kinh học của trường Dược Icahn ở New York, Mỹ - cho thấy sự thay đổi nồng độ của một số loại miRNA nhất định có thể có quan hệ với tình trạng luôn cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi.

Nhóm nghiên cứu đã làm biến đổi gen của một số con chuột khiến chúng không thể sản xuất ra miRNA-206, rồi so sánh hành động của những con chuột này với chuột “bình thường” bằng cách bắt chúng làm các nhiệm vụ buộc phải sử dụng vỏ não trán trước. Những con chuột bị biến đổi gen không hề tham gia vào nhiệm vụ mà chỉ trốn tránh trong góc. MiRNA-206 có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hành vi khi ở trạng thái lo lắng.

Anh Thư (Tổng hợp)